“Cảm âm” trên… giấy

Thông qua chất liệu truyền thống của hội họa, triển lãm “Cảm âm” của 3 họa sĩ Đỗ Đức, Hoàng Đinh và Bùi Việt Dũng đã đem đến người thưởng tranh một không gian nghệ thuật vừa truyền thống, vừa phá cách với cuộc thể nghiệm mới mẻ của chất liệu và màu sắc. Triển lãm diễn ra từ ngày 12 – 19/3 tại nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội đang thu hút đông đảo người yêu hội họa, đặc biệt là hội họa trên giấy.

Thông qua các bức vẽ ấn tượng, ba họa sĩ lão thành trong nền mỹ thuật Việt Nam đã truyền tải đến người xem con mắt nhìn cuộc sống đa dạng và nhiều màu sắc. Theo các họa sĩ tham gia, “Cảm âm” chính là sự cảm nhận âm sắc cuộc sống của mỗi người. Họ cảm nhận và thể hiện khác nhau trên cùng chất liệu giấy, từ giấy dó thủ công đến giấy vẽ màu nước các loại trên thị trường hiện nay. Với bút pháp và cách thể hiện độc đáo, mỗi họa sĩ lại đem đến một góc nhìn khác về cuộc sống, đồng thời, thể hiện cá tính hội họa của mỗi tác giả.

Từng học thạc sĩ nghệ thuật tại Hà Lan, họa sĩ Hoàng Định sở hữu một bút pháp tung tẩy của hội họa Ấn tượng biểu hiện. Với chất liệu sở trường là sơn dầu, Hoàng Định đã tái hiện lại những nét cũ kỹ, cổ xưa của những làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ thông qua những hình ảnh quen thuộc như lũy tre đầu làng, thuyền mủng và những hàng cây chạy dọc hai bên bờ sông…

Triển lãm tranh trên giấy lần này là đề xuất của chính họa sĩ Hoàng Định. Ông đang thể nghiệm nhiều loại mực nước trên các loại vật liệu và giấy khác nhau. Ông lưu ý nhiều đến lý thuyết về cảm nhận tín hiệu thị giác, chú ý đến sự xuất hiện phảng phất của thời gian và không gian cùng tình cảm của sắc màu trên những tác phẩm của mình. Nhiều năm đứng trên giảng đường đại học, và bôn ba khắp nơi trên thế giới, nắm vững lý thuyết và cũng năng nổ thực hành tìm kiếm cái mới. Với ông, tìm kiếm chính là cái căn cốt của nghệ thuật để chuyển tải cảm xúc của tác giả đến người thưởng thức. Không tìm kiếm là nghệ thuật chết. Ông đã vẽ như chơi, thả lỏng cho dòng chảy cảm xúc, cách vẽ mềm dẻo, để thể hiện cảm xúc của mình.

Cùng tham gia trong triển lãm Cảm âm, họa sĩ Đỗ Đức lại được biết đến với bút lực thâm hậu ở mảng tranh giấy dó. Khác với họa sĩ Hoàng Định khai thác những nét đẹp yên bình của các miền quê Việt Nam, họa sĩ Đỗ Đức chú ý nhiều hơn đến đề tài dân tộc miền núi. Cũng bởi trong thời gian trên 50 năm làm nghề, ông đã có tới 30 năm gắn bó với cây bút lông, màu nước và giấy dó. Với bút pháp hiện thực, cuộc sống và khung cảnh núi rừng mỗi vùng cao hiện lên rõ nét trước mắt người xem với những phiên chợ rộn ràng, cao nguyên đá và hình ảnh của cô thiếu nữ người H’ Mông giữa núi rừng và hoa ban trắng rợp trời Tây Bắc… Ông cho rằng hiện thực là nghệ thuật cổ điển, sẽ sống mãi với thời gian.

Tại triển lãm lần này, họa sĩ Đỗ Đức đem đến cả những sáng tác của mình từ cách đây vài chục năm, bên cạnh những tác phẩm mới ra lò của mình. Qua những bức tranh cũ – mới, người xem có cơ hội thấy được sự chuyển động của bút pháp theo thời gian, và những cảm nhận cuộc sống được tác giả thể hiện qua con mắt của một nghệ sĩ, trên cùng một chất liệu giấy dó.

Họa sĩ Bùi Việt Dũng mang đến triển lãm Cảm âm những sáng tác bằng tranh in và độc bản. Với sự theo đuổi dành cho trường phái Trừu tượng biểu hiện, các tác phẩm của Bùi Việt Dũng đều thể hiện cách nhìn táo bạo, mạnh mẽ. Thông qua Cảm âm, họa sĩ đã tái hiện lại vẻ đẹp của cuộc sống muôn màu, trong đó có vẻ đẹp nhục thể của người phụ nữ, vẻ đẹp dữ dội của thiên nhiên từ “Cơn giông” đến “Biển giận”. Lấy vẻ đẹp chủ đạo là con người và thiên nhiên, mỗi đường nét trong bức họa đều được Bùi Việt Dũng thể hiện bằng bút pháp trừu tượng đầy ám ảnh.

Giấy được coi là một trong những chất liệu cổ xưa nhất của nền hội họa. Khác với dòng hội họa trên giấy của Trung Hoa với một nền tranh thủy mặc đồ sộ và vĩ đại, hội họa trên giấy của người Việt được sáng tác chủ yếu dựa vào giấy dó và một số loại giấy khác như canson, Xuyến chỉ… Gần đây, rất nhiều họa sĩ Việt Nam đã quay trở lại với giấy dó và tập trung khai thác những khía cạnh mới từ chất liệu truyền thống này. Trên cùng một chất liệu giấy, ba họa sĩ với ba bút pháp, ba cá tính khác nhau đã tạo nên một triển lãm Cảm âm với một sự va đập vào cuộc sống rất sâu sắc.

Phạm Trang

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/%e2%80%9ccam-am%e2%80%9d-tren%e2%80%a6-giay