Cách phân biệt Hồng Hạc Trì và hồng Gia Thanh

Hồng không hạt Hạc Trì và Gia Thanh là 2 cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ với vị thơm ngon giòn ngọt đặc trưng. Đến nay, 2 giống hồng này chỉ chiếm diện tích nhỏ, đặc biệt là giống hồng Hạc Trì đang đứng trước nguy cơ thoái hóa, tuyệt chủng.

Đều là cây đặc sản của tỉnh Phú Thọ, tuy nhiên, hồng Gia Thanh phù hợp nhất với thổ nhưỡng của khu vực huyện Phù Ninh, trong khi đó hồng Hạc Trì lại là giống cây đặc hữu của phường Bạch Hạc (TP Việt Trì). Hai giống hồng này đều là giống hồng ngâm, không hạt và thu hoạch vào dịp rằm tháng 8 âm lịch.

Hồng Gia Thanh khi chín có màu vàng nhạt, ăn ngọt, vị thanh mát. Ảnh: Đông Nguyễn.

Hồng Hạc Trì là giống cây cao to, sinh trưởng khoẻ, tán thấp. Quả hình trụ, trôn quả hơi tù, có 4 cạnh rõ rệt, không hạt, mẫu mã đẹp. Khi chín có màu vàng hơi đỏ thịt quả vàng đậm, ăn giòn, ngọt mát, thơm dịu với hương vị rất riêng. Chín vào trung tuần tháng 8 âm lịch, chủ yếu ăn dưới dạng hồng ngâm. Trọng lượng lớn, trung bình quả 100 - 120 gam. Tỷ lệ phần ăn được 82,73 %, tỉ lệ chất khô 19,6 %, tỉ lệ đường 13,9 %, tỉ lệ axit 0,17 %, tỉ lệ caroten 21,95 mg % chất khô. Hồng Hạc Trì có tuổi thọ cao, nhiều cây trên trăm tuổi vẫn cho thu hoạch. Bình quân mỗi cây 20 - 30 năm tuổi cho thu hoạch trên 100 kg quả, cá biệt có những cây đạt 150 - 200 kg.

Hồng Gia Thanh có nguồn gốc ở Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, được dân di thực về trồng tại các vườn hộ gia đình thuộc xã Gia Thanh, đến nay cây tổ đã gần 80 năm tuổi. Cây sinh trưởng tương đối khỏe, dạng tán cây trung bình, lá dày, hình elip rộng. Thời gian thu hoạch quả từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 10 dương lịch hàng năm. Quả hồng Gia Thanh thuôn và to hơn, khi chín quả có mầu vàng nhạt, ăn không giòn bằng hồng Hạc Trì nhưng ngọt hơn. Sau khi trồng 4 - 5 năm, năng suất bình quân đạt 25 - 30 tạ/ha.

Theo kết quả điều tra tình hình sản xuất, đánh giá đặc điểm nông sinh học và tuyển chọn cây ưu tú hồng Hạc Trì của Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (2012 - 2014), số cây hồng Hạc Trì lâu năm (trên 25 năm) chỉ có khoảng 249 cây. Cái khó của hồng Hạc Trì là không thể nhân giống bằng cách chiết rễ hay dâm cành. Vì vậy, hiện số lượng cây trồng mới hầu như rất ít. Hồng Hạc Trì đứng trước nguy cơ tuyệt chủng lớn.

Trong khi đó, hồng Gia Thanh có tương lai sáng hơn bởi người nông dân nhân giống bằng cách chiết rễ, dâm cành. Hiện trên địa bàn huyện Phù Ninh đang có khoảng 50ha với sản lượng khoảng 150 tạ/ha, mỗi năm mang về cho người dân thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha.

Ngọc Vũ

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/dia-phuong/cach-phan-biet-hong-hac-tri-va-hong-gia-thanh/2017070801414238p1c937.htm