Cảm động chuyện sư cô yêu khỉ như con

Chẳng biết từ khi nào người ta liệt giống khỉ vào danh mục những món ăn khoái khẩu, bổ dưỡng. Vì lợi ích họ sẵn sàng lùng sục khắp rừng rú để săn những "đặc sản" này.

Chưa kể, hằng ngày những ngọn núi, cánh rừng bị con người sẻ thịt vì lợi ích kinh tế. Khi những chú khỉ hoảng sợ, lạc lõng, kêu gào thì sư cô Thích Diệu Mơ (trụ trì chùa Nhẫm Dương, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã mang cả tính mạng mình bảo vệ chúng, chăm sóc chúng như con.

Xót xa nhìn bầy khỉ ngơ ngác

Phía Tây bên kia của núi Nhẫn người ta đang ngày đêm xẻ đá phục vụ cho cả chục nhà máy xi măng. Còn bên này, ngôi chùa Nhẫm Dương cổ kính vẫn lặng lẽ nằm nép mình như thể đang ẩn chứa những tâm tư. Ngày ấy, ngọn núi này bạt ngàn một màu xanh, chim muông kéo về rợp một góc trời.

Điều đặc biệt hơn cả, ở núi Nhẫm có rất nhiều khỉ, nhiều đến nỗi người ta còn gọi là núi khỉ. Lúc nào cũng có hàng chục đàn khỉ vàng, lên tới cả vài trăm con. Tuy sống hoang dã nhưng lũ khỉ rất quấn con người. Sư thầy lên núi tăng gia trồng ngô, sắn còn bị lũ khỉ trêu đùa, đào phá ruộng. Nhiều người lên đây còn bị lũ khỉ tinh nghịch ném đá, giật nón… Sư Mơ nhớ lại: "Đúng là nhiều khi rất bực mình nhưng thấy vui vì chúng rất thông minh, tình cảm".

Thế rồi người ta bắt đầu chặt cây, phá rừng, những chú chim, chú khỉ trở thành mồi nhậu. Cây cối thưa đi, lũ khỉ cũng mất dần chỗ ẩn náu, chim muông về đây ngày một ít. Sư cô còn nhớ như in cái ngày người ta về đây mở nhà máy xi măng. Họ cho máy móc vào đào núi lấy đá làm xi măng, lũ khỉ hoang mang. Hằng ngày phải nghe tiếng máy xúc, tiếng mìn nổ khiến lũ khỉ sợ hãi, đêm đến từng đàn lại kéo nhau bỏ đi đâu không ai rõ.

Nhìn về phía cánh rừng loang lổ, sư cô Thích Diệu Mơ tâm sự: "Loài khỉ chúng chẳng khác gì con người đâu, chúng bảo vệ và rất thương nhau. Có lần một người thợ săn đánh bẫy kẹp được mấy con khỉ. Thấy tiếng kêu cả đàn khỉ kéo nhau đến giải cứu, khi cứu được những con bị nạn là chúng cõng nhau lên rừng đắp thuốc. Còn một con đang được cứu thì gã thợ săn đến. Thấy vậy đàn khỉ lao vào tấn công, ông này sợ vác bẫy cùng con khỉ lùi dần xuống núi".

Sau khi chứng kiến cảnh đó, sự cô đã gặp người thợ săn khuyên nhủ. Từ đó ông này từ bỏ nghề bẫy khỉ luôn. Mãi sau này sư cô mới phát hiện con khỉ bị bắt là khỉ mẹ, có mấy đứa con nhỏ. Buổi sáng nào sư Mơ dậy sớm tụng kinh cũng thấy mấy chú khỉ con đứng gần tháp chuông nhìn về phía nhà ông thợ săn mà khóc. Tiếng khỉ con khóc ai oán, nỉ non khiến sư thầy không cầm được lòng mình.

Có những lần sư cô chứng kiến người ta giết khỉ man rợ, ăn óc, nấu cao mà người như chết điếng. Sư Mơ lặng lẽ kể: "Chứng kiến những việc mà người ta làm với bầy khỉ nên thầy mới ấp ủ mua hết những con khỉ gặp nạn về nuôi. Thầy chứng kiến những đàn khỉ bỏ đi nhưng đâu có nghĩ người ta bắt đi giết thịt, nấu cao. Loài khỉ sống tình cảm như con người vậy mà họ nỡ giết chúng".

Coi khỉ như con

Mong muốn gây dựng lại núi khỉ ngày một lớn, sư Mơ lặn lội đi khắp nơi mua những chú khỉ bị người ta rao bán. Rồi hằng ngày cần mẫn lên núi trồng cây những mong bầy khỉ sẽ trở lại. Cách đây cả chục năm sư Mơ đến một cơ sở chuyên nấu cao khỉ mua được 2 con, mỗi con giá lên tới 3 đến 4 triệu. Đó là hai con đầu tiên mà sư Mơ mua về, được đặt tên là con Trố và Ngố. Mua hai chú khỉ về chùa và định thả ngay lên núi nhưng chẳng con nào đi được, chân còn không đứng vững. Sau mới phát hiện chúng bị bỏ đói lâu ngày, chân lại bị đau. Sư Mơ đã để chúng lại chùa và chăm sóc, sau 3 tháng chúng mới tự đi, tự đánh đu được…

