Cải thiện vóc dáng người Việt: Bao giờ bằng bạn, bằng bè?

Theo thống kê của Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, hiện chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam chỉ đạt 163,7 cm, thấp hơn 13 cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam là 153 cm, thấp hơn 10,7 cm so với chuẩn của WHO.

Chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vận động thể lực thường xuyên sẽ giúp cải thiện vóc dáng và nâng cao thể lực của thanh niên Việt. Ảnh: DN.

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia y tế, chuyên gia dinh dưỡng, người Việt cần được trang bị kiến thức đầy đủ về dinh dưỡng và vận động mới mong cải thiện được vóc dáng, nếu không chúng ta vẫn mãi bị bè bạn quốc tế bỏ xa.

Dinh dưỡng và vận động là then chốt

Vấn đề cải thiện chiều cao đã được Chính phủ quan tâm từ lâu, đồng thời cũng đã có nhiều động thái để tác động vào quá trình cải thiện chiều cao cho người Việt Nam. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030”, với 4 chương trình thực hiện chính. Theo đó một trong nhiều mục tiêu cụ thể mà đề án đặt ra là cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam đạt nhịp độ tăng trưởng ổn định theo các tiêu chí sau: Đối với nam 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình 167 cm; năm 2030 chiều cao trung bình 168,5 cm; đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình 156 cm; năm 2030 chiều cao trung bình 157,5 cm.

Sau 7 năm thực hiện, theo thống kê của Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, chiều cao trung bình của nam giới Việt là 163,7 cm, nữ giới là 153 cm. Nếu tính riêng tại các thành phố thì nam giới cao 167,4cm; nữ cao 154,7cm; vùng nông thôn chiều cao thấp hơn với nam 164,1 cm và nữ 153,2 cm. Với tỷ lệ nêu trên thanh niên Việt Nam cao ngang với Indonesia, Philippines nhưng thấp hơn Singapore, Nhật, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và thấp hơn Hàn Quốc tới 9,4 cm. Vẫn còn 3 năm để chúng ta cố gắng thực hiện mục tiêu mà đề án đặt ra song sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Còn thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của Việt Nam vẫn ở mức cao. Kết quả điều tra của Viện này từ năm 2015 đến 2016 tại nhiều tỉnh thành trên cả nước cho thấy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nước ta vẫn còn ở mức cao, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ thiếu cân, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì 1 trẻ bị thấp còi. Ngoài ra, bữa ăn truyền thống của người Việt dù đã thay đổi, đầy đủ hơn những năm trước nhưng không cân đối, chưa khoa học, thiếu một số vi chất cần thiết khiến vóc dáng người Việt thời gian qua chưa cải thiện đáng kể.

Phân tích về thực tế này, theo bà Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, yếu tố di truyền chỉ góp một phần tạo nên vóc dáng người Việt, trong khi yếu tố dinh dưỡng, môi trường và luyện tập thể thao rất quan trọng trong việc phát triển tầm vóc và thể lực lại chưa được người Việt quan tâm đúng mức. Cụ thể, theo bà Mai, bữa ăn của các gia đình hiện đã được cải thiện nhưng chủ yếu chỉ tăng lượng thịt, ít rau và nhiều chất béo nên đã hạn chế quá trình hấp thu canxi. Với trẻ nhỏ, trung bình lượng canxi của trẻ chỉ đáp ứng được khoảng 49% nhu cầu, điều này lý giải phần nào tình trạng 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam bị thấp còi. Với người trưởng thành, lượng canxi cơ thể hấp thụ được lại quá thấp do thói quen chưa sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa của người Việt. Trong khi sữa là thực phẩm cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng, nhất là tăng canxi giúp cơ thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Qua kết quả các cuộc tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, mức tiêu thụ sữa của người Việt mới đạt 11 lít/người/năm (bằng 1/2 Thái Lan, bằng 1/3 Singapore).

