Cảm động lễ khai giảng của những em nhỏ đặc biệt

GiadinhNet - Sáng 5/9, hòa chung niềm vui của học sinh cả nước đón chào năm học mới, dù trời mưa nặng hạt nhưng buổi lễ khai giảng của Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) vô cùng trang nghiêm và ấm cúng. Đặc biệt, thật cảm động khi hàng trăm học sinh “hát” Quốc ca bằng tay.

Học sinh Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) đang “hát” Quốc ca bằng tay trong lễ khai giảng. Ảnh: Q.Huy

Lễ khai giảng đặc biệt

Lễ khai giảng của thầy và trò Trường PTCS Xã Đàn diễn ra trong cơn mưa nặng hạt. Nhà trường đã phải bố trí phông rộng che kín cả sân trường, tránh ướt cho học sinh. Từng em ngay ngắn ngồi vào các hàng ghế nhựa thẳng tắp, trên tay là những bông hoa, lá cờ được các cô giáo chuẩn bị cho từng người. Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, có lẽ vất vả nhất là các cô giáo. Trong bộ áo dài thướt tha mừng ngày khai giảng, các cô ân cần tới từng vị trí để hướng dẫn, ra hiệu cho các em ngồi trật tự, thẳng hàng.

Năm nay, Trường PTCS Xã Đàn có khoảng 500 học sinh bước vào năm học mới ở các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS; trong đó gần 50% học sinh khiếm thính và một số học sinh kèm theo những tật chứng khác như chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, khuyết tật vận động và những học sinh có vấn đề hành vi. Không thể nghe âm vang của tiếng trống khai trường, không thể biểu đạt bằng giọng hát, các học sinh khiếm thính của trường chọn cách thể hiện niềm vui đó bằng tay. Các động tác biểu cảm đôi tay của các em diễn tả bài Quốc ca đều tăm tắp, ánh mắt dõi theo lá Quốc kỳ đầy niềm tự hào. Dõi theo từng cử chỉ, động tác của các em, những ai có mặt trong giây phút thiêng liêng ấy đều vô cùng xúc động.

Dư Anh Tú (9 tuổi) được bố chuẩn bị thay đồng phục trước khi bước vào khai giảng.

Em Hà Trung Kiên (5 tuổi) và bà ngoại sau lễ khai giảng năm học mới.

“Đây là năm thứ 36 trường tổ chức khai giảng năm học mới, so với những năm đầu mới thành lập chỉ vài chục em, đến nay trường đã có nhiều cấp học từ mầm non tới THCS đến các lớp chuyên biệt. Bước vào năm học mới, cơ sở vật chất của trường khang trang hơn, trường tiến hành xây dựng, cải tạo thêm nhiều phòng học, sân trường, hội trường… đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao, là môi trường giáo dục thân thiện, nhân văn. 100% học sinh lên lớp, 100% học sinh THCS được xét tốt nghiệp, trong đó 85% xếp loại khá, giỏi”.

Thầy Đinh Văn Đoàn Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn

Sau khi cô Hiệu phó lên đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục, thầy cô giáo và toàn thể học sinh cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới, thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Đoàn lên đánh hồi trống khai giảng năm học mới trong tiếng hò reo, phấn khởi của toàn thể học sinh, giáo viên trong trường.

Niềm vui học sinh nghèo

Đa phần học sinh Trường PTCS Xã Đàn có hoàn cảnh gia đình khó khan. Năm nay lên lớp 2, em Dư Anh Tú (9 tuổi) bị khiếm thính bẩm sinh. Được đi học ngay từ cấp mẫu giáo của trường, Tú hòa nhập nhanh, am hiểu nhiều thứ. Tú học rất tiến bộ, làm toán cộng trừ nhanh, chính xác. Anh Dư Văn Thắng (ở Vạn Phúc, Hà Đông), bố của Tú cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi cũng rất vất vả. Vợ chồng tôi sống ở làng Vạn Phúc, làm nghề dệt nhưng đời sống không thể trông cậy vào nghề này. Tôi đã phải làm nhiều việc khác mới đủ sống như phụ xây, khuân vác… Bây giờ thì việc cũng ít dần, nên vợ chồng tôi còn bán thêm hàng ăn sáng để có thêm thu nhập”.

Em Hà Trung Kiên (5 tuổi) bị khiếm thính bẩm sinh, năm nay vào lớp mầm non được bà ngoại đưa đi khai giảng. Bà Hoàng Thị Tân (bà ngoại Kiên) cho biết: “Cả hai bà cháu đã phải dậy từ sớm để bắt xe bus từ xóm trọ ở Cầu Giấy tới trường. Thú thực, trước đây nuôi dạy cháu hết sức khó khăn vì cháu không nghe nói được, chưa thể tự làm được bất cứ việc gì. Kể từ khi xin học vào trường và đi học cách đây 2 tháng, cháu đã tiến bộ hơn rất nhiều. Trên lớp hay ở nhà, cháu đều tự xúc cơm ăn, tiếp xúc với các bạn cũng rất tự tin”.

“Bố mẹ cháu Kiên và tôi đều từ quê ở xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ lên đây mưu sinh. Mẹ cháu làm phục vụ cho một quán ăn, còn bố cháu làm thợ điện, nước. Nhìn chung, kinh tế gia đình rất khó khăn, lên Hà Nội phải đi thuê nhà mỗi tháng mất gần 2,5 triệu đồng, rồi còn tiền ăn uống, sinh hoạt phí tốn kém. Do khó khăn nên bố mẹ cháu đành phải để đứa con gái đầu năm nay học lớp 5 ở quê cho ông bà nội nuôi. Bây giờ gia đình tôi cảm thấy rất may mắn khi cháu được học ở ngôi trường khang trang, sạch đẹp, lại được các cô có chuyên môn chăm sóc, chỉ dạy”, bà Tân chia sẻ thêm.

Quang Huy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cam-dong-le-khai-giang-cua-nhung-em-nho-dac-biet-20130906114031791.htm