Cảm xúc thân thương đầu năm học

Vừa khai giảng được hơn một tuần lễ, nhưng ở mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ... tâm sự về khoảng thời gian bắt đầu năm học mới 2017- 2018 vẫn tràn đầy cảm xúc yêu thương dành cho những đứa con đang tuổi cắp sách tới trường. Và vẫn còn đó những trăn trở, những hy vọng về một năm học mới…

Hạnh phúc khi con dần khôn lớn

Chị Nguyễn Anna (Hà Nội) hạnh phúc khi con gái đang ngày một lớn khôn mà vẫn rất ngoan, dễ bảo. Chị bày tỏ cảm xúc giản dị với con khi bước vào năm học mới: “Em của năm ngoái và năm nay cũng đã khác nhau nhiều quá. Sáng đưa em đến trường, mẹ giả vờ gọi: “Thư ơi”, em ngoảnh lại, và mẹ chộp trộm được một kiểu ảnh (giờ em không thích chụp ảnh, chụp trước cổng trường chắc chắn lại càng không). Có ảnh rồi, mẹ cũng phải đợi tối về hỏi ý kiến em trước khi up Facebook (vì em lớn rồi…). Em xem ảnh rồi bảo: “Vâng, tùy mẹ!”. Mọi người bảo bước vào cấp hai là cái tuổi ương bướng khó chiều nhất, nhưng mẹ vẫn thấy, dù em lớn lên từng ngày, nhưng tới giờ em vẫn ngoan, dễ tính và dễ bảo... Cứ ngoan lâu vào, em nhé!”.

Còn chị Hoàng Lan Anh (Hà Nội) thì tâm sự đơn giản về cậu con trai bé bỏng bước vào lớp 1: “Mẹ đưa anh hai đi khai giảng, hàng ngày thấy anh học chữ thì không để ý mấy, nhưng chém gió thì thành thần. Thôi thực ra thì mẹ thấy cũng không sao, vì mẹ cần anh thành người hơn là một cái máy biết tính toán. Mẹ cũng mong đời không bắt anh giải toàn toán khó. Anh hãy cứ sống một cuộc sống hết sức giản đơn thôi”.

Ngắm nhìn con gái học lớp 10 mặc áo dài đến trường trông chững chạc và duyên dáng, chị Thái Thanh Thủy (Hà Tĩnh) vui mừng thốt lên: “Lần đầu tiên Cún mặc áo dài, nhìn rứa thôi chứ cũng đã thiếu nữ rồi, bé tí tẹo như cái kẹo, rành thương, rành yêu, yêu lắm!”.

Với phụ huynh có con học lớp cuối cấp, bên cạnh cảm xúc háo hức đầu năm học mới thì những nỗi lo học tập, thi cử vẫn thường trực, chị Thanh Bình (Hà Nội) có con gái năm nay học lớp 9. Chị tâm sự với con: “Cô gái bé nhỏ mang theo rất nhiều trăn trở của mẹ. Năm học này là năm học cuối cùng của cấp THCS. Mới ngày nào con gái của mẹ còn bỡ ngỡ bước chân vào trường, thì nay đã là học sinh cuối cấp rồi. Con bắt đầu bước vào chặng đường học hành nước rút với rất nhiều áp lực của kỳ thi chuyển cấp sắp tới. Mong con sẽ vững vàng tiến bước vào ngôi trường con mong ước. Mong con và các bạn sẽ giữ mãi được nụ cười rạng rỡ, những kỷ niệm đẹp của những năm tháng học trò”.

