Cần bảo tồn môi trường sống cho loài voi

QĐND Online - Bảo vệ đàn voi nhà và voi rừng là điều mà tỉnh Đắc Lắc đã tính đến từ 4 năm trước. Tuy nhiên, đến nay, động thái này mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, lập dự án, chứ chưa triển khai những việc làm cụ thể nào để bảo tồn đàn voi.

Có điều kiện tự nhiên thuận lợi, bảo đảm tốt môi trường sinh sống của voi, nên từ bao đời nay rừng Đắc Lắc trở thành ngôi nhà lý tưởng của voi rừng cũng như voi nhà. Cũng từ lâu, Bản Đôn - xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đã nổi tiếng với “nghề” săn bắt và thuần dưỡng các loại voi. Voi nhà ở Bản Đôn, sau khi được thuần dưỡng, voi được sử dụng vào nhiều việc có ích như: vận chuyển hàng hóa, lương thực, kéo gỗ, đưa người qua sông, suối. Đặc biệt trong kháng chiến, nhiều con voi nhà của Đắc Lắc đã tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm… Theo số liệu thống kê, năm 1982, voi nhà của Đắc Lắc có 502 con, đến năm 2000 còn 84 con, năm 2006 giảm xuống còn 64 con và đến tháng 5-2010 chỉ còn lại 34 con, trong đó voi của các hộ dân có 12 con, còn lại là của doanh nghiệp kinh doanh du lịch sở hữu. Đàn voi nhà của Đắc Lắc đã góp phần không nhỏ cho tỉnh này quảng bá thương hiệu du lịch, quảng bá những sinh hoạt văn hóa truyền thống như: Lễ hội đua voi, phục dựng cảnh săn bắt thuần dưỡng voi, lễ cúng voi, voi thi đá bóng, thi vượt sông, thi ném gỗ, thi chạy. Chính vì thế, đến khi nào đó, đàn voi nhà của Đắc Lắc vắng bóng, thì tính hấp dẫn của du lịch, của văn hóa truyền thống Đắc Lắc sẽ phần nào chịu tác động tiêu cực. Về đàn voi rừng, theo khảo sát của Khoa Nông lâm nghiệp thuộc trường Đại học Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc hiện có khoảng 110 con voi rừng thuộc loài voi Châu Á, có tên khoa học Elephas maximus sinh sống trong những cánh rừng nguyên sinh. Trong vòng 5 năm trở lại đây, đã có nhiều vụ voi rừng trên địa bàn huyện Ea Súp xâm nhập phá phách khu vực sản xuất của nhân dân. Trước nguy cơ đàn voi suy giảm nhanh chóng, UBND tỉnh Đắc Lắc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với trường Đại học Tây Nguyên nghiên cứu lập “Dự án bảo tồn đàn voi rừng và voi nhà” với mục tiêu bảo đảm điều kiện sinh sống, sinh sản và phát triển đàn voi rừng và voi nhà, bảo vệ truyền thống văn hóa liên quan đến voi, đào tạo lực lượng chuyên môn làm công tác bảo tồn và chăm sóc voi, hình thành bệnh viện phục vụ phòng chống dịch bệnh và nghiên cứu sinh sản cho voi, quan hệ với các tổ chức quốc tế để tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật hiện đại phục vụ bảo tồn, chăm sóc, phát triển đàn voi. Hi vọng rằng, với “Dự án bảo tồn đàn voi rừng và voi nhà” của tỉnh Đắc Lắc sẽ sớm được thực hiện, để đàn voi rừng và voi nhà tránh được nguy cơ tuyệt chủng trong thời gian tới. Bài, ảnh: Kiều Bình Định

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/22/22/113488/Default.aspx