Cần bỏ quy định có hộ khẩu mới được thi công chức

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm ngày 17.2, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh - kiến nghị: Thành phố cần bỏ quy định về hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức, người lao động. Không phân biệt chính sách hộ khẩu.

Không chỉ bắt buộc trong hồ sơ thi công chức, hộ khẩu còn là thủ tục buộc phải có trong nhiều hoạt động hành chính. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Luật không quy định

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, TPHCM đã có chính sách mời gọi Việt kiều về nước để tham gia đóng góp với mức lương cao, thậm chí còn trả mức lương rất cao để thuê chuyên gia nước ngoài. Vậy hà cớ gì chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong cùng đất nước mà chúng ta lại đưa ra chính sách hộ khẩu để xét duyệt?

Liên quan đến việc trên, chiều 20.2, PV Báo Lao Động đã liên lạc với Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Duy Thăng (phụ trách các lĩnh vực: Quản lý đội ngũ công chức, viên chức; công tác tổ chức, biên chế; công tác pháp chế…) để tìm hiểu quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề này. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đã trả lời ngắn gọn: “Cứ căn cứ các quy định tuyển dụng công chức, viên chức của luật”. Theo chỉ dẫn của Thứ trưởng Thăng, PV đã mở các luật: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các nghị định liên quan thì không tìm thấy quy định nào liên quan đến việc người tuyển dụng phải có hộ khẩu thường trú ở địa phương được tuyển dụng.

Cụ thể theo Luật Cán bộ, công chức, Điều 36 quy định về “Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức”, khoản 1 quy định: “Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển”. Luật Viên chức cũng có các quy định tương tự và cũng không có quy định nào đòi hỏi phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương được tuyển dụng.

“Đóng cửa” với người tài

Ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho biết: Hiện nay Luật Công chức, Luật Viên chức không quy định cụ thể khi tuyển dụng công chức vào cơ quan nhà nước ở địa phương nào thì phải có hộ khẩu tại địa phương đó, mà Luật Công chức chỉ quy định công dân có quốc tịch Việt Nam, có đủ điều kiện, trình độ thì được tham gia thi tuyển công chức. Trước đây, tại một số địa phương như Hà Nội và TPHCM quy định khi người nào tham gia thi tuyển công chức vào các cơ quan nhà nước của các địa phương này thì phải có hộ khẩu ở địa phương đó. Lý do theo tôi có thể các địa phương quy định như vậy để hạn chế việc người dân các tỉnh lân cận đổ về các địa phương này quá đông. Quy định này tôi thấy rằng nó làm hạn chế quyền tự do tham gia thi của người dân và rõ ràng nó cũng hạn chế sự tham gia của những người thực sự có tài muốn về làm việc tại những địa phương xứng tầm với tài năng của họ.

Theo ông Bùi Văn Xuyền, việc TPHCM kiến nghị bỏ quy định phải có hộ khẩu ở TP khi tham gia thi tuyển công chức tôi cho là phù hợp và cần thiết. Vấn đề quan trọng hơn cả theo tôi đó là cần minh bạch và công khai việc tổ chức thi, tuyển công chức như vậy mới thu hút được người có thực tài tham gia thi tuyển.

Ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng: “Cần công khai việc tổ chức thi, tuyển công chức”. Ảnh: XUÂN HẢI

Thi tuyển công chức phải công khai, minh bạch

Ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng - cho biết: Để thu hút người có tài tham gia vào các cơ quan nhà nước ở trung ương nói chung và các địa phương nói riêng, tôi cho rằng vấn đề quan trọng hơn cả đó là cần công khai việc tổ chức thi, tuyển công chức để những người có tài của địa phương cùng được tham gia thi tuyển. Tôi cho rằng địa phương nào cũng có nhiều người tài, quan trọng là cơ chế tuyển dụng, thi tuyển công chức của các địa phương phải thông thoáng, công khai và minh bạch, không có tiêu cực thì người dân mới hưởng ứng và tham gia thi tuyển một cách tích cực. Vì “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” nên ở địa phương nào cũng rất cần, do vậy việc thi tuyển công chức quan trọng hơn cả là phải công khai minh bạch, đó mới là mấu chốt của vấn đề.

Có thể thấy việc Sở Nội vụ TPHCM và một số địa phương đặt ra quy định người được tuyển dụng làm công chức, viên chức phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương là một quy định không có căn cứ pháp luật, một dạng “giấy phép con” cản trở việc tuyển dụng, thu hút người tài vào các vị trí làm việc của các cơ quan chính quyền địa phương.

XUÂN HẢI - HOÀI NAM

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/can-bo-quy-dinh-co-ho-khau-moi-duoc-thi-cong-chuc-639999.bld