Cần bắt tay ngay vào "đại tu" hệ thống ngân hàng

Một loạt vấn đề của các hệ thống ngân hàng thương mại như nợ xấu gia tăng, tính thanh khoản có vấn đề, dịch vụ kém, chạy đua lãi suất… diễn ra trong thời gian qua đã lộ ra những điểm thiếu sót của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Trước tình hình đó, các chuyên gia và các nhà quản lý kinh tế cho rằng đã đến lúc cần bắt tay vào cuộc "đại tu" và đây cũng là một trong những nhiệm vụ bắt buộc khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Quá nhiều bất cập

Thực tế quá rõ là hệ thống ngân hàng Việt Nam đang tồn tại nhiều điểm yếu sau một thời gian phát triển nhanh mà có thể thấy qua liên tiếp các vụ vỡ nợ, lừa đảo ngân hàng trên quy mô lớn được phanh phui gần đây và các lỗ hổng về quản lý đang ngày càng lộ rõ hơn khi kinh tế khó khăn kéo dài. Góp phần tạo nên điểm yếu ấy, theo các chuyên gia có một phần ở số lượng tổ chức tín dụng gia tăng, mạng lưới phát triển rộng trong khi trình độ quản lý còn nhiều hạn chế. Tính đến nay, toàn hệ thống đã có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 1 quỹ tín dụng nhân dân trung ương, 1.083 quỹ tín dụng cơ sở và 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Với một nền kinh tế mới đạt quy mô GDP vào khoảng 100 tỷ USD/năm như ở Việt Nam, thì số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng như hiện này là quá nhiều. “Trong một thời gian quá dài, Việt Nam đã phát triển ngành ngân hàng theo nghĩa mở rộng về chiều ngang mà không có sự tập trung cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như chưa quan tâm tốt đến vấn đề quản trị rủi ro. Chưa kể đến về thanh khoản, nhiều ngân hàng bị gọi là "ăn đong từng bữa" khi tăng trưởng tín dụng quá nhanh mà khả năng huy động vốn không kịp. Tăng trưởng tín dụng trung bình 3 năm gần đây của toàn hệ thống lên tới 30%/năm...” - chuyên gia kinh tế Quách Mạnh Hào nói.

Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, với vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính, các tổ chức tín dụng đã và đang gánh nhiệm vụ quan trọng trong việc huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng hiện phải đối mặt với không ít khó khăn. Nền kinh tế thế giới chưa phục hồi sau khủng hoảng tài chính tiền tệ, lại thêm ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu, nguy cơ tái suy thoái kinh tế thế giới còn tiềm ẩn. Thị trường vốn trong nước có nhiều diễn biến không ổn định. Trong khi đó, nội tại hệ thống tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập, phải củng cố, kiện toàn thường xuyên năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành còn hạn chế sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, lợi nhuận chủ yếu mới chỉ từ hoạt động tín dụng.

Đó là chưa kể với một số lượng các tổ chức tín dụng không nhỏ, cùng với mạng lưới hoạt động chủ yếu tập trung tại khu vực thành thị đã và đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng, gây áp lực đến lợi nhuận, qua đó tạo sức ép buộc các tổ chức tín dụng “liều mình”, chấp nhận mức rủi ro cao, đe dọa đến an toàn hệ thống.

Phải làm đồng thời và có hệ thống

Trong bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ quan trọng nhất. “Nếu không kiên quyết tái cấu trúc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế…” - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa khẳng định như vậy.

Ông Nghĩa lý giải: Hiện nay, dù nợ xấu vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng theo thống kê chính thức từ một đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, con số này cũng đã lên tới khoảng 75.000 tỉ đồng, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn chiếm tới 47%. Rõ ràng, số nợ này sẽ trở thành gánh nặng lớn khi thực hiện tái cơ cấu bởi Nhà nước phải xóa nợ, xử lý dứt điểm để các ngân hàng tiến hành tổ chức lại hoạt động.

“Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải được làm trên cơ sở đảm bảo an toàn, không làm đổ vỡ hệ thống tín dụng, đảm bảo tính tự nguyện của bản thân ngân hàng đó. Ngoài ra, việc giải quyết phải theo một cơ chế, tiêu chí thống nhất nhằm đảm bảo hoạt động kiểm tra, kiểm soát sau này cũng như việc củng cố chúng mới có bài bản, đem lại sự phát triển bền vững…”.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm

Trước tình hình đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là chuyện “nước đã đến chân”, mà khái quát vấn đề chính là xuất phát từ ba yêu cầu. Một là, do chính bản thân của hệ thống ngân hàng đang có những vấn đề cần phải cơ cấu, sắp xếp lại. Thứ hai, do chủ trương chung của chúng ta đang thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại đầu tư công, tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn - tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chính là đòi hỏi chung phục vụ cho việc cơ cấu lại nền kinh tế. Yếu tố thứ ba, trong quá trình hội nhập, phát triển đi lên của đất nước, việc thay đổi, sắp lại là tất yếu để phù hợp với tình hình mới.

Tuy nhiên, tái cấu trúc thế nào là vấn đề không đơn giản. Theo các chuyên gia, ngay từ bây giờ, các tổ chức tín dụng cần hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng và tiến hành các biện pháp tái cấu trúc để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững. Hai là, không thể không tính đến giải pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng.

Bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề này, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cho rằng: Việc sắp xếp ở đây không thể chỉ sử dụng một biện pháp mà phải sử dụng nhiều biện pháp. Thí dụ như có thể sử dụng biện pháp hợp nhất các ngân hàng nhỏ lại, cho phép các ngân hàng này được kêu gọi cổ phần, liên doanh, liên kết với các ngân hàng nước ngoài để họ vào cùng chung tay quản lý, hoặc sáp nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn quốc doanh. “Thậm chí, ngân hàng yếu không thể tồn tại được thì phải giải thể, phá sản. Đó là những biện pháp mà chúng ta phải làm đồng thời kể cả cơ cấu lại dòng vốn, cơ cấu lại giữa nợ ngắn hạn và nợ dài hạn, giữa huy động ngắn hạn và dài hạn, kể cả cơ cấu lại lợi nhuận...” - ông Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.

Giữa những năm 1990, tại Việt Nam cũng đã chứng kiến các cuộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng thành công.

Đến nay, bắt tay vào “đại tu” là cần thiết, và việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thành công sẽ từng bước kiện toàn hệ thống các định chế tài chính Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày càng bền vững.

Quang Toàn - Đức Duy

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/can-bat-tay-ngay-vao-dai-tu-he-thong-ngan-hang-c1039n20111115181802500p0.htm