Cấm xe máy vào nội đô: Cần thực hiện đúng lộ trình

Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng trước khi dừng hoạt động của xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030.

Đây là một trong những nội dung chính của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Đề án được kỳ vọng sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu giúp Thành phố vận hành mạng lưới phương tiện một cách có trật tự, khai thác tối đa cơ sở hạ tầng hiện có để giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.

Phát triển vận tải công cộng để hạn chế xe cá nhân

Để có tiền đề cho việc hạn chế hoạt động của xe cá nhân, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), bảo đảm thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30-35% tổng nhu cầu đi lại; năm 2030 từ 50-55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội nhấn mạnh: “Phải có hệ thống VTHKCC phát triển, bảo đảm năng lực phục vụ như đã đưa ra trong Đề án thì Thành phố mới có đủ điều kiện để hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy”.

Song song với đó, Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là Quy hoạch GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu đến năm 2030, trong khu vực trung tâm sẽ bảo đảm tỷ lệ diện tích đất giao thông đạt từ 20-26% so với đất xây dựng đô thị; 18-23% tại các đô thị vệ tinh; từ 16-20% tại khu vực thị trấn. Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh cũng đặt mục tiêu sẽ đạt từ 3-4% đất xây dựng đô thị.

Đồng thời, Hà Nội cũng sẽ tăng cường các biện pháp hạn chế hoạt động của phương tiện cơ giới, đặc biệt là xe cá nhân. Đề án đã cụ thể hóa công tác quản lý trên các lĩnh vực và chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 2017-2018, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017-2020, sẽ tập trung quản lý cả về số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông. Ưu tiên áp dụng giải pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông...

Giai đoạn 2017-2030, Hà Nội sẽ từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, một trong những định hướng quan trọng của Thành phố trong tương lai là ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quản lý, vận hành mạng lưới giao thông vận tải.

Hiện Thành phố đang từng bước triển khai mô hình iParking (thu phí gửi xe qua thiết bị di động), thẻ vé điện tử liên thông… Đó cũng là những tiền đề quan trọng để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

Cấm xe máy tại các quận nội thành từ năm 2030

Một trong những nội dung quan trọng được dư luận quan tâm nhất của Đề án là lộ trình hạn chế xe máy trên địa bàn Thủ đô. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Hà Nội hiện có hơn 5,2 triệu xe máy và hơn 4.300 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế.

Trong đó, có tới gần một nửa số lượng xe máy đã sử dụng lâu năm; nhiều xe có tuổi thọ từ 15-25 năm đang hằng ngày tham gia giao thông.

Các tính toán cũng cho thấy, cùng với ô tô, xe mô tô, xe gắn máy hiện chiếm khoảng 85,8% diện tích lưu thông của Hà Nội, là một trong những tác nhân chủ yếu gây ùn tắc giao thông cho Thành phố.

Cùng với đó, các nghiên cứu về chất lượng không khí cũng chỉ ra rằng, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải ra môi trường.

Có thể thấy, xe máy hiện là một trong những tác nhân gây ra nhiều hệ lụy nhất đối với giao thông và môi trường Thủ đô. Để giải quyết thực trạng đó, Đề án đã đưa ra giải pháp dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.

Từ nay cho tới thời điểm đó, Thành phố sẽ giao các đơn vị liên quan tổ chức thống kê, phân loại xe máy theo khu vực, niên hạn, chủng loại; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTHKCC.

Theo lộ trình đề ra, từ năm 2017-2020, Thành phố sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy; đồng thời điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Từ 2025-2029, thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm của Thành phố. Năm 2030, sẽ dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đánh giá, đến năm 2030, vận tải công cộng sẽ đáp ứng 55% tỷ trọng vận chuyển; cùng với đó, Thành phố sẽ mở rộng không gian đi bộ, khuyến khích sử dụng phương tiện phi cơ giới; ý thức của người tham giao thông cũng sẽ cao hơn, gần gũi với các phương tiện công cộng hơn.

“Lộ trình này cũng khá dài, đủ để người dân làm quen, thích ứng với việc từ bỏ xe máy, nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân”, ông Viện nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cam-xe-may-vao-noi-do-can-thuc-hien-dung-lo-trinh-3742080-l.html