Đổi mới từ… khai trường

Năm học này có nét đổi mới trong lễ khai giảng ở nhiều trường, nhiều địa phương, chị Lê Ngọc Hân (Quảng Ninh) thì vẫn chưa hết ấn tượng với Lễ khai giảng năm học mới năm nay ở địa phương mình. Chị cho biết: “Dù các con đã đi học cả nửa tháng rồi, nhưng, trong suy nghĩ cố hữu đã ăn sâu ở tâm trí mình thì cứ sau khai giảng mới là buổi học đầu tiên của năm học mới… Điều đặc biệt trong ngày khai giảng của Quảng Ninh năm nay là việc thực hiện “3 không”. Đó là: Không tập khai giảng, không đợi đại biểu, đại biểu không phát biểu tại lễ khai giảng. Mình nhận thấy không chỉ phụ huynh, học sinh mà ngay chính các thầy cô cũng rất vui khi đón nhận việc thực hiện “3 không” này”

Chị nhớ lại, hôm khai giảng nắng thu vừa đủ hênh hểnh vàng, không làm cháu nào nhễ nhại và đủ gợi lên trong lòng các phụ huynh những ký ức đẹp đẽ, tinh khôi về ngày tựu trường của những năm tháng tuổi thơ. Hơn nữa, thời gian diễn ra lễ khai giảng được gói lại trong khoảng hợp lý đủ cho những nghi lễ cần thiết, trang trọng và quan trọng hơn là không khiến học sinh oải, nên có thể bọn trẻ sẽ ghi nhớ đôi điều với cảm nhận riêng của cá nhân.

Chị Hân không khỏi xúc động: “Năm nay, con mình đã tạm biệt bậc tiểu học và bước sang một chặng mới. Hai mẹ con dẫn nhau đi khai giảng ở trường mới của con nhưng cũng chính là trường cũ mẹ đã trải qua 3 mùa khai giảng cuối cùng của đời học sinh. Nhiều cảm xúc đan xen, chộn rộn...Và, mình biết, hai mẹ con còn cùng chung nhau một sự hướng về. Ấy là nơi con đã gắn bó 5 năm ở bậc tiểu học. Mới đây nhất, con thổ lộ rằng, nơi ấy, trong con như mái nhà thứ hai...”.

Chị Hân kể, cô bạn thân đang cùng con dự khai giảng ở trường chuyển cho chị vài hình ảnh cùng lời nhắn qua Messenge. Bạn chị Hân bảo: “Màn “ra mắt” của các tân “sinh viên” lớp 1 đặc sắc quá. Các con không cầm hoa vẫy vẫy đi từ một chỗ nào đó tiến vào mà được xếp hàng “đồng cấp, biên chế luôn” với các anh chị lớp trên. Rồi các con thực hiện màn “ra mắt” bằng hành động quay 4 phía (trên, dưới, phải, trái) cúi chào các thầy cô, anh chị, bạn bè. Quả thật, bài học khởi đầu ấy tuyệt vời quá”.

“Điều đó làm mình nhớ tới câu chuyện một cô giáo vừa chia sẻ rằng, trong buổi đầu tiên đến nhận lớp, gặp cô thì hầu hết các con rất hồn nhiên đi vào lớp mà quên mất việc “thưa gửi, chào hỏi” - một nghi lễ thông thường nhất. Tuy nhiên, vẫn có 2 học sinh dừng lại ở cửa lớp và dõng dạc: “Con chào cô. Con xin phép cô vào lớp!”- chị Hân chiêm nghiệm- “Trở lại chuyện của cô bạn thân, tại ngày hội khai trường ở nơi con bạn học tất cả học sinh đều tham gia 1 việc nho nhỏ, be bé, nhưng các con đều thích thú, vì tự chúng thấy thật ý nghĩa. Đó là viết ước mơ của mình vào mảnh giấy con con rồi nhờ “sứ giả” bóng bay cất giữ trong không trung... Vẫn biết rằng, ngày khai giảng, không phải chỗ nào cũng vui trọn vẹn và đong đầy cảm xúc, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, từ chỗ đang là một nghi lễ khô cứng, thậm chí có nhiều phần chẳng vui vẻ gì với bọn trẻ, thì nay đang dần trở thành ngày hội khai trường. Và từ không khí tươi mới này, từ sự chăm lo này, niềm vui tới trường sẽ là “món quà” của mọi trẻ em”.

