“Cần ban hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật”

Chiều 17/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật đi vào nề nếp

Các ý kiến thảo luận đều cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật của người dân, từng bước hình thành thói quen tôn trọng pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và của xã hội. Đây là cầu nối giữa hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng), Huỳnh Thành Đạt (Thành phố Hồ Chí Minh), Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nhận định Luật muốn đi vào cuộc sống thì khâu đặc biệt quan trọng là tuyên truyền phổ biến đến người thụ hưởng. Trong thực tiễn, chúng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo dưới Luật rải rác nhưng chưa hiệu quả.

Sau khi dẫn chứng một số vụ việc như vụ vỡ nợ bạc tỷ chỉ với vài dòng chữ viết tay hay tình trạng đinh tặc, chỉ vì vài chục ngàn đồng mà ảnh hưởng tới tính mạng người đi đường, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” có từ năm 1980 nhưng vẫn chỉ là khẩu hiệu, chưa đi vào cuộc sống.

Hiểu biết pháp luật của người dân còn rất hạn chế, quan điểm không biết không có tội là khá phổ biến, do đó cần thiết phải ban hành Luật để đảm bảo thông tin pháp luật có tính phổ biến hơn việc quy định riêng lẻ như hiện nay. Ban hành Luật để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào nề nếp, đi vào cuộc sống của nhân dân, để nhà nước quản lý bằng pháp luật tốt hơn - đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam ) nói.

Song nhiều đại biểu cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật vẫn chủ yếu quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật mà chưa đưa ra được các quy định về cách thức để người dân thực hiện quyền được tiếp cận pháp luật khi có nhu cầu.

Dự thảo Luật vẫn còn tập trung nhiều vào các biện pháp một chiều nhằm đưa kiến thức pháp luật tới người dân, chưa đưa ra được các chính sách pháp luật có tính đột phá để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thực sự đem lại hiệu quả hữu hiệu; còn thiếu quy định trách nhiệm tham dự của người được phổ biến, giáo dục pháp luật.

Theo đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Luật còn nhiều điều khoản chung, mang tính chất nguyên tắc, định hướng, thiếu cụ thể. Dự án Luật có 17/43 điều khoản giao Chính phủ, bộ, tòa án, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành văn bản quy định dưới Luật, như vậy là chưa phù hợp với tinh thần xây dựng pháp luật. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giảm bớt những vấn đề quy định chung, vì Luật không có vấn đề gì khó khăn lắm để phải chờ văn bản dưới luật. Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với ý kiến này, đề nghị không nên giao cho nhiều cơ quan quy định sẽ sinh ra rối rắm, cần quy định chi tiết ngay trong Luật để có thể thực hiện luôn.

Có chính sách xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra. Các đại biểu đề nghị Luật cần đưa ra các quy định cụ thể về các biện pháp thúc đẩy xã hội hóa đối với công tác này, chứ không nên quy định chung chung. Việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khó thu lợi một cách trực tiếp nên cần có chế tài cụ thể hơn để có thể thu hút được. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, chỉ các tuyên truyền viên, báo cáo viên tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật là chưa đủ, mà cần có chính sách huy động người có kiến thức, am hiểu pháp luật và các cá nhân, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp, già làng, trưởng bản… tham gia vào công tác này.

Các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông), Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) kiến nghị, cần có cơ chế cụ thể để huy động các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương vào cuộc. Xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật là rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.

Theo đại biểu Triệu Thị Thu Hương (Bắc Cạn) thì dự thảo chưa đưa ra được việc tạo điều kiện hỗ trợ, cơ chế chính sách cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật để có thể phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Theo đó, cần bố trí nguồn kinh phí theo hướng xác định phổ biến, giáo dục pháp luật là một phần không thể thiếu trong hoạt động công tác của các cơ quan, tổ chức hàng năm.

Không nên hạn chế nội dung, lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật

Vấn đề phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Một số ý kiến đề nghị không nên hạn chế nội dung, lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) nhìn nhận, điều 16 quy định việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tập trung vào các vấn đề dân tộc, an ninh, biên giới, bảo vệ và phát triển rừng và các lĩnh vực pháp luật khác gắn với đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn là chưa đủ.

Tuy quy định mang tính chất định hướng, nhưng sẽ hạn chế các lĩnh vực khác vì những đối tượng như ngư dân, nông dân đi đánh bắt xa bờ, xuất khẩu lao động, không chỉ cần hiểu biết pháp luật của nước ta mà còn phải hiểu biết của các nước khác; thiếu hiểu biết pháp luật của nước sở tại sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, nhất là pháp luật, thậm chí họ không biết tiếng phổ thông, rất khó khăn tiếp cận luật, nên cần bổ sung vùng dân tộc thiểu số là đối tượng ưu tiên.

Các vấn đề về mô hình Hội đồng phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; ngày pháp luật… cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/can-ban-hanh-luat-pho-bien-giao-duc-phap-luat/201111/113719.vnplus