'Cái' mà không phải là lớn

Chế độ mẫu hệ (tiếng Anh: matrilineality) là hệ thống mà hậu duệ được tính theo người mẹ và theo họ mẹ. Đây là hệ thống xã hội mà trong đó người ta thuộc về dòng dõi người mẹ, liên quan đến việc thừa kế tài sản và danh hiệu.

Ở Việt Nam, chế độ mẫu hệ đã được ghi nhận từ xa xưa và đến nay vẫn còn tồn tại ở những dân tộc vùng cao Tây Nguyên như các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai; dân tộc Chăm ở các tỉnh Nam Trung Bộ và một số dân tộc vùng Tây Bắc. Chế độ mẫu hệ còn in dấu trong ngôn ngữ ngày nay, như từ “Cái” (tức là mẹ) mang nghĩa “chính yếu”, “quan trọng nhất”. Chẳng thế mà dòng sông huyết mạch của miền Bắc, sông Hồng, còn được gọi là sông Cái; đường lớn là “đường cái”, cột lớn là “cột cái”, người điều khiển sòng bài được gọi là “nhà cái”…

Thế nhưng, vào đến miệt sông nước Nam Bộ, nơi dày đặc những địa danh mang chữ “Cái”, thì “cái” ở đây lại không còn liên quan đến chế độ mẫu hệ nữa. Những địa danh bắt đầu bằng chữ Cái ở đây đều nằm trên một con sông nhỏ chảy ra một con sông lớn (có lẽ vì trong tiếng cổ Phù Nam, “cái” có nghĩa là con sông nhỏ). Tây Ninh có vàm Cái Răng, rạch Cái Bác; Long An thì có Cái Nứa, Cái Đôi. Cũng tại đây có con sông Vàm Cỏ Tây nhận nước từ rạch Cái Rô rồi chảy qua Campuchia. Long An còn có huyện Tân Hưng, sở hữu các địa danh Cái Bát, Cái Môn, Cái Sách.

Là địa phương lân cận tỉnh Long An, Tiền Giang có hẳn một huyện tên là Cái Bè, nằm trên quốc lộ 5 (chạy từ TP.HCM về Cà Mau), nổi danh với những vườn cây ăn trái đặc sản như cam mật, ổi xá lị, mận hồng đào, vú sữa hột gà. Chuối Cái Bè ăn cũng rất ngon và rất đặc biệt vì mọc từ thân cây ra. Huyện Cái Bè cũng có 2 địa danh mang tên Cái Thia và Cái Nưa.

Tại Bến Tre, huyện Chợ Lách, nằm trên Cù Lao Minh có 2 địa danh mang tên Cái Mơn và Cái Nhum. Người yêu sầu riêng chắc không ai là không biết đến Cái Mơn, với vườn sầu riêng cơm vàng hạt lép của ông Chín Hóa. Cái Mơn cũng là nơi sinh ra nhà bác học Trương Vĩnh Ký, người biết trên 20 thứ tiếng và đã từng làm thông dịch viên cho phái đoàn Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp (1863).

Từ chợ Lách đi Vĩnh Long có con rạch Cái Kè, đi xuống một chút là tới Cái Muối, rồi qua tới Cái Gà. Chợ Lách còn có một địa danh nữa tên là Cái Tắc thuộc xã Hưng Khánh Trung, ngoài ra còn có cù lao tên là Cái Cát…

Nhưng không chỉ có một Cái Nhum ở chợ Lách, huyện Mân Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long còn có một địa danh nữa cũng mang tên Cái Nhum - nơi đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh (và quân Xiêm La). Có tới hàng trăm địa danh khác có yếu tố “cái” tương tự.

Ngôn ngữ quả thật là phong phú và mọi sự suy đoán vội vàng rất có thể là… bé cái nhầm.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cai-ma-khong-phai-la-lon.aspx