Cải tạo xe khách thành phố cần bố trí chỗ để xe lăn thế nào?

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bổ sung yêu cầu kỹ thuật đối với xe khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

Xe hai tầng phải bố trí chỗ để xe lăn ở tầng một

Theo đó, dự thảo quy định xe khách thành phố cải tạo để người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải có ít nhất một chỗ để xe lăn, đối với xe hai tầng, chỗ để xe lăn phải bố trí ở tầng một.

Dự thảo Thông tư quy định xe khách thành phố cải tạo để người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải có ít nhất một chỗ để xe lăn (ảnh minh họa).

Dự thảo Thông tư quy định xe khách thành phố cải tạo để người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải có ít nhất một chỗ để xe lăn (ảnh minh họa).

Với xe lăn quay mặt về phía trước, chỗ để xe cần đáp ứng yêu cầu như: có kích thước nhỏ nhất với chiều dài theo chiều dọc xe là 1.300mm; chiều rộng theo chiều ngang xe là 750mm; chiều cao từ bất kỳ điểm nào trên mặt sàn của chỗ để xe lăn là 1.500mm.

Ngoài ra, chỗ để xe lăn phải chứa được ít nhất một xe lăn có một người ngồi quay mặt về phía trước xe; có hệ thống neo giữ xe lăn phù hợp với việc sử dụng xe lăn thông thường; có đai an toàn cho người dùng xe lăn trong đó có ít nhất một dây đai cố định xương hông (dây đai ngang thắt lưng) và hai điểm neo đai cố định trên xe.

Bên cạnh đó, đai an toàn cho người dùng xe lăn hoặc hệ thống neo giữ xe lăn phải có khả năng tháo dây đai hoặc mở bộ phận neo giữ xe lăn dễ dàng.

Hệ thống neo giữ xe lăn và đai an toàn cho người dùng xe lăn phải phù hợp với các yêu cầu: Phải được lắp chắc chắn vào các điểm neo của xe; Có kết cấu chắc chắn, không có bất kỳ chi tiết, bộ phận nào của hệ thống có thể gây thương tích cho hành khách, nhân viên phục vụ hoặc người lái.

Các điểm neo của hệ thống neo giữ xe lăn và của đai an toàn cho người dùng xe lăn phải có kết cấu phù hợp, chắc chắn, không được có vấu hoặc cạnh sắc có thể gây thương tích cho hành khách, nhân viên phục vụ hoặc người lái.

Tại chỗ để xe lăn hoặc trên lối đi dọc có thể đặt một hoặc nhiều ghế lật (lật lên hoặc lật xuống), ghế gập (xếp lại) hoặc ghế di chuyển được với điều kiện những ghế này phải dễ dàng chuyển ra khỏi chỗ để xe lăn hoặc lối đi dọc nêu trên.

Vị trí để xe lăn trên xe khách thành phố (ảnh minh họa).

Vị trí để xe lăn trên xe khách thành phố (ảnh minh họa).

Chỗ để xe lăn quay mặt về phía sau cần có tựa lưng

Đối với chỗ để xe lăn trong trường hợp xe lăn quay mặt về phía sau, dự thảo quy định cần đáp ứng yêu cầu về kích thước nhỏ nhất tương tự như xe lăn quay mặt về phía trước.

Bên cạnh đó, chỗ để xe lăn phải chứa được ít nhất một xe lăn có một người ngồi quay mặt về phía sau xe; phải có một tựa lưng được lắp ở mặt trước của chỗ để xe lăn, bố trí đối xứng qua đường tâm mặt trước của chỗ để xe lăn và có bề mặt đệm tựa lưng hướng về phía sau xe.

Tựa lưng này phải đáp ứng yêu cầu: Chiều cao cạnh đáy của tựa lưng từ 350mm đến 480mm so với mặt sàn chỗ để xe lăn. Chiều cao cạnh trên của tựa lưng không nhỏ hơn 1.300mm so với mặt sàn chỗ để xe lăn. Chiều rộng từ 270 - 300mm. Độ nghiêng tựa lưng so với phương thẳng đứng từ 4o - 8o.

Ngoài ra, bề mặt đệm tựa lưng phải là một mặt liền, không gồ ghề, tựa lưng phải được lắp đặt chắc chắn, chịu được tải trọng tác dụng lên nó khi xe hoạt động.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định: Chỗ để xe lăn quay mặt về phía sau phải có tay vịn nằm ngang được lắp tại ít nhất ở một phía dọc theo xe của chỗ để xe lăn; Chiều cao so với mặt sàn chỗ để xe lăn từ 850 - 1.000mm.

Người dùng xe lăn có thể dễ dàng cầm tay vịn chắc chắn. Tay vịn này có dạng ống tròn đường kính từ 30 - 35mm; khoảng hở giữa tay vịn với mọi bộ phận của xe ít nhất là 45mm, trừ giá lắp tay vịn; bề mặt tay vịn có khả năng chống trượt và có độ tương phản với các bộ phận khác của xe liền kề tay vịn.

Để hạn chế sự dịch chuyển về hai bên của xe lăn, dự thảo cũng quy định trên mặt bên theo chiều dọc xe của chỗ để xe lăn có thể bố trí một cọc thẳng đứng cách mặt trước của chỗ để xe lăn về phía sau xe từ 400 - 560mm nhưng đồng thời phải bảo đảm một khoảng hở đủ cho xe lăn ra vào chỗ để xe lăn dễ dàng.

Cọc thẳng đứng này phải được lắp đặt chắc chắn, chịu được tải trọng tác dụng lên khi xe hoạt động.

Tại chỗ để xe lăn hoặc trên lối đi dọc có thể đặt một hoặc nhiều ghế lật, ghế gập hoặc ghế có thể di chuyển với điều kiện là những ghế này phải dễ dàng chuyển ra khỏi chỗ hoặc lối đi dọc trên.

Hiểu Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cai-tao-xe-khach-thanh-pho-can-bo-tri-cho-de-xe-lan-the-nao-192231120120203919.htm