Bên cạnh dinh dưỡng chưa cân đối, chưa khoa học thì yếu tố quan trọng không kém khiến vóc dáng của người Việt chưa được cải thiện chính là chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tác dụng của việc vận động, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, với trẻ nhỏ, tại các gia đình luôn bị các bậc phụ huynh áp đặt quá nhiều áp lực học hành, không có thời gian vui chơi, tập luyện thể dục thể thao. Ở nhà trường, vai trò của giáo dục thể chất chưa thật sự tốt, còn tồn tại nhiều hạn chế khác như chương trình đơn điệu, không đa dạng các hoạt động, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, giáo viên thể dục ít, lớp đông, mật độ vận động do đó không nhiều. Nếu một tuần trẻ chỉ được học 1- 2 tiết thể dục thì không có ý nghĩa gì nhiều với sự phát triển thể chất của trẻ.

“Với thanh, thiếu niên một bộ phận không nhỏ vẫn chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc tập luyện thường xuyên mà dành quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử, mạng xã hội. Một thực tế đã diễn ra nhiều năm qua mà nhiều người nhận thấy là buổi sáng và chiều tối tại các công viên, trung tâm tập thể dục thể thao ngoài trời lượng người già, người trung tuổi tập luyện là chủ yếu; đối tượng thanh, thiếu niên nếu không phải là học hành, làm việc thì là ngủ nướng hoặc tham dự các buổi tụ tập bạn bè, lướt mạng xã hội, ít quan tâm tới tập luyện thể dục, thể thao”, ông Nguyễn Trọng An chia sẻ.

Thay đổi nhận thức

Để phát triển vóc dáng của người Việt, ông Nguyễn Trọng An khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ bởi đây là thời điểm tối quan trọng, tạo bước đệm để phát triển thể lực sau này. Nếu trẻ được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, toàn diện thì sức bật thể lực và trí lực của đối tượng này sẽ khác hẳn so với đối tượng trẻ chưa được chăm sóc toàn diện. Còn bác sỹ Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, có 3 giai đoạn rất quan trọng đối với việc tăng trưởng chiều cao của trẻ. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn thai kỳ. Trong thai kỳ người mẹ phải bổ sung thêm rất nhiều chất dinh dưỡng vì nhiều khi các bữa ăn không cung cấp đủ chất cần thiết. Giai đoạn quan trọng thứ hai là trong 2 năm đầu đời, trẻ cần được bổ sung vitamin D cùng các vi chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, canxi, được tắm nắng thường xuyên cùng với đó là chế độ dinh dưỡng hợp lý. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn tiền dậy thì, lúc đó cần phải có chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất cùng với tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Để phát triển thể lực cho trẻ, ông Nguyễn Trọng An cho rằng phụ huynh không thể chỉ dựa vào các giờ thể dục trên trường mà còn phải đưa con đến các trung tâm tập luyện thể thao. Theo ông Trọng An, không quan trọng việc tập môn gì, miễn là trẻ được vận động. “Để tập luyện có hiệu quả đòi hỏi sự thường xuyên trong một tuần phải có ít nhất 3 lần tập thể thao. Đối với học sinh tiểu học, mỗi lần tập từ 30- 45 phút là vừa phải. Khi trẻ càng lớn thời gian vận động phải càng phải tăng thêm", nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói.

Về phía các cơ sở giáo dục theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, trong phát triển thể chất của học sinh Việt Nam, phong trào Hội khỏe Phù đổng được tổ chức thời gian qua là một hoạt động giáo dục có hiệu quả, nhằm phát triển thể chất, nâng cao thể lực, góp phần hoàn thiện nhân cách, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, theo ông Lâm, phong trào này cần triển khai sâu rộng hơn nữa, động viên khuyến khích các học sinh trên cả nước nhiệt thành tham gia. Ngoài ra, các nhà trường cũng cần phát động, tổ chức thêm nhiều hoạt động thể dục, thể thao với quy mô hình thức, cách thức tổ chức phong phú, đa dạng, để hấp dẫn học sinh.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cai-thien-voc-dang-nguoi-viet-bao-gio-bang-ban-bang-be.aspx