Cán bộ, công chức đi lễ chùa trong giờ hành chính: Xử lý nghiêm để giữ kỷ cương

Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam.

Thế nhưng, thời gian gần đây, việc lễ chùa hay tìm đến những chốn tâm linh đang có phần bị biến tướng do những quan niệm lệch lạc của không ít người, đáng buồn hơn trong đó có cả một bộ phận cán bộ, công chức. Trong khi các cơ quan, đơn vị bắt tay vào làm việc nghiêm túc ngay sau kỳ nghỉ Tết thì lại có những cán bộ, công chức vẫn bỏ bê nhiệm vụ, bớt xén công việc, “dùng chùa” giờ hành chính để ung dung du Xuân, cầu tài lộc.
“Dùng chùa” giờ hành chính
Ngay trong buổi giao ban đầu năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, các ngành bắt tay ngay vào công việc sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hoạt động bình thường tại mọi miền Tổ quốc, tranh thủ điều kiện thuận lợi của thời tiết ngay tại quý I này, không còn tinh thần “tháng Giêng là tháng ăn chơi". Thủ tướng nhấn mạnh: “Bất cứ cán bộ, công chức nào trong giờ hành chính mà đi lễ hội thì đều phải xử lý nghiêm. Bất cứ cơ quan nào dùng xe công để đi lễ hội đều phải xử lý nghiêm. Tôi đề nghị các đồng chí kiểm tra, giám sát và các cơ quan báo chí giám sát mạnh mẽ cái này”.

Tại TP Hà Nội, tinh thần ấy cũng được chỉ đạo quyết liệt. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các đơn vị kiểm tra, giám sát kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. TP nghiêm cấm cán bộ, công chức lấy xe công, bỏ nhiệm sở để đi lễ chùa trong giờ làm việc. TP giao Sở Nội vụ tổ chức đoàn kiểm tra công vụ kiểm tra việc thực hiện nền nếp làm việc tại các cơ quan công quyền trong những ngày đầu năm
Tuy nhiên, đáng buồn là vẫn có số ít cán bộ, công chức phớt lờ những chỉ đạo ấy, tạo nên hình ảnh xấu, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình là vụ cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu trực thuộc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã cùng nhau đi lễ chùa ở Hưng Yên vào giờ hành chính. Cùng thời điểm đó, khoảng 10 giờ sáng, cuộc gọi đến các số điện thoại phòng ban chuyên môn của Trung tâm trên đều không có người tiếp nhận. Cục Xúc tiến thương mại cũng đã xác nhận có việc Giám đốc Trung tâm, ông Bùi Quang Hưng, cùng một số viên chức và người lao động của Trung tâm đi lễ vào sáng ngày 7/2/2017 trong giờ làm việc.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra Quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Chủ tịch để xem xét, quyết định hình thức kỷ luật đối với công chức Bùi Quang Hưng. Đối với các viên chức và người lao động khác thuộc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu đã tham gia đi lễ trong giờ làm việc, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại, theo phân cấp quản lý cán bộ, thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, quyết định hình thức kỷ luật. Bộ trưởng cũng đã yêu cầu liên tịch Đảng ủy và lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại trong việc quản lý công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền và chức năng quản lý của mình.
Bài học không của riêng ai
Việc vào cuộc xử lý vi phạm một cách khẩn trương, nghiêm khắc của Bộ Công Thương là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, dư luận vẫn đang chờ một hình thức kỷ luật thích đáng với những người cố tình đi ngược lại chỉ đạo của cấp trên, ngang nhiên sử dụng giờ hành chính để tổ chức du Xuân, cầu tài, cầu lộc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ, công chức vì dân mà cả hệ thống chính trị đang nỗ lực gây dựng. Có như vậy kỷ cương mới được gìn giữ, thực hiện nghiêm minh. Đây cũng sẽ là bài học đối với cả những cán bộ, công chức có ý định trốn việc để mưu cầu lợi ích cá nhân. Hanh thông, tài lộc đâu chưa thấy mà đã bị kỷ luật và bêu tên trên công luận.
Trở lại ý nghĩa việc đi lễ chùa, cầu may đầu năm. Nhiều người đi lễ quan niệm giản lược rằng “trần sao, âm vậy”. Song nếu với quan niệm đó để mang mâm cao cỗ đầy đi lễ chùa, để vung tiền thật nhiều làm công đức, để rải tiền lẻ bừa bãi khắp nơi với hy vọng sẽ cầu được nhiều tài lộc, được nhanh thăng quan tiến chức chắc… không ổn. Dẫu trên dương gian vấn nạn hối lộ, tham nhũng vẫn nhức nhối, vẫn là quốc nạn chưa bị đẩy lùi, song chắc chắn không thể “hối lộ” được đấng thần linh mà còn phạm tội báng bổ, xúc phạm tới chốn tôn nghiêm. Thiết nghĩ, cùng với việc thành tâm, hành thiện, mỗi người hãy luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, chức trách được giao. Khi đó, “quan lộ” cũng tự nhiên sẽ mở đối với những ai có năng lực, luôn hết mình vì công việc chung.

Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: Làm nghiêm để răn đe

Phải nói rằng những năm gần đây, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ T.Ư đến các cấp, các ngành nên tình trạng cán bộ, công chức sử dụng xe công đi lễ chùa trong giờ hành chính đã bớt đi rất nhiều. Hầu hết mọi người đều đã nghiêm túc thực hiện, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên vừa rồi vẫn còn hiện tượng cán bộ bỏ việc để đi lễ, theo tôi phải xử lý thật nghiêm khắc. Bởi lẽ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các cấp đã có những chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Tôi tin là thủ trưởng các đơn vị có cán bộ sai phạm cũng sẽ xử lý nghiêm để răn đe, làm gương, tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị xem lại trách nhiệm của những người làm công tác quản lý. Bởi lẽ không có chuyện cán bộ dưới quyền mình đi đâu, làm gì mà không báo cáo, lãnh đạo cũng không biết.

Việc bỏ bê nhiệm vụ để đi lễ chùa là không thể chấp nhận
Tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi người. Đối với cán bộ, công chức cũng vậy, tuy nhiên cần phải thực hiện thế nào cho phù hợp. Nếu anh đi lễ ngoài giờ bằng phương tiện của mình, chắc sẽ chẳng ai có ý kiến gì cả. Ngược lại, anh được trả lương để làm việc mà lại bỏ bê nhiệm vụ để đi lễ chùa là việc không thể chấp nhận được. Thật đáng buồn khi thấy sau kỳ nghỉ Tết khá dài, chúng ta lại thấy ngay cảnh có công sở vắng hoe trong khi đền chùa đông nghịt. Trong khi các DN đã bắt tay vào sản xuất, kinh doanh, có sản phẩm, có doanh số cụ thể thì một số “cầu nối”, nơi “tháo gỡ vướng mắc” vẫn đủng đỉnh du Xuân. Nếu chỗ nào cũng vẫn giữ tinh thần “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” thì việc chúng ta cứ giậm chân tại chỗ cũng là điều dễ hiểu.

Ông Phạm Tiến Giang, phường Láng Hạ, Đống Đa

Cán bộ, công chức phải thật gương mẫu
Một hiện tượng xuất hiện những năm gần đây khiến dư luận quan tâm, đó là phát ấn đầu năm. Trước kia, người ta chủ yếu biết đến phát ấn ở Đền Trần (Nam Định), nay sự việc này đã “lan” ra nhiều địa phương, đó là: Đền thờ vua Quang Trung (Nghệ An), đền Linh Từ (Tràng Kênh, Hải Phòng)… Người đi xin ấn chủ yếu cầu “thăng quan tiến chức”, mà tôi nghĩ phần đông trong đó là cán bộ làm mất đi ý nghĩa nguyên gốc của nó, chỉ là nghi lễ mở đầu công việc đầu năm.
Việc chen lấn, xô đẩy, tranh cướp ấn không chỉ ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự, mà còn có nguy cơ dẫn đến bùng nổ thị trường kinh doanh tâm linh, do nhiều người muốn có ấn bằng được đã phải đi… mua lại ấn. Những hình ảnh như thế cần phải chấn chỉnh nghiêm khắc, mà cán bộ, công chức sẽ phải gương mẫu thực hiện.

Nguyễn Quỳnh Anh, phường Dương Nội, Hà Đông

Hà Minh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-bo-cong-chuc-di-le-chua-trong-gio-hanh-chinh-xu-ly-nghiem-de-giu-ky-cuong-279975.html