Cai nghiện ma túy tại cộng đồng chưa được phát huy tốt

Trong 9 tháng của năm 2023, có 65 người đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nâng tổng số đang thực hiện cai nghiện tự nguyện trên toàn tỉnh Sóc Trăng là 137 người. Đây là số lượng không nhiều bởi công tác này còn nhiều khó khăn, dẫn đến các đơn vị được đặt hàng, giao nhiệm vụ chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để đáp ứng yêu cầu hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện.

Rà soát, quản lý cai nghiện

Công an thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) nhận định, trên địa bàn thị xã hiện nay, hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, lợi dụng các cơ sở lưu trú để dùng làm địa điểm sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó vẫn còn những trường hợp chưa nhận thức được tác hại của ma túy, có thái độ bất hợp tác với lực lượng chức năng, gây khó khăn cho việc quản lý, xử lý. Do vậy, việc đấu tranh, quản lý đối tượng này đòi hỏi phải có thời gian và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan cùng gia đình, cộng đồng và xã hội.

Đồng chí Phan Ngọc Giàu - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm cho biết, hiện nay số người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn là 30 đối tượng, số người sau cai nghiện ma túy là 55 người. Cán bộ thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện được đào tạo, tập huấn, am hiểu về nghiệp vụ, đáp ứng, đảm bảo yêu cầu công việc, nhiệm vụ được giao. Địa điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện tại UBND các xã, phường được đảm bảo các điều kiện cai nghiện. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác cai nghiện của thị xã Ngã Năm là đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng còn lúng túng trong quá trình thực hiện, phải chờ hướng dẫn của Sở Y tế.

Đối tượng cai nghiện ma túy tại tỉnh Sóc Trăng chủ yếu tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, chưa phát huy được dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Đối tượng cai nghiện ma túy tại tỉnh Sóc Trăng chủ yếu tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, chưa phát huy được dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Ngộ thông tin rằng, qua rà soát, huyện có 63 người liên quan đến ma túy có hồ sơ quản lý (22 người nghiện, 21 người sử dụng không thường xuyên, 20 người quản lý sau cai nghiện). Công tác tiếp nhận hồ sơ đưa đối tượng nghiện ma túy vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc tỉnh năm 2023 là 10 hồ sơ (trong đó có 3 đối tượng là người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi), nâng tổng số đối tượng đi cai nghiện bắt buộc trên địa bàn huyện từ trước đến nay là 87 người (không có trường hợp đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng). Các ngành đã phối hợp với các xã, thị trấn quản lý người sau cai nghiện về địa phương hòa nhập cộng đồng trong năm 2023 tiếp nhận 14 người. Các hoạt động giúp đỡ sau cai nghiện ma túy được quan tâm thực hiện, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn chống tái nghiện và hỗ trợ học nghề, tạo việc làm.

Trong 9 tháng của năm 2023, hồ sơ quản lý sau cai nghiện ma túy trên toàn tỉnh khoảng 230 người, nâng tổng số đang quản lý sau cai nghiện khoảng 310 người. Toàn tỉnh có 106 đơn vị sự nghiệp công lập (10 trung tâm y tế cấp huyện và 96 trạm y tế cấp xã) được UBND cấp huyện đặt hàng giao nhiệm vụ thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Hành động để phòng, chống ma túy

Đồng chí Mã Chí Thanh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện Công văn số 3426/VPCP-KGVX, ngày 15/5/2023 của Văn phòng Chính phủ, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục về công tác cai nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tại trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy; tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao cho cán bộ, học viên trong cơ sở cai nghiện ma túy. Tăng cường các hoạt động tư vấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phổ biến, quán triệt các nội quy, quy chế của cơ sở, bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở cai nghiện ma túy.

Để phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội qua tiếng loa an ninh 1.900 cuộc, tuyên truyền cá biệt 190 hộ dân trong đồng bào dân tộc thiểu số; phát 5.357 tờ rơi; dán 1 pano, 9 khẩu hiệu, 1 áp phích. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các phương thức, thủ đoạn hoạt động, hậu quả, tác hại của tệ nạn xã hội, chú trọng tuyên truyền địa bàn vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội như: “An toàn về an ninh trật tự”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa giảm tội phạm”; “Móc khóa an ninh”; “Thắp sáng đường quê”... Đồng thời, tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chặt tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng.

 Người cai nghiện ma túy được dạy nghề. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Người cai nghiện ma túy được dạy nghề. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng khó khăn, vướng mắc về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, đội ngũ cán bộ làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đảm bảo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, ngày 21/12/2021 của Chính phủ. Tổng hợp, báo cáo về kết quả rà soát, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Trong 9 tháng của năm 2023, số người đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 65 người, nâng tổng số đang thực hiện cai nghiện tự nguyện trên toàn tỉnh là 137 người. Đây là số lượng không nhiều bởi công tác này còn nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng còn lúng túng trong công tác cắt cơn, điều trị cho người nghiện ma túy (chỉ điều trị triệu chứng, chưa có hướng dẫn phác đồ cụ thể). Hiện nay, các trạm y tế không được trang bị các nhóm thuốc dùng trong điều trị, cắt cơn thuộc nhóm quản lý đặc biệt vì không thuộc nhóm điều trị trong danh mục của bảo hiểm y tế. Công tác xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị của một số đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, do không có đối tượng đăng ký tham gia, điều trị. Việc mua thuốc điều trị phải thông qua đấu thầu nhưng năng lực, cơ số thuốc điều trị cần trang bị tại các trạm y tế hiện nay không đủ điều kiện mời thầu… Từ đó, các đơn vị được đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/cai-nghien-ma-tuy-tai-cong-dong-chua-duoc-phat-huy-tot-68366.html