Cách chọn và bảo quản 3 loại bưởi ngon sạch không phải ai cũng biết

Bưởi là loại hoa quả nhiều bà nội trợ hay thích mua về cho gia đình vì vừa bổ dưỡng vừa khá an toàn so với các loại quả khác. Tuy nhiên, không phải bà nội trợ nào cũng biết cách chọn và bảo quản.

Dưới đây là cách chọn và bảo quản 3 loại bưởi mà nhiều người thường hay mua nhất:

Bưởi da xanh

Bưởi da xanh có quanh năm. Nếu xét ở điểm hiện tại, bưởi da xanh là loại bưởi được nhiều người yêu thích nhất, đặc biệt là với bưởi da xanh Bến Tre với từng tép bưởi căng mọng, những múi ngon đỏ hồng, vỏ mỏng. Một ưu điểm nữa ở loại bưởi này là khi bổ và bóc vỏ rất dễ.

Để có những quả da xanh ngon bạn nên dựa vào những dấu hiệu dưới đây:

- Vỏ quả: Những quả bưởi da căng, màu sắc hơi ánh vàng, gai quả to, khi bạn cầm cảm giác trái đều đặn. Vỏ quả sáng bóng, không bị mềm hay bị nhăn nheo, với những quả có vết lốm đốm trên quả bạn cũng nên loại bỏ ngay.

- Trọng lượng: Khi nhấc những quả bưởi da xanh lên và so chúng với những quả bưởi khác cùng loại bạn sẽ có cảm giác những trái bưởi này nặng hơn. Nên chọn những quả bưởi có từ 1 kg trở nên (tất nhiên bạn không cần chọn những quả quá to), nhưng đối với bưởi da xanh dưới 1 kg thường dễ gặp những trái chưa đủ già hoặc phát triển nơi đất cằn, khi ăn sẽ mất vị ngon đặc trưng.

- Cuống bưởi: Cuống của quả bưởi da xanh phải còn tươi và dính chắc. Dùng ngón tay bấm vào quả bưởi, nếu thấy cuống sụt thì đó là bưởi tươi, còn phần cuống dai là bưởi đã để lâu ngày, héo.

- Độ mỏng/dày của vỏ quả: Để phân biệt bưởi da xanh dày hay mỏng vỏ, bạn dùng tay búng nhẹ vào quả. Những quả mỏng sẽ phát ra tiếng “cạch cạch”, còn đối với quả dày sẽ phát ra tiếng “bụp bụp”. Còn một cách nữa là dùng ngón tay bấm vào quả, nếu thấy vỏ căng, da quả cứng đó là bưởi già, khi ăn sẽ ngọt ngon.

Bưởi Diễn

Bưởi Diễn có nguồn gốc từ làng Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bưởi Diễn xuất hiện nhiều nhất trên thị trường là vào dịp gần giáp Tết nguyên đán. Không giống như các loại bưởi khác, quả bưởi Diễn càng nhỏ thì càng già, khi ăn có vị sắc và thanh rất đặc biệt. Cách chọn bưởi Diễn ngon bạn dựa vào các dấu hiệu sau:

- Nên chọn những quả có hình dáng tròn đều (không dài) và cầm chắc tay.

- Khối lượng quả dao động từ 0,9 -1 kg (nếu bạn chưa biết thì có thể áng chừng bằng cách chọn những quả có kích thước chừng 2-3 nắm tay).

- Chọn những quả bưởi Diễn có mùi thơm dịu nhẹ là bưởi đạt chuẩn.

