Cải thiện môi trường đầu tư: Cả hệ thống chính trị cùng thực hiện

Những cam kết quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của lãnh đạo thành phố đặt ra yêu cầu cấp ủy các cấp làm đầu tàu huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện. Những chuyển động ở các địa phương từ đầu năm đến nay chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tích cực trên toàn thành phố.

Chuyển động đồng bộ, tích cực

Quyết tâm thực hiện cam kết của lãnh đạo thành phố đã được triển khai bằng nhiều hành động cụ thể. Thành ủy đã sớm ban hành Chương trình 08-CTr/TU về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2016-2020". Chương trình có nhiều đổi mới, nhất là việc xác định lộ trình, bước đi cụ thể. Lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các dự án trọng điểm. Mới đây nhất, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" vừa họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo đã chỉ đạo tháo gỡ cụ thể cho từng phần việc với mục tiêu khởi công dự án trong năm nay.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trọng Toàn

Những chuyển động ở các quận, huyện, thị xã từ đầu năm đến nay cũng cho thấy xu hướng rất tích cực. Tại quận Nam Từ Liêm, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai xây dựng chính quyền công sở thân thiện và trách nhiệm. Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Hải cho biết, đang triển khai các nội dung: Xây dựng quy trình hợp lý; bảo đảm sự hài lòng của nhân dân thông qua đánh giá; công chức luôn luôn phải nở nụ cười; dân chủ, nhẹ nhàng, lịch sự; sẵn sàng xin lỗi nếu có lỗi, làm chậm... Hiện nay, Nam Từ Liêm đã thực hiện liên thông đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế. Nhờ đó, trước đây, công dân trước đây phải nộp 2 bộ hồ sơ, 2 cơ quan, nay chỉ cần nộp 1 nơi và giảm thời gian giải quyết hồ sơ từ 16 ngày xuống còn 4 ngày.

Trong khi đó, Long Biên cũng nổi lên với mô hình chính quyền điện tử. Đến nay, hầu hết thủ tục hành chính của quận đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, nghĩa là người dân, doanh nghiệp có thể ngồi nhà nhập mã hồ sơ là có thể biết hồ sơ đang được giải quyết đến đâu. Không chỉ vậy, tại Long Biên, để tháo gỡ khó khăn về đầu tư, lãnh đạo đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ từng khâu, từng việc cụ thể. Đối với những vấn đề khó như giải phóng mặt bằng, quận, phường đều huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Điển hình như những dự án đầu tư quy mô lớn trên địa bàn quận Long Biên, mới đây nhất là dự án Trung tâm thương mại Aeon là thành quả của cách làm đó.

Tổng hòa các yếu tố

Ở các huyện, nhiều cấp ủy chủ động quan tâm, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại huyện Quốc Oai, ngay từ đầu năm mới 2016, huyện đã tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp. Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Quyền cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường làm việc thông thoáng, thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Theo chỉ đạo của Huyện ủy Quốc Oai, các cơ quan, phòng, ban thuộc huyện phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nếu cơ quan, cá nhân nào gây cản trở, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì cơ quan, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước huyện.

Tại Phúc Thọ, Huyện ủy đã chỉ đạo "trải thảm đỏ" thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào địa bàn. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực rà soát tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đồng thời tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thành quả mới nhất là huyện đã thu hút thành công Công ty Ba Huân xây dựng Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân Miền Bắc trên địa bàn (dự án khởi công ngày 12-5-2016).

Những chuyển động ở các quận, huyện nói trên cho thấy xu hướng rất tích cực của Hà Nội. Rõ ràng, ở đâu, lãnh đạo cấp ủy chủ động huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thì nơi đó có những kết quả tích cực. Đây là động lực thôi thúc các địa phương cùng thi đua nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư không chỉ là nỗ lực cải cách hành chính mà là tổng hòa các yếu tố, trong đó nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là giao thông, điện, nước có ý nghĩa quyết định. Mới đây nhất, khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chỉ ra rằng, hạn chế đáng kể nhất của huyện hiện nay là về hạ tầng. Nên để thu hút đầu tư hiệu quả, huyện phải đi trước một bước để xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước…

Trong 5 năm tới, Hà Nội cần khoảng 2,6 triệu tỷ đồng cho đầu tư xã hội. Trong đó nguồn vốn ngoài ngân sách cần huy động chiếm khoảng 20%. Do đó, việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang là ưu tiên của thành phố và là nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tại hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển" ngày 4-6, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nêu rõ: Thành phố cam kết nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển và hiện thực hóa các cơ hội trong hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Hiền Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/836881/cai-thien-moi-truong-dau-tu-ca-he-thong-chinh-tri-cung-thuc-hien