Và những trải lòng…

“Cách đây 9 năm, chị cả Cốm nhập học trường Tiểu học K, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, bố Duy cứ gọi là xoắn quẩy đưa đón ngày khai giảng. Xem lại ảnh hồi đó, em Miu cứ thắc mắc và khóc: Sao lúc đó cả nhà không cho con đi với. Mẹ đành nói dối: Lúc đó Miu trong bụng mẹ, cũng được đi. Nhanh thế, hôm nay đoàn “tùy tùng” đại gia đình lại đưa Miu đi khai giảng...”- Chị Hải trải lòng cảm xúc sau 9 năm lại có thêm một con bước vào học lớp 1- “9 năm liền khai trường, mẹ luôn đưa chị Cốm đi và dự cho đến lúc vào lớp. Năm nay chị học lớp 10, độc lập chuyện đi khai giảng, đương nhiên chị Cốm tự đi xe buýt và xin đi chơi luôn xuyên trưa cùng các bạn. Hóa ra, buổi trưa, chị Cốm đến nhà cô Yến dạy Toán hồi lớp 9, thăm cô và các bạn học cũ. Tiện thể học trò cũ ăn trực bữa ở nhà cô luôn...”.

Chị Trần Thị Hiền (Thanh Hóa) đúc rút kinh nghiệm cuộc đời để tâm sự với con gái đang học cấp ba: “Ai cũng đi qua những năm tháng của tuổi trẻ, đều cảm nhận rõ tuổi trẻ ngắn ngủi biết bao nhiêu. Thời gian một đi không trở lại. Khi ta còn trẻ, hãy làm những điều có ích con gái nhé!”. Người mẹ sâu sắc này muốn truyền cho con những điều thú vị mà bản thân chị đã chiêm nghiệm: “Con hãy: Đầu tư cho sức khỏe; Đọc sách; Học trực tuyến trên mạng; Đi du lịch; Làm hướng dẫn viên du lịch; Đi làm thêm; Làm các công việc thiện; Tự học các môn nghệ thuật, nấu nướng; Dành thời gian cho các hoạt động tinh thần; Biết cho và nhận, yêu thương những người xung quanh, làm nhiều việc cho người khác... Như thế mọi người mới yêu quý con!”.

Đầu năm học mới, đã tuổi tứ tuần anh Lê Hồng Quang (Hà Nội) vẫn bồi hồi nhớ về thời học “Vỡ lòng”: “Năm học này ngôi trường lần đầu tiên tôi học lớp Vỡ lòng đã tròn 100 năm. Cũng chính tại ngôi trường này, năm đó tháng 9/1979, nhằm những ngày nhập học, tôi được mẹ dẫn đến trường, đứng ở sân trường mà tiếng loa trên sân khấu đang hướng dẫn các anh chị lớn hơn hô những khẩu hiệu... Đến khi ra về, tôi nghe thấy cô giáo nói: Ngày mai khai giảng, nhưng Vỡ lòng được nghỉ. Hai tiếng “Khai giảng” khiến tôi rất tò mò, và cậu bé vừa học hết mẫu giáo đã nói dối bố mẹ là hôm sau vẫn phải đến trường, để rồi đứng trốn 1 góc sân trường xem từ đầu đến cuối lễ Khai giảng đầu tiên trong đời. Khai giảng hồi đó còn có đốt pháo. Hình ảnh những ngày khai trường năm xưa ấy luôn là thầy giáo Hiệu trưởng cầm 1 cây gậy dán giấy màu xoắn rồi đánh vào chiếc trống to trên sân khấu giữa sân trường. Suốt nhiều năm cho tới tận sau này, tôi vẫn tự hỏi sao ngày Khai giảng thì thầy hiệu trưởng đánh trống, còn ngày thường lại là bác bảo vệ?”

Nắng thu rạng mọi nẻo đường

Rộn ràng muôn nhịp trống trường gọi em...

Chăm ngoan nhé, nhớ đừng quên

Đến trường vui học mai nên thành người!

Cô giáo Trần Minh Hương

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cam-xuc-than-thuong-dau-nam-hoc-3810352-b.html