Cách mạng 4.0: Phóng viên người sẽ làm việc cùng phóng viên robot

Robot Xiao Nan do giáo sư Wan Xiaojun (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) chế tạo, có thể viết bản tin hoàn chỉnh 300 từ chỉ trong vài giây.

Robot khiến các tòa soạn phải sắp xếp lại công việc

“Robot viết tin” hay “phóng viên robot” không phải là thuật ngữ được nhắc đến đầu tiên khi Công nghiệp 4.0 đã tạo ra sự quan tâm trên khắp thế giới trong hai năm 2016-2017 này mà nó đã được đề cập rải rác từ vài năm trước.

Năm 2014, tờ báo nổi tiếng của Mỹ là Los Angeles Times lần đầu tiên xuất bản một bản tin về động đất do “phóng viên robot” viết. Bạn đừng nghĩ rằng nói đến robot là cứ phải có hình thù như con người, có đôi tay, ngón tay gõ lên bàn phím máy tính. “Phóng viên robot” của Los Angeles Times thực ra là một hệ thống tự động trong máy tính nhúng các phần mềm tính toán, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.v.v… có tên gọi Quakebot để có thể viết tin theo những công thức đã định trước. Vì thế, bản tin của “phóng viên robot” được ghi nhận ở mức độ đơn giản chỉ mang tính thông tấn; hoặc chỉ tổng hợp nhanh những bản tin thuần về số liệu.

Nhưng đến năm 2015, thế giới nội dung số rúng động khi tập đoàn Internet hàng đầu của Trung Quốc là Tencent đã cho xuất bản bài báo đầu tiên bằng tiếng Hoa do robot có tên Dreamwriter thực hiện. “Chú” robot này do chính Tencent thiết kế và phát triển, viết bài báo dung lượng 916 từ chỉ mất… 1 phút, nhanh gấp trăm lần so với tốc độ viết của “phóng viên người”.

“Nền báo chí robot” đang dần được áp dụng tại một số tòa soạn báo lớn, các tập đoàn Internet và công nghệ nội dung số. AP (Associated Press) là một trong những hãng tin tức ứng dụng “phóng viên robot” từ khá sớm. Một số liệu được công bố cho biết, bắt đầu từ tháng 7.2014, đến nay AP đã cho ra lò trên 5.000 tin bài thuộc “nền báo chí robot”. Trong khi đó, hãng thông tấn Anh (PA) cho biết sẽ ứng dụng “phóng viên robot” để viết các bản tin về thị trường, kết quả bầu cử, kết quả các trận bóng đá hay chỉ số thị trường chứng khoán. Theo lãnh đạo của PA, “phóng viên robot” sẽ không thể thay thế được các “phóng viên tuyệt vời”, thế nhưng trong nhiều trường hợp viết tin, bài theo công thức thì những thuật toán máy tính trong robot thực hiện chính xác hơn trí tuệ của con người bình thường.

Một khi ứng dụng “phóng viên robot”, hoạt động tại các tòa soạn sẽ được phân công lại. “Phóng viên robot” sẽ viết các bản tin, bài thuần túy số liệu, thông tấn, cập nhật các kết quả, làm thông tin nền cho các tin bài… mà “phóng viên người” khó mà làm nhanh và chính xác bằng; trong khi thế mạnh của “phóng viên người” là đưa ra các phân tích - nhận định, bình luận. Nói như ông Lê Văn Chính - Chủ tịch Cty Sơn Ca Media - khi ứng dụng công nghiệp 4.0 để tự động hóa việc sáng tác ca khúc: “Tất cả tự động hóa hoàn toàn. Dĩ nhiên chúng ta không ra được một ca khúc xuất thần giản dị như Trịnh Công Sơn “ôi áo xưa lồng lộng, đã xô dạt trời chiều”, hay “hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô”.

Như vậy dù muốn hay không thì các tòa soạn ứng dụng robot vào công việc sẽ phải sắp xếp, phân công lại lao động cho phù hợp hơn với thời đại tự động hóa 4.0.

