Cách mạng CN 4.0 và vai trò giáo viên trong thực hiện chương trình GDPT mới

Cách mạng 4.0 - xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối internet - đang thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người, trong đó có người thầy. Vai trò giáo viên trong thế kỉ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà tri thức hầu như vô tận.

Vai trò của người thầy sẽ là gì để giúp cho chính họ và sinh viên, học sinh điều chỉnh những thay đổi xã hội? GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã có những trao đổi cụ thể về nội dung này.

Sự thay đổi là sống còn và phải chấp nhận

- Theo GS, người thầy sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào của cách mạng công nghiệp 4.0? Năng lực giảng viên, giáo viên sẽ cần bổ sung yếu tố gì trước cuộc cách mạng 4.0 thưa GS?

Thái độ đúng phải là chủ động, hào hứng đón nhận như một cơ hội đồng thời cũng là thách thức phải vượt qua. Người thầy xác định vấn đề cần quan tâm đặc biệt là đối tượng người học ngày nay rất khác trước, với động cơ tình cảm và sự quan tâm rộng hơn về cả không gian và thời gian. Nếu trước đây học để tham gia một vài lĩnh vực thì ngày nay, người học quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực nếu không nói là tất cả -chính sự khôn ngoan này giúp họ tồn tại trong xã hội thay đổi. Do vậy, phải có cách tiếp cận khác, không giống cách cũ. Có thể gây sốc” nhưng không có cách nào khác được.

 GS.TS Phạm Hồng Quang

GS.TS Phạm Hồng Quang

Theo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế, vai trò giáo viên trong thế kỉ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà tri thức hầu như vô tận. Dạy học phân hóa là quan điểm phải được quan tâm đặc biệt. Người thầy phải quan tâm đến từng người, nhu cầu họ rất khác nhau trong lớp học không đồng nhất, nhiệm vụ chính của giáo viên là tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để họ có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo.

Các trường đại học, trong đó các trường sư phạm đang đối diện nhiều cơ hội và thách thức to lớn. Sự biến đổi lớn về vai trò người dạy - truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, họ phải chuyển sang chức năng hướng dẫn người học.

Trong xã hội thông tin, giảng viên phải giúp sinh viên điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học.

Kĩ năng quan trọng nhất là kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và xóa mù thông tin. Cách dạy cũ không thể tạo ra những công dân thích hợp cho thế kỉ XXI –những công dân toàn cầu. Vậy vai trò của người thầy sẽ là gì để giúp cho chính họ và sinh viên điều chỉnh những thay đổi xã hội?

Chúng ta đào tạo giáo viên là chuyên gia truyền đạt kiến thức hay chuyên gia giáo dục? Người ta đã bắt đầu quan tâm đến câu hỏi của người học: đến trường để làm gì nếu không có gì mới hơn sách điện tử, công nghệ dạy học được trang bị đầy đủ với không gian rộng hơn rất nhiều lớp học và vô số ‘ông thầy” ngoài người thầy (là duy nhất) trong lớp học kiểu cũ; đối tượng giao tiếp sẽ lớn hơn rất nhiều so với số lượng bạn bè trong lớp học…

Quan niệm “đến trường” là “đi học”, không đến trường là "không đi học" hình như đã tỏ ra lạc hậu trong kỉ nguyên mới. Đương nhiên, chức năng định hướng và dẫn dắt của nhà trường không thay đổi nhưng không thể thực hiện theo mô hình dạy học cũ. Cần xác định lại vai trò người thầy trong học tập kết nối mạng.

Năng lực và vị trí người thầy ở đâu nếu không phải là người hướng dẫn, xúc tác giúp sinh viên biết tự định hướng trong học tập? Mỗi nhà giáo ở thế kỉ XXI cần hiểu rằng: sự thay đổi là sống còn và phải chấp nhận, chuẩn bị cho mình phát triển. Không có cách nào tối ưu hơn việc chúng ta phải hiểu sâu sắc công việc của chính mình để quyết định thành công của bản thân và xã hội trong tương lai.

Làm thế nào để vượt qua thách thức?

"Có ý kiến cho rằng giáo viên giảng dạy tích hợp khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục mới, tuy nhiên cần nhìn vấn đề ở góc độ khác.

Năng lực giáo viên đã được đào tạo theo mô hình học vấn nền tảng rộng, do vậy khả năng thích ứng sẽ giúp giáo viên bắt nhịp với yêu cầu đổi mới.

Trên thực tế, người giáo viên giỏi là người đã sử dụng kiến thức tích hợp liên môn, họ có học vấn rộng và sâu, phương pháp tiếp cận liên ngành và nhờ đó có sức hấp dẫn cao đối với người học". GS Phạm Hồng Quang

- Vậy theo GS, làm thế nào để người giảng viên đại học sư phạm có thể vượt qua thách thức này?

Để vượt qua thách thức, người giảng viên phải trở lại 3 chức năng rất quan trọng của mình: chức năng sáng tạo, chức năng phản biện và chức năng giáo dục.

