Cải thiện môi trường kinh doanh: Thay đổi nhưng trì trệ

Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Nghị quyết 19/2017 (NQ19) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng thực tế sự trì trệ đang cản trở quá trình này. Nếu không quyết liệt trong triển khai, theo nhiều chuyên gia, mục tiêu nằm trong 4 nước dẫn đầu ASEAN là khó.

Nhiều quy định vô lý

Muốn đạt nhóm 4 môi trường kinh doanh tốt nhất ASEAN xét trên 10 tiêu chí về môi trường kinh doanh trong năm 2017, các bộ, ngành không thể chỉ cải cách theo kiểu truyền thống, tuần tự từng bước. Và, để cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh quốc gia kết quả hiện tại phải tăng theo cấp số nhân, cấp lũy thừa.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, hiện cả nước có hơn 60 DN sản xuất kinh doanh sữa với hơn 300 nhãn hiệu sữa. Đàn bò sữa trong nước hiện lên đến 275.300 con bò sữa trong số 5,36 triệu con bò. Đàn bò sữa tăng mạnh do một số DN tăng cường đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Năm 2016, sữa tươi lần đầu đạt sản lượng trên 1 tỷ lít, sữa bột có lượng sản xuất đạt 97.300 tấn; tổng doanh thu toàn ngành đạt trên 95.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức thuế áp dụng cho thức ăn chăn nuôi 5%, bình quân 400 đồng/kg. Tức 1 con bò ăn khoảng 20kg thức ăn/ngày phải đóng khoảng 8.000 đồng/ngày và tính 1 năm khoảng 3 triệu đồng, quá cao đối với hộ nông dân nuôi bò sữa.

Một quy định bất hợp lý khác là yêu cầu “muối trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung i-ốt” (Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 09/2016/NĐ-CP). Trong khi theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), i-ốt rất dễ bị ô xy hóa dưới tác động của nhiệt độ trong quá trình sản xuất, nên sẽ không duy trì được hàm lượng sau quá trình sản xuất. Thêm nữa việc bổ sung muối i-ốt trong quá trình sản xuất làm tăng chi phí.

Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng chỉ nên yêu cầu sử dụng muối i-ốt để ăn trực tiếp, không quy định sử dụng muối bổ sung i-ốt trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Do đó, quy định này cần được bãi bỏ.

Hiện một thủ tục đang gây nhiều phiền phức cho DN là việc các sản phẩm sữa bột được nhập khẩu từ châu Âu, Hoa Kỳ… phải qua quy trình kiểm tra chuyên ngành, bao gồm kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm (thuộc ngành y tế), kiểm dịch động vật (thuộc ngành nông nghiệp), nhưng không thừa nhận kết quả kiểm tra của nhau.

Trong khi, đó NQ19 yêu cầu tăng cường công nhận lẫn nhau theo thỏa thuận, chủ động công nhận chất lượng, nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Tăng cường đối thoại với DN

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc thực hiện các NQ19 của Chính phủ trong 3 năm qua đã có nhiều thay đổi mang lại hiệu quả lớn. Chẳng hạn việc Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyte trên sản phẩm dệt may, giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng. Hay việc bãi bỏ xác nhận khai báo hóa chất giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng khi hàng năm DN phải thực hiện khoảng 55.000 tờ khai báo hóa chất. Chính vì thế, môi trường kinh doanh Việt Nam liên tục cải thiện, năm 2016 tăng 9 bậc, từ vị trí 91 lên vị trí 82.

Tuy nhiên, trên thực tế khoảng cách của Việt Nam so với mục tiêu nằm trong nhóm 4 môi trường kinh doanh tốt nhất ASEAN như NQ19/2017 đề ra còn khá xa. Nguyên nhân do tốc độ triển khai thực hiện các giải pháp NQ19 đưa ra còn rất chậm, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là một bộ phận công chức và cơ quan quản lý nhà nước còn thụ động, trì trệ, ít chịu đổi mới, sáng tạo. Những thay đổi (nếu có) hầu hết đều do sức ép từ DN, từ Chính phủ và từ dư luận xã hội. Hiện còn rất nhiều văn bản được nêu trong NQ19 nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu, đặc biệt chưa giảm được số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu từ 30% xuống còn 15%. Đây là món nợ lớn đối với DN.

Nhiều quy định bất cập làm khó người nông dân chăn nuôi bò sữa.

Sau khi nghe các bộ, ngành, địa phương báo cáo về kết quả thực hiện NQ19 của Chính phủ và các kiến nghị của cộng đồng DN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết khi đến thị sát tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội) ông được nhiều người cho biết quy trình, thủ tục đã thuận lợi, tiến bộ hơn rất nhiều.

Và theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2016 có tới 84% DN đánh giá tích cực đối với các thủ tục trong thành lập DN, 75% hài lòng với những cải cách về thủ tục thuế. Tuy nhiên, chính cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh và cả DN đều cho rằng có thể làm tốt hơn nữa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng bền vững ở tốc độ 8-9% trong 15 năm tới nhằm đưa đất nước ra khỏi “bẫy” thu nhập trung bình, một trong những điều kiện tiên quyết là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thực hiện NQ19 của Chính phủ qua các năm phải tuân thủ 4 nguyên tắc: tiếp cận theo thế giới, ngày càng cụ thể, giải quyết ngay những vấn đề trước mắt nhưng cũng phải có tính dài hạn, và đo, đếm được, có giám sát.

Theo Phó Thủ tướng, thực tế qua 3 năm thực hiện các NQ19, nhiều DN đã có lòng tin là những ý kiến của mình sẽ được lắng nghe, tiếp thu. Vì thế, việc làm tiếp theo là phải có cơ chế để tiếng nói của cộng đồng DN không chỉ đến được với chính quyền các cấp mà còn phải được trao đi, đổi lại trong ban hành, triển khai chủ trương, chính sách.

Chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe và nghe không phải để đấy. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường đối thoại giữa các DN, hiệp hội với bộ, ngành, địa phương. Tinh thần của Chính phủ là phải rất kỷ cương. Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương phải vào cuộc.

Đăng Tuân

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20170311/thay-doi-nhung-tri-true.aspx