Ảnh minh họa - nguồn: Getty

Người máy sẽ đọc suy nghĩ của người thật

Đây là một kỳ vọng trong tương lai bộ não của robot sẽ giao tiếp về tư duy với bộ não của người thật một cách trực tiếp. Và khi đó, các “phóng viên robot” không chỉ dừng lại ở việc viết các tin bài thuần túy số liệu, thông tấn, mà có thể viết các bài phân tích sâu, bình luận thay cho “phóng viên người”, nghĩa là đóng vai trò “gia công”, “thư ký” ghi chép lại một cách tuyệt vời nhất, nhanh nhất có thể.

Một tương lai “có thể gõ phím máy tính trực tiếp từ trong não” đang được triển khai nghiên cứu và người ta tin rằng, với việc cấy các điện cực hay những con chip tinh tế vào não bộ, nó sẽ ghi nhận được sóng não phát ra từ vỏ não truyền về hệ thống thiết bị nhúng phần mềm trí tuệ nhân tạo để phân tích và thực hiện với tốc độ cả trăm từ/phút mà không cần đọc ra hay viết ra trên giấy hay màn hình máy tính, smartphone... Thí nghiệm này đã diễn ra trong phạm vi hẹp tại Đại học Stanford: Ba người bị liệt vì chấn thương tủy sống nhìn vào con chuột trên bàn phím ảo, điện cực cấy trong não ghi nhận tín hiệu truyền về máy tính, và những dòng chữ hiện ra với tốc độ 8 từ/phút.

Nhưng một số đại gia công nghệ hàng đầu giàu sụ của nước Mỹ đang có tham vọng và đặt ra mục tiêu lớn hơn: Robot giao tiếp trực tiếp với tư duy con người. Điển hình là Elon Musk - nhà sáng lập đồng thời là giám đốc công nghệ (CTO) của hãng xe tự hành Tesla và hãng SpaceX. Theo cô Lê Diệp Kiều Trang - Giám đốc chi nhánh hãng Fosil tại Việt Nam đang sử dụng hơn 200 kỹ sư Việt cho bộ phận R&D - doanh nhân công nghệ nổi tiếng Elon Musk đang đầu tư cho những dự án nghiên cứu người máy giao tiếp được với ý nghĩ của con người. Nghĩa là trong tương lai, “phóng viên robot” đọc được suy nghĩ của “phóng viên người” thì cũng sẽ viết ra được những lời bình luận sâu sắc hay những câu đầy xúc cảm cá nhân. “Bạn thân” của Elon Musk là Mark Zuckerberg - Tổng giám đốc (CEO) của Facebook - cho rằng, trong tương lai công nghệ tương tác não người - máy tính sẽ được ứng dụng rộng rãi trong ngành di động.

Lúc này, câu chuyện khoa học 4.0 chúng ta đang nói đến lại tương tự như cốt truyện của một số bộ phim khoa học viễn tưởng của Hollywood dàn dựng và sản xuất từ nhiều năm trước (thế mới thấy bộ não của những kịch tác gia Hollywood dự báo và nhìn xa giỏi như thế nào). Người máy thông minh, người máy đọc được suy nghĩ của người thật, người máy có những trạng thái cảm xúc nhất định như con người… Và đến một lúc nào đó, với lượng dữ liệu lớn (big data) và tốc độ xử lý mạnh mẽ của thuật toán máy tính được kết nối với một đường truyền cực lớn, bộ não của người máy có thể “khái quát” với những phép tính quy nạp đưa đến những hành vi ứng xử, những cảm xúc… ngoài sự mặc định của
con người.

cánh tay robot sử dụng trong nhà máy sản xuất giày tự động của Adidas.

“Cuộc chiến” giành giật việc làm giữa robot và con người đã bắt đầu

Ở quy mô một “nền sản xuất công nghiệp 4.0”, thì chưa. Nhưng rải rác trong một số doanh nghiệp, xu thế công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng vào sản xuất. Mới đây, tôi có dịp tham quan nhà máy Samsung Thái Nguyên đang ngày đêm hối hả sản xuất siêu phẩm smartphone Galaxy S8/S8+ đáp ứng thị trường toàn cầu, được tận mắt chứng kiến khu vực sử dụng tay máy (robot) thay thế cho công nhân. Với khoảng 4.200 tay máy, khi được hỏi sẽ thay thế cho bao nhiêu lao động, một đại diện của Cty này cho biết: Chưa nhiều, mới khoảng 10%.