Sự hòa quyện giữa trình độ trí tuệ của nhà khoa học với nhà giáo ở đại học là nền tảng để người giảng viên trụ vững trong tương lai. Về mặt định tính, tiêu chí người giảng viên phải có sức cảm hóa thông quan hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học khi tiếp cận sinh viên, phải truyền được cảm hứng đến với họ; thúc đẩy và lan tỏa rộng cả về nhân cách, thái độ và những kĩ năng cơ bản.

Đối với giảng viên sư phạm, năng lực và phẩm chất của họ còn phải dựa trên nền tảng nhà giáo, đó là sự kết nối giữa năng lực nhà khoa học và nhà sư phạm (ở đại học-tầm chuyên gia, ở phổ thông-người giáo viên giỏi). Đã là nhà giáo, điều quan trọng đầu tiên là phải luôn có ý tưởng mới, đi trước thời đại và chỉ dẫn –khai sáng và thúc đẩy, tìm tòi và tạo điều kiện, chức năng nhà giáo “sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” lại càng thể hiện rõ nhất trong thời điểm hiện nay.

Với điện toán đám mây (cloud computingy), công nghệ số kết nối toàn cầu và giao tiếp trong không gian rộng và thời gian đa chiều, bởi trong thế giới “ảo” lại hóa thật và sâu, tưởng rộng và xa nhưng rất gần và hữu ích với việc học và cả trong cuộc sống. Ví dụ, những thập kỉ trước, nhà giáo chuyển “chữ” sang đồ dùng trực quan cần thời gian, vật liệu, nhưng với các phần mềm và Internet, sự hỗ trợ hình ảnh, âm thanh, biểu tượng dù phức tạp đến mấy cũng trở nên dễ dàng và tiết kiệm, vấn đề còn lại là ý tưởng của người giáo viên và người học.

Ngày nay, chức năng giáo viên đã thay đổi, tập trung vào 8 điểm (theo UNESCO): Đảm nhận nhiều chức năng, có trách nhiệm nặng hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học và giáo dục; Tổ chức việc học của học sinh, sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội; cá biệt hóa học tập, thay đổi tính chất trong quan hệ thầy trò; sử dụng rộng rãi hơn những phương tiện dạy học hiện đại; hợp tác rộng rãi và chặt chẽ hơn với các GV cùng trường, thay đổi quan hệ giữa các GV với nhau;

Thắt chặt hơn mối quan hệ với cha mẹ HS và cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; yêu cầu GV tham gia hoạt động rộng rãi trong và ngoài nhà trường; giảm bớt và thay đổi kiểu uy tín truyền thống trong quan hệ với HS nhất là đối với HS lớn và với cha mẹ HS.

Đồng thời, giáo viên phải thể hiện rõ phẩm chất ở 5 lĩnh vực trách nhiệm: với học sinh; với xã hội; với nghề nghiệp; với việc hoàn thành tốt công việc; với các giá trị cơ bản của con người .

Giáo dục khai phóng

- Giáo dục Khai phóng được coi là mô hình đặc sắc của giáo dục đại học Hoa Kỳ và được áp dụng rộng rãi ở Châu Âu và nhiều nước Châu Á. GS có thể chia sẻ cụ thể hơn quan điểm của mình về giáo dục khai phóng? Giáo dục khai phóng có ý nghĩa như thế nào đối với thực tế hiện nay của chúng ta, đặc biệt khi chúng ta chuẩn bị triển khai chương trình, GSK mới?

Trong “Thư gửi cho học sinh”, ngày 5/9/1945, Bác Hồ viết: “…một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Đây có thể coi là tư tưởng của một nền giáo dục khai phóng. Trước hết, chúng ta cần suy nghĩ từ khái niệm gốc “giáo dục” là gì?

"Mặc dù hiện nay CTGDPT tổng thể đang còn là dự thảo nhưng các trường sư phạm đã bám sát tư tưởng, những định hướng cơ bản ban đầu của chương trình, những điểm mới trong tư tưởng đổi mới đã và đang triển khai trong thực tiễn. Các trường đã chủ động vào cuộc, thay đổi phương thức đào tạo giáo viên". GS Phạm Hồng Quang

Trong tiếng Anh, từ “giáo dục-education”, là một từ gốc Latin được ghép bởi hai từ là “Ex” và “Ducere”-“Ex-Ducere”. Có nghĩa là dẫn “Ducere” con người vượt ra khỏi “Ex” hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn.

Trong khi các giáo trình về giáo dục học ở Việt Nam đều trình bày “Giáo dục là hiện tượng xã hội đặc biệt, bản chất của nó là sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử - xã hội của các thế hệ loài người”.

Điều này nhấn mạnh về sự truyền đạt và lĩnh hội giữa các thế hệ, nhấn mạnh đến yếu tố dạy học, nhưng chưa đề cập đến mục đích sâu xa hơn, mục đích cuối cùng của việc đó.

John Dewey (1859 - 1952) cho rằng: “giáo dục” là sự hoàn thiện của mỗi cá nhân, đây cũng là mục tiêu sâu xa của giáo dục; người giáo dục, hay có thể gọi là thế hệ trước, có nghĩa vụ phải dẫn dắt, chỉ hướng, phải truyền tải lại cho thế hệ sau tất cả những gì có thể để làm cho thế hệ sau trở nên phát triển hơn, hoàn thiện hơn.

