Cách sơ cứu vết bỏng an toàn và hiệu quả

Bỏng luôn khiến bệnh nhân rất đau đớn. Bỏng nhẹ có thể tự lành mà không cần chữa trị. Tuy nhiên vết bỏng lớn hoặc nặng cần phải điều trị để chống nhiễm trùng và tránh sẹo. Trước đó, cách sơ cứu vết bỏng đóng vai trò rất quan trọng.

Sau đây là tổng hợp cách sơ cứu vết bỏng của Wiki How từ nhiều nguồn tham khảo khác nhau như trang web của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, trang tin sức khỏe WebMD, Hội chữ thập đỏ Mỹ:

Bỏng độ I và II

Vết bỏng độ I.

Vết bỏng độ I.

Bỏng độ I là loại bỏng phổ biến nhất, thường xảy ra khi tiếp xúc nhanh với các vật nóng. Chỉ có lớp ngoài cùng da bị tổn thương. Chỗ da bị bỏng thường đỏ, phồng nhẹ nhưng vẫn đau rát. Bạn có thể tự xử lý bỏng độ I ở nhà. Chỗ bỏng có thể tự lành.

Bỏng độ II.

Khi bị bỏng độ II, da của bạn có thể xuất hiện các vết lõm sâu, phồng rộp và đau rát hơn bỏng độ một. Bỏng độ hai xảy ra khi tiếp xúc nhanh với những vật cực kỳ nóng như nước sôi, hoặc tiếp xúc lâu với các vật nóng. Bỏng độ II làm tổn thương hai lớp ngoài của da.

Cách xử lý:

Cho nước mát chảy xuống vùng bị bỏng khoảng 10 - 15 phút. Việc này giúp da khỏi bị tổn thương thêm. Tránh dùng nước lạnh vì nó có thể làm tổn thương vùng da quanh vết bỏng. Hơn nữa, việc chuyển đột ngột từ cực nóng sang cực lạnh sẽ làm chậm quá trình làm lành vết thương.

Cho vết thương chảy dưới vòi nước mát.

Cùng lúc với việc cho vết bỏng dưới vòi nước mát, hãy nhanh chóng cởi bỏ quần áo đang phủ vào vết bỏng hay quần áo chật và đồ trang sức để giúp máu lưu thông đến vết thương dễ dàng hơn để chữa lành vết thương.

Tiếp đến, chườm lạnh. Không nên cho nước lạnh chảy vào vết thương nhưng bạn hãy bọc đá lạnh vào một chiếc khăn sạch để chườm lên da trong khoảng 10-15 phút. 30 phút sau chườm thêm lần nữa.

Sau khi xả nước mát hãy chườm lạnh cho vết bỏng.

Tuyệt đối không được đặt trực tiếp đá hoặc gạc lên vết bỏng, vì điều đó sẽ làm tổn thương da. Trước khi đặt gạc phải bôi thuốc mỡ. Lô hội cũng có thể làm dịu da. Lô hội cũng giúp băng gạc khỏi dính vào da.

Chú ý: Nếu vết bỏng độ II có đường kính rộng hơn 8cm, hoặc nằm ở bàn tay, bàn chân, các khớp hay cơ quan sinh dục hoặc không khỏi trong nhiều tuần, bạn nên đến bác sĩ để điều trị.

Bỏng độ III

Bỏng độ III.

Vết bỏng độ III là nghiêm trọng nhất. Bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Bỏng độ III xảy ra khi tiếp xúc lâu với vật nóng và ba lớp của da bị đốt cháy. Đôi khi các cơ, lớp mỡ và xương cũng bị tổn thương. Vết bỏng dày có màu trắng hoặc đen. Mức độ đau tùy độ tổn thương dây thần kinh ở lớp da (thụ thể đau). Các vết bỏng này có vẻ “ướt” do những tế bào và protein bị vỡ rỉ ra.

Cách xử lý:

Gọi dịch vụ cấp cứu ngay lập tức. Những vết bỏng nặng cần điều trị ngay bởi người có chuyên môn. Hãy gọi ngay cứu thương hoặc đưa bệnh nhân đến bác sĩ hoặc phòng cấp cứu.

Phủ lên vết bỏng bằng một chiếc khăn ẩm sạch và mát.

Trước khi xe cấp cứu đến hãy tách nạn nhân ra khỏi nguồn nhiệt. Không kéo hoặc di chuyển nạn nhân bằng cách chạm vào những vùng bị bỏng để tránh khiến da tổn thương thêm và làm vết thương hở ra hoặc rộng thêm. Việc đó cũng khiến nạn nhân đau đớn khủng khiếp và dẫn đến tình trạng sốc.

Che phủ một chiếc khăn ẩm, mát lên vùng da bị bỏng trong khi chờ cấp cứu. Không dùng đá lạnh hoặc ngâm vùng da bỏng vào nước lạnh. Điều này có thể làm giảm thân nhiệt đột ngột hoặc gây tổn thương hơn.

Bỏng lạnh

Bỏng lạnh

Những vết bỏng này xảy ra khi da tiếp xúc với nhiệt độ thấp như tuyết hay băng trong thời gian dài. Vùng bỏng có màu đỏ, trắng hoặc đen và có cảm giác bỏng rát khi da ấm lại bởi các lớp mô của da bị tổn thương.

Bỏng lạnh cũng cần được xử lý như bỏng thông thường.

Cách sơ cứu là làm ấm da trong nước ở nhiệt độ 37°C đến 39°C ngay sau khi tiếp xúc với vật lạnh.

Bỏng hóa chất

Bỏng hóa chất xảy ra khi da tiếp xúc với các hóa chất khiến các lớp da bị tổn thương. Vùng bị bỏng sẽ bị đỏ, đốm, phồng rộp và có thể xuất hiện vết thương hở trên da.

Bước đầu tiên luôn là xác định hóa chất gây bỏng và gọi ngay cho trung tâm chống độc bởi trước hết cần trung hòa hóa chất và tách hóa chất ra khỏi cơ thể.

Thông thường rửa vết bỏng hóa chất với thật nhiều nước mát. Tuy nhiên các vết bỏng do tiếp xúc với vôi khô hoặc các loại kim loại mạnh (như sodium, magnesium, phosphorus, lithium…) thì tuyệt đối không được cho tiếp xúc với nước vì những chất này có thể phản ứng với nước và khiến vết bỏng nghiêm trọng thêm.

Nâng vùng bị bỏng lên cao hơn tim của bệnh nhân nhưng tuyệt đối không được chạm vào vết thương.

Chú ý:

Đến ngay bệnh viện khi bị bỏng nặng. Những vết bỏng nặng không thể tự khỏi mà cần phải điều trị.

Người bị bỏng nên có chế độ ăn giàu calorie và protein để giúp bổ sung năng lượng và protein thiết yếu, rất cần thiết cho việc sửa chữa những tế bào bị hư hỏng do bỏng.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cach-so-cuu-vet-bong-an-toan-va-hieu-qua-post232387.info