Tôi không nghĩ 10% là “chưa nhiều” dù chỉ ở khu vực sản xuất đó thôi. Nếu bạn đang là công nhân trong nhà máy Samsung Thái Nguyên, đang có thu nhập khá và ổn định, thì bạn có lo lắng không: 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm, 5 năm nữa…, khi nhà đầu tư trang bị robot nhiều hơn, cho cả những khu vực sản xuất khác nữa, thì lượng nhân công sẽ được tiết giảm không chỉ là 10% mà sẽ tăng lên nhiều hơn.

Ông Lê Văn Chính - Chủ tịch Cty CP truyền thông Sơn Ca (Sơn Ca Media) - cho rằng: “Công nghiệp 4.0 là tương lai, là tương lai gần đối với chúng ta”. Với hơn 10 năm làm R&D trong ngành sản xuất thiết bị, nội dung karaoke, bây giờ Sơn Ca Media hoàn toàn có thể xuất xưởng ca khúc hot với sự hỗ trợ đắc lực của công nghiệp 4.0: Sau khi ký các hợp đồng thu thập dữ liệu tự động từ các phòng hát karaoke và giải trí gia đình, đồng thời phân tích dữ liệu lớn (big data) của 10.000 ca khúc tiêu biểu của Việt Nam, Sơn Ca sẽ liên kết tự động chu trình bằng phần mềm để xác định quy luật bài hot, hit qua từng thời kỳ mà không cần qua cuộc thi hay bảng xếp hạng. Dữ liệu được trả về từ các đầu máy karaoke kết nối mạng => phân tích giai điệu và tiết tấu => phân tích ca từ => sáng tác ca khúc đón đầu sẽ hot => xuất xưởng ca khúc: tất cả tự động hóa hoàn toàn.

Samsung sẽ còn phải đi vào xu thế công nghiệp 4.0 mạnh mẽ hơn nữa bởi ngay đối với chính họ cũng như nhiều hãng sản xuất lớn khác, một câu hỏi sẽ phải đối mặt là “công nghiệp 4.0 hay là chết?” cần được giải quyết càng triệt để càng mang lại hiệu quả và lợi ích cho doanh nghiệp.

Trong quý IV/2016, có hai “cuộc tấn công” điển hình của sản xuất công nghiệp 4.0 đã diễn ra: “Cuộc” thứ nhất là hãng gia công iPhone lớn nhất - Foxconn (có nhà máy sử dụng nhiều lao động ở tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam) sau khi trang bị các cánh tay robot đã thay thế được 60.000 lao động tại nhà máy ở Côn Sơn thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). “Cuộc” thứ hai, hãng Adidas đánh dấu lần đầu tiên sản xuất được những đôi giày M.F.G trong một nhà máy nhỏ thử nghiệm hoàn toàn tự động bằng robot. Quy trình từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc ra thành phẩm chỉ mất 5 giờ, nhanh hơn nhiều lần so với quy trình của các nhà máy hiện tại, vì thế nhà máy này được đặt tên là SpeedFactory.

Khi Adidas đi vào sản xuất công nghiệp 4.0, thì đối thủ lớn nhất của họ và cũng là hãng giày thể thao lớn nhất thế giới hiện nay Nike, cũng không thể đứng nhìn. Nên nhớ rằng vào năm 2013, khi xu thế công nghiệp 4.0 mới nhen nhóm, các nhà máy gia công cho Nike chỉ tự động hóa một phần sản xuất mà đã có thể cắt giảm tới 100.000 lao động trên thế giới.

Da giày là một trong những ngành được dự báo sẽ diễn ra “cuộc chiến” giành giật việc làm giữa robot và công nhân với một qui mô lớn và hệ lụy được cho rằng cũng lớn tương ứng. Trọng tâm của việc sử dụng robot là để thay thế lượng nhân công làm những công việc với thao tác lặp đi lặp lại, chính vì thế đối tượng công nhân đứng chuyền sẽ là đối tượng bị robot lấy đi công việc đầu tiên. Số liệu từ Hiệp hội ngành Công nghiệp giày dép Bồ Đào Nha (APICCAPS), hiện Châu Á sản xuất đến 87% lượng giày dép trên thế giới, tập trung nhiều nhất tại Trung Quốc, tiếp đến là Ấn Độ, Brazil và Việt Nam. Việt Nam hiện gia công sản xuất khoảng 42% lượng giày của Nike và 39% lượng giày Adidas. Một trong những tên tuổi lớn gia công trong ngành da giày tại Việt Nam là Cty Pouyuen, sử dụng cả trăm ngàn
công nhân.

