Cai thuốc lá bằng cách châm cứu tai

Châm cứu vào các huyệt ở tai giúp giảm nồng độ chất độc hại của khói thuốc trong máu và hết cảm giác thèm thuốc.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Tân, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược Huế, cho biết nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của phương pháp cai nghiện thuốc lá bằng y học cổ truyền, đặc biệt là châm cứu. Các báo cáo gần đây ở Hàn Quốc khẳng định phương pháp nhĩ châm (châm cứu vào tai) giúp hàng nghìn người từ bỏ được thói quen hút thuốc và cải thiện sức khỏe. Chương trình này đang được nhân rộng tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Gần đây các chuyên gia trường Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc, phối hợp với Trường Đại học Y Dược Huế thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả phương pháp nhĩ châm trong cai nghiện thuốc lá tại tỉnh Quảng Nam. Chương trình triển khai trong 5 tuần từ giữa tháng 9 đến tháng 10/2016 trên 250 người nghiện thuốc lá. Trước khi thực hiện, tất cả tình nguyện viên đều được tư vấn tâm lý và cam kết cai thuốc lá, đồng thời tiến hành đo đạc các chỉ số như nồng độ CO trong hơi thở, huyết áp, nhịp tim. Sau đó họ được châm cứu vào các huyệt ở tai bao gồm yết hầu, phế, thần môn, nội tiết. Các tình nguyện viên ấn vào các huyệt 3-6 lần mỗi ngày khi lên cơn thèm thuốc.

Kết quả sau 5 tuần ghi nhận 60% người cai thuốc lá thành công, các chỉ số độc chất của thuốc lá như nồng độ CO trong hơi thở và nicotin trong máu giảm rõ rệt. Một số người sau khi được châm cứu cho biết không còn cảm giác thèm thuốc hoặc "thấy sợ thuốc lá". Tiến sĩ Tân cho biết 40% người tham gia cai nghiện không thành công vì nhiều lý do, trong đó phổ biến nhất là không tuân thủ thời lượng và liệu trình điều trị. Chỉ khoảng 3-4 người phản hồi tình trạng khó chịu và đau sau khi châm cứu nhưng thuyên giảm sau vài tiếng đồng hồ.

Kết quả nghiên cứu trên được báo cáo tại hội nghị "Ứng dụng thủy châm và nhĩ châm trong điều trị bệnh" do Viện Y dược học dân tộc TP HCM kết hợp với Bệnh viện Châm cứu Trung ương tổ chức. Tiến sĩ Tân lưu ý bệnh nhân áp dụng phương pháp nhĩ châm cần giữ cho tai sạch, tránh để ướt, tránh va chạm làm bong kim, cần theo dõi xem có bị nhiễm trùng, viêm đau hay không. Phản ứng thông thường sau khi nhĩ châm là thấy tai nóng, ấm, tê, đau, chướng, cơ thể ấm và rung các cơ mặt.

Liệu pháp này không áp dụng cho phụ nữ mang thai hoặc dễ bị sảy thai. Nhĩ châm không được khuyến khích đối với bệnh nhân tai bị sưng tấy, loét, eczema. Không dùng cho người bị bệnh nặng hoặc thiếu máu nặng.

Hút thuốc lá là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện có khoảng 1,3 tỷ người lớn hút thuốc, mỗi năm gần 4,9 triệu người chết vì bệnh do thuốc lá gây ra.

Tại Việt Nam, điều tra sức khỏe toàn quốc ghi nhận 49% tổng số nam giới hút thuốc, trong đó 65% ở độ tuổi 25-45. Số người hút thuốc lá thụ động ở nơi làm việc là 8 triệu, tại gia đình là 47 triệu người. Hàng năm có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Theo Vnexpress

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/cai-thuoc-la-bang-cach-cham-cuu-tai-56057.html