- Chọn những quả bưởi Diễn có vỏ hơi xấu, da nhăn, màu vàng sẫm. Bên cạnh đó bạn có thể kiểm tra độ dày/mỏng của vỏ. Cũng giống như bưởi da xanh, bạn kiểm tra bằng cách dùng tay búng nhẹ vào vỏ bưởi, nếu phát ra tiếng “cạch cạch” đó là bưởi ngon, hoặc bấm móng tay vào quả cũng là cách khá hay, tuy nhiên vốn vỏ bưởi ta chọn đã héo, nên vỏ bưởi sẽ khó bấm và cứng. Nếu bấm và thấy quả mềm và dễ thì là bưởi xộp, không ngon. Với những quả hơi héo, chỉ cần bóp nhẹ là bạn cũng có thể cảm nhận được phần ruột bên trong. Đây là bưởi lứa hoa 1 nên ăn rất ngọt.

- Cuống quả bưởi Diễn càng nhỏ càng ngon.

Bưởi Năm Roi

Mùa thu chính là thời điểm chính vụ của bưởi Năm Roi. Những dấu hiện nhận biết cách chọn bưởi ngon:

- Bưởi Năm Roi có dáng hình quả lê, thân và núm tròn, khi cầm trái nặng và chắc tay. Cũng giống như bưởi da xanh bạn cần chọn những trái có cân nặng từ 1 kg trở nên.

- Về vỏ quả: Loại bưởi này ngon nhất là sau khi hái chừng 1-2 tuần, lúc này bưởi đã được “xuống” ăn có vị ngon, ngọt hơn. Khi chọn bạn nên chọn những quả vỏ vàng, da hơi nhăn, cầm chắc tay, lúc này ta mua trái vừa ngọt lại lợi được về cân nặng.

- Cách kiểm tra độ dày của vỏ bưởi: Cũng giống như 2 loại bưởi nói trên, bạn kiểm tra bằng cách búng nhẹ hoặc bấm móng. Âm thanh “cạch cạch” hoặc vỏ cứng là bưởi ngon.

Bưởi Năm Roi ngon nhất là ở vùng đất Hậu Giang hay Vĩnh Long, ở những vùng đất khác do khác về chất đất nên sẽ khó thu được những trái bưởi ngon, bưởi thưởng khô, tép nhỏ và chua.

Cách bảo quản các loại bưởi

- Trước hết, chọn những quả bưởi có hình dáng đẹp, không sâu, bệnh, đủ độ chín sinh lý. Dùng dao hay kéo sắc cắt cuống quả dài 0,5cm, lấy vôi tôi chấm vào vết cắt có tác dụng khử trùng, chống thối.

- Bảo quản quả bưởi dùng để ăn dần: cách này đơn giản, chỉ cần làm giàn bằng tre hay gỗ nhiều tầng, mỗi tầng cách nhau 25-30cm, xếp quả bưởi vào kín từng tầng, để giàn bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Cách này thường được dùng để bảo quản một số bưởi đặc sản ở một số vùng tới 3-4 tháng sau thu hoạch, tuy vỏ ngoài quả bưởi đã héo nhăn nheo nhưng lõi bưởi vẫn mọng nước, tép bưởi không nát, ăn ngọt đậm đà hơn lúc mới thu hoạch.

- Bảo quản quả bưởi làm đồ thờ, tế lễ: Yêu cầu quả bưởi phải giữ được đẹp. Nếu bảo quản lượng quả ít dùng thùng cát tông hay thùng phuy 200lít, cho một lớp cát khô, nhỏ dày 10-15cm, xếp 1 lớp quả bưởi lên trên, cứ một lớp cát dày 5-7cm lại xếp một lớp bưởi cho đến khi đầy thùng, lớp cát trên cùng dày 20cm. Nếu bảo quản lượng quả bưởi nhiều nên kê gạch ở một góc nhà hay gian nhà nơi khô ráo, sau đó cho 1 lớp cát lại xếp 1 lớp quả bưởi, các bước làm như giới thiệu ở phần trên. Cách này quả bưởi có thể giữ tươi lâu được 1,5-2 tháng sau thu hoạch.

Tùng Anh (th)/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/an/cach-chon-va-bao-quan-3-loai-buoi-ngon-sach-khong-phai-ai-cung-biet-20160229154122721.htm