Những chú khỉ được giải cứu về chùa đa phần đều đang bị thương hoặc rất hoảng sợ. Vì thế sư Mơ phải nuôi dưỡng, chăm sóc một thời gian đầu mới thả về tự nhiên. Thế nhưng khỉ vốn là loài sống tình cảm, nhiều con được thả lên núi cũng không chịu đi, chỉ quấn lấy chùa, lấy sư Mơ. Mỗi tiếng kêu, mỗi động tác của lũ khỉ là sư Mơ đều hiểu. Lúc thì có con đòi ăn, lúc lại có con đòi bế, đòi uống sữa…

Sư Mơ bảo, con Ngố là con nghịch ngợm nhất, không để ý là nó làm loạn ngay. Ngố nó tự vào điện ăn cắp đồ thờ, rồi vào bếp bốc vụng cơm nguội, trêu ghẹo phật tử. Còn con Trố thì tham ăn tục uống. Muốn bắt tay làm quen là phải cho nó ăn. Còn bắt tay mà không cho nó ăn là giơ nắm đấm ra dọa.

"Mỗi con một tính, mình phải hiểu mới chiều được chúng. Như con Đuôi Dài ấy, nó bị đánh bẫy nên gãy chân. Mỗi khi trở trời là khó tính lắm, ai hỏi đến là xông vào cắn ngay. Thầy chăm con Đuôi Dài hơn cả vì nó bị đau". Dứt lời sư Mơ chỉ về phía con Ngộ Không: "Con này thầy nuôi và cho ăn chay từ nhỏ, ai cho thịt là nó vứt đi ngay. Nhanh nhẹn, thông minh lắm nhưng có mỗi tội hay ăn cắp. Có khi đang nói chuyện, không để ý là thò tay vào túi lấy đồ của người ta ngay".

Sư Mơ bấy lâu coi lũ khỉ như con của mình. Năm trước thầy đã khóc mấy ngày khi con Chồn chết. Con Chồn được một phật tử đến lễ chùa tặng. Thầy quyết định đặt tên là Chồn vì có cái đuôi dài giống con chồn. Thầy xích Chồn ở cây chay đầu hồi, lạ người nên nó rất hay căn sư Mơ mỗi lần cho ăn. Cứ mỗi lần cắn thầy, thầy lại nhẹ nhàng nói với Chồn: "Sao Chồn lại cắn thầy? Thầy nuôi Chồn, cho Chồn ăn cơ mà. Thầy có đánh con đâu mà con cắn thầy đau thế". Cứ nhiều lần như vậy, Chồn cắn nhẹ hơn rồi không căn thầy nữa.

Sau này Chồn lại là con sống tình cảm nhất với thầy. Như một đứa trẻ con, mỗi lần muốn đi ngủ là đòi thầy bế và ru ngủ. Chạy nhảy khắp nơi, Chồn lại về đòi thầy uống sữa, bế quanh 3 vòng sân ru ngủ mới yên tâm leo lên cây nằm ngủ.

Nhiều hôm thầy có công chuyện đi xa, Chồn cứ đứng cả ngày ở cổng chùa ngóng thầy về. Thế rồi có hôm thầy mệt không bế, nó không đi ngủ cứ ngồi ở đầu hè khóc thút thít. Thương quá thầy cố gượng dậy bế Chồn 1 vòng hát ru sau mới chịu đi ngủ. Thầy Mơ rơm rớm nước mắt nhớ lại: "Con Chồn nó khôn và tình cảm lắm, buồn vì nó mất rồi. Cái hôm thợ đến sửa chùa có để lọ keo ở ngoài, nó tưởng hộp sữa thế là uống tất. Sáng hôm sau không thấy tiếng của nó, thầy đi tìm thì thấy nó đã chết ở gốc cây mít".

Chuyện cảm động giữa con Xích Lu và con Vâu cũng khiến sư Mơ không cầm được nước mắt. Xích Lu và Vâu được một phật tử cứu khi người ta chuẩn bị bán chúng sang Trung Quốc. Khoảng 3 năm về trước con Xích Lu đang có bầu, đi lại chậm chạp dưới sân chùa, có một phật tử quét sân không may va phải, Xích Lu tưởng mình bị đánh nên nhảy vào cào cắn. Không may mắn, lúc đó một con chó đang nằm cạnh, nghĩ chủ mình bị khỉ đánh nên đã lao vào cắn đúng cổ, Xích Lu chết ngay tại chỗ. Con Vâu chứng kiến cảnh tượng đó vô cùng hoảng loạn, nó như phát điên. Ngay chiều hôm đó con Vâu đã lặng lẽ bỏ lên núi, thỉnh thoảng mới về cây thị ngủ vì nhớ chùa.

Chia tay chúng tôi sư Mơ nói với giọng đầy quyết tâm: "Thầy sẽ quyết giữ núi này cho bằng được. Thầy phải gây dựng cho kỳ được núi khỉ, rồi nơi đây sẽ có cả chục bầy khỉ sinh sống. Thầy mong chính quyền địa phương cùng chung tay, cùng bảo vệ những chú khỉ ngoài hoang dã, tạo điều kiện cho thầy nuôi dưỡng chăm sóc chúng".

Xem thêm >>> Nên mặc màu gì để có nhiều may mắn trong năm Bính Thân 2016?

Theo CSTC

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/cam-dong-chuyen-su-co-yeu-khi-nhu-con-212501.html