Quan niệm của Dr. Mortimer J.Adler (Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại - NXB Văn hóa thông tin), về giáo dục khai phóng như sau: “Các môn học khai phóng, theo truyền thống, đều nhằm phát triển những năng lực trí tuệ của con người, những năng lực trí tuệ và trí tưởng tượng mà không có chúng thì ta không thể hoàn tất được một công việc trí tuệ nào...

Giáo dục khai phóng không bị trói buộc vào những môn học nào đó, kiểu như triết học, lịch sử, văn chương, âm nhạc, nghệ thuật, và những môn được gọi là “khoa học nhân văn” khác. Tuy nhiên mục đích của nền giáo dục khai phóng lại không phải là sản sinh ra những nhà khoa học. Nó cố tìm cách để phát triển những con người tự do biết cách sử dụng trí tuệ của mình và có thể độc lập suy nghĩ.

Mục đích hàng đầu của nó không phải là phát triển khả năng chuyên môn, dù một nền giáo dục khai phóng là không thể thiếu được đối với bất kỳ một nghề chuyên môn về đầu óc nào...Nền giáo dục khai phóng, bao gồm tất cả các môn học truyền thống cũng như những ngành khoa học mới hơn, là rất quan yếu cho việc phát triển những nhà khoa học hàng đầu...

Vấn đề giáo dục là làm thế nào để sản sinh ra những con người tự do, chứ không phải những nhà kỹ thuật được đào tạo mà không có tri thức. Chỉ có nền học vấn khai phóng tốt nhất mới có thể hoàn tất được điều này. Nó phải bao gồm tất cả môn học nhân văn cũng như toán học và khoa học. Nó phải loại trừ việc chỉ đơn thuần đào tạo kỹ thuật và ngành nghề”.

Với đặc trưng của giáo dục khai phóng và trước thách thức của cách mạng công nghệ 4.0, vấn đề giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đang đứng trước cơ hội và thách thức.

Có ý kiến cho rằng giáo viên giảng dạy tích hợp khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục mới, tuy nhiên cần nhìn vấn đề ở góc độ khác.

Năng lực giáo viên đã được đào tạo theo mô hình học vấn nền tảng rộng, do vậy khả năng thích ứng sẽ giúp giáo viên bắt nhịp với yêu cầu đổi mới.

Ví dụ, nội dung các môn khoa học: Lý, Hóa, Sinh... được tích hợp thành môn khoa học tự nhiên, tuy nhiên vấn đề không phải là "gộp" 3 nội dung mà vấn đề năng lực tích hợp liên ngành đã được các trường sư phạm xây dựng trong chương trình đào tạo của các trường.

Trên thực tế, người giáo viên giỏi là người đã sử dụng kiến thức tích hợp liên môn, họ có học vấn rộng và sâu, phương pháp tiếp cận liên ngành và nhờ đó có sức hấp dẫn cao đối với người học. Các trường sư phạm có sứ mệnh quan trọng đó là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

Mặc dù hiện nay CTGDPT tổng thể đang còn là dự thảo nhưng các trường sư phạm đã bám sát tư tưởng, những định hướng cơ bản ban đầu của chương trình, những điểm mới trong tư tưởng đổi mới đã và đang triển khai trong thực tiễn. Các trường đã chủ động vào cuộc, thay đổi phương thức đào tạo giáo viên.

Về chương trình môn học và cách học, tôi đã rất ấn tượng với nhận xét của một học sinh trường Chu Văn An khi nói về giáo trình National ational Geogpraphic - series Inside book dành cho học sinh lớp 3 (vnexpress.net đưa tin) là rất thú vị và kích thích sự chủ động tham gia của người học. Giáo trình chia thành các chủ đề như: Thám hiểm, bí ẩn lịch sử, nhân quyền, văn hóa thế giới, du hành vũ trụ...

Mỗi chủ đề đi kèm 3 bài đọc hiểu về văn hóa, xã hội và một bài dạng tự truyện nhật ký. Ở chủ đề vũ trụ, các bài đọc được đưa ra là: truyền thuyết chùm sao gấu của thổ dân Bắc Mỹ; bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Kenedy khi tàu Apolo lên mặt trăng và nhật ký của tác giả kể về đêm ngồi ngắm sao. "Cách học như thế vừa cung cấp trường từ vựng ở nhiều lĩnh vực, vừa mang đến nhiều hiểu biết tự nhiên, xã hội.

Một bài đọc có rất nhiều tiết cho cô trò bàn luận. Học sinh sau đó được yêu cầu viết sáng tạo, kể chuyện theo trí tưởng tượng. Giáo viên không chữa ý tưởng mà chỉ chữa lỗi từ ngữ", nữ sinh nói và cho rằng phương pháp này mới đào tạo ra đội ngũ công dân toàn cầu.

- Xin cảm ơn GS!

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cach-mang-cn-40-va-vai-tro-giao-vien-trong-thuc-hien-chuong-trinh-gdpt-moi-3194340-v.html