Thế nhưng theo ông Lê Văn Chính, trong xu thế công nghiệp 4.0 không chỉ có lao động phổ thông mất việc đã đành, mà ngay cả lao động có chuyên môn cũng bị lôi vào “cuộc chiến” với robot. Đó là các chuyên gia phân tích số liệu, thống kê tính toán theo công thức, gồm cả một phần công việc kế toán cũng có thể bị thay thế. Đó là những chuyên viên thiết kế mẫu công nghiệp theo xu hướng, cũng có thể bị máy làm thay. Bà Lê Diệp Kiều Trang - Giám đốc điều hành Cty Fosil Việt Nam - cho rằng, khi xe tự hành phổ biến thì ngay cả Uber rồi cũng chẳng còn cần tài xế. Thậm chí, trong nhiều tình huống giao thông phức tạp hay nguy cấp, “tài xế máy” còn tính toán và phản ứng nhanh hơn “tài xế người” gấp nhiều lần.

Có phải robot “được lòng” giới chủ hơn?

Theo nghiên cứu của Cty Ark Investment Management, chi phí trang bị mỗi một robot khoảng 250.000 USD. Tùy theo giá nhân công ở mỗi quốc gia và tỉ lệ/nhịp độ tăng tiền công mà chủ đầu tư sẽ hoàn vốn mua sắm robot trong 2 năm, 5 năm, 7 năm hoặc lâu hơn. Tại những quốc gia phát triển ở Bắc Mỹ, Châu Âu thời gian hoàn vốn nhanh hơn ở các nước Châu Á. Chính vì thế tùy theo tính toán mà doanh nghiệp sẽ có những bước đi phù hợp để đầu tư. Cty tư vấn Boston Consulting Group đưa ra số liệu rằng, robot được kỳ vọng có thể giảm hơn 18% chi phí lao động vào năm 2025.

Nhưng cái lợi của công nghiệp 4.0 mang lại không chỉ là chi phí nhân công dù rằng nó là một trong những yếu tố quan trọng. Về bao quát, công nghiệp 4.0 giúp cho nền sản xuất thông minh hơn với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu lớn… cùng kết nối Internet of Things (IoT) tốc độ cao tạo ra nhà máy thông minh với hệ thống sản xuất thực - ảo (Cyber-Physical Systems) sản xuất theo thời gian thực sát với nhu cầu tránh được tồn kho. Thậm chí, với công nghệ in 3D phát triển, máy móc có thể “đo ni đóng giày” cho từng khách hàng rồi truyền về công xưởng theo thời gian thực để sản xuất. Đây cũng là hướng phát triển sản xuất mà Adidas đã
định ra.

Khi giới chủ quyết định đầu tư vào robot cho nhà máy chắc chắn họ đã tính toán được sự được việc là yếu tố tiên quyết, từ đó mới mang đến cái lợi về kinh tế. Còn có một số so sánh được các chuyên gia đưa ra là: Đầu tư robot và tốn mỗi năm 10.000USD bảo trì trọn gói, nhưng từ phía người sử dụng “lao động” sẽ tiết giảm được nhiều chi phí khác, triệt tiêu được các đòi hỏi tăng lương hay đình công v.v…

Vấn đề ở đây là, những người công nhân hôm nay đang thu nhập tốt và có cuộc sống yên ổn, nhưng họ phải cần được chuẩn bị cho một “cuộc chiến” giành giật việc làm với robot như thế nào trong tương lai trong xu thế tất yếu của công nghiệp 4.0.

Thẩm Hồng Thụy

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-nghe/cach-mang-40-phong-vien-nguoi-se-lam-viec-cung-phong-vien-robot-676222.bld