Cán bộ yếu kém từ chức: Ba người tự nguyện năm 2016

Trong năm 2016, chỉ có 1 Phó Giám đốc Sở và 2 Chủ tịch xã từ chức dù vấn đề văn hóa từ chức đã được nhắc đến nhiều lần.

Khởi xướng văn hóa từ chức

Năm 2016, câu chuyện “văn hóa từ chức” của các cán bộ công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần và nhận được sự quan tâm của dư luận. Ngay từ đầu năm, nhiều Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị các cán bộ công chức, viên chức thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, sẵn sàng từ chức khi không hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 sáng 2/11, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực UB Tài chính - Ngân sách của QH đã đề nghị Chính phủ khởi xướng văn hóa từ chức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chất vấn đề vấn đề văn hóa từ chức của cán bộ.

“Đề nghị Chính phủ khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài”, ông Vân nhấn mạnh.

Ông Vân cho rằng, phải tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch để thi tuyển, lựa chọn cán bộ, công chức, tìm ra người có năng lực phẩm chất thực sự; lựa chọn hiện tài phải thực tâm, chí thành.

Không lâu sau đó, Chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2016 ngày 28/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các biện pháp thực hiện lời hứa trước Quốc hội với tinh thần lời nói phải đi đôi với hành động.

“Có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”, Thủ tướng chất vấn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Có văn hóa từ chức không?”

1 Phó Giám đốc Sở, 2 Chủ tịch xã từ chức

Dù nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ tới đông đảo tầng lớp nhân dân, nhưng trong năm 2016, chỉ có tất cả 3 trường hợp cán bộ nhà nước xin từ chức.

Trường hợp đầu tiên là ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình.

Hồi tháng 3/2016, ông Thái đã gửi đơn lên Sở NN&PTNT, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình xin từ chức với lý do sinh con thứ 3.

Trong đơn trình bày, ông Thái cho biết bản thân tự nhận thức mình chưa chấp hành tốt cương vị là một người lãnh đạo. Bởi vậy ông đã chủ động gửi đơn lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình xin từ chức nhằm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ.

Trường hợp tiếp theo là ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã Ayun (huyện Mang Yang, Gia Lai) đã có đơn xin thôi việc ngày 17/10 do để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình điều hành.

Ông Bùi Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tam An trao đổi với phóng viên Báo Đất Việt sáng ngày 14/12 về việc xin thôi chức vụ của mình.

Tuy nhiên chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Như Phi - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang đã không chấp nhận việc trên.

Theo ông Phi, vì ông Lộc đã để xảy ra vi phạm thì phải xử lý chứ không từ chức được. Ngoài ra, ông Lộc vừa tốt nghiệp Đại học Hành chính. Lớp này do nhà nước bỏ tiền đào tạo, ông Lộc muốn nghỉ việc phải đền bù khoản tiền này cho nhà nước.

Trường hợp thứ ba là lá đơn của ông Bùi Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tam An ( Huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Ông Toàn xin nghỉ làm chức Chủ tịch UBND xã với lý do áp lực công việc.

Ông Toàn chia sẻ, có hai việc mà ông cảm thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ được người dân giao đó là tồn tại, vi phạm đất đai trong nhiệm kỳ cũ để lại khi đó còn là thị xã Tam Kỳ (nay chia tách thành TP Tam Kỳ và huyện Phú Ninh). Thứ hai là nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới về phần nguồn vốn của xã hơn 5 tỷ đồng.

Táo quân 2016: Mình Thiên Lôi từ chức

Táo quân 2016 đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả với điểm nhấn là phần “vòng quay tham nhũng”.

Đứng trước vòng quay kỳ diệu ấy, không có Táo nào dám nhận mình tham nhũng. Nếu không may Táo nào quay được vào ô tham nhũng thì họ cũng tìm mọi cách để “đổi vận”.

Hay lý luận theo cách lấm liếm của Táo xã hội: “Tham nhũng mới chỉ dừng ở biển hiệu chứ chưa có biểu hiện”.

Sau nhiều lần hô hào, vòng quay kỳ diệu đã không thể tìm thấy ai tham nhũng.

Trong khi các táo đều mừng thầm vì thoát nạn thì Thiên Lôi, một vị quan nhỏ, giữ vị trí gác cổng trên thiên đình bỗng liều lĩnh, xông vào giữa buổi chầu, dâng tấu xin từ chức vì biết mình đã tham nhũng.

“Các quan ở hạ giới mỗi khi lên thiên đình gặp Ngọc Hoàng, đều phải đi qua cửa của thần. Mỗi lần như vậy, họ đều dúi cho thần những cái phong bì.

Những lần đầu thần nhận cứ nghĩ đó chỉ là những món quà tình cảm, nhưng lâu dần thành quen. Đến khi không có thì thần cảm thấy khó chịu và những lần sau khi không có phong bì thần lại gây khó dễ để vòi vĩnh.

Rồi thần trở thành kẻ tham nhũng lúc nào không hay. Nay thần thấy xấu hổ và tự nhận thấy mình không còn xứng đáