Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội hay sự tụt hậu

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.

Trước xu hướng của nền kinh tế thế giới về làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng không thế đứng ngoài làm lơ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này.

Con người có thể sống cùng, thậm chí cưới robot (Ảnh minh hoạ)

Vậy, cách mạng 4.0 là gì?

Trong lịch sử con người đã trải qua 3 cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lớn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Động cơ hơi nước được đưa vào ôtô, tàu hỏa, tàu thủy, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ 1870) đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng là từ cuộc cách mạng này.

Còn đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp cao độ giữa hệ thống siêu kết nối vật lý và kỹ thuật số với tâm điểm là internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, ảnh hưởng với tất cả nền kinh tế trên thế giới này, có thể sẽ mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu như: Giảm chi phí giao dịch, quản lý, tăng khả năng tiếp cận thị trường, cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ hiện đại và quan trọng hơn là cơ hội để đổi mới, đột phá,...

Tuy nhiên, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Trong tương lai, người dân có thể mất việc làm, bởi những lĩnh vực mà công nghệ robot có thể tác động tới trải dài từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục...

Điều đó càng cho thấy rằng, đây không phải câu chuyện lâu dài mà là câu chuyện của hiện tại. Một cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tác động lên nhiều lĩnh vực, quan trọng là mỗi nước, mỗi cá nhân có nhận thức được điều đó hay không. Thế giới thực mà ta biết, từ con người, xe cộ, nhà cửa, tài sản, công ty, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này sẽ chuyển đổi sang thế giới số. Sẽ có "bản sao của thế giới thực" trên nền thế giới số.

Và, sự bất bình đẳng rất có khả năng sẽ xảy ra ngay, giữa những người có kiến thức và kỹ năng cao, có khả năng và cơ hội để tạo ra và đón nhận những ý tưởng và sự đột phá, với những người không có những điều này. Điều đó có thể tạo ra một so sánh khập khiễng, một lối mòn tư duy cũ kỹ và không chịu suy nghĩ, chỉ thích ăn bám vào trí khôn của kẻ khác. Vậy, có bao giờ, trong tương lai, loài người sẽ phải đối diện nếu không phải chiến tranh hạt nhân thì cũng vì công nghệ robot phát triển, như những cảnh huỷ diệt kinh điển trên màn ảnh nhỏ?

Mai An

Nguồn ANTT: http://antt.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-co-hoi-hay-su-tut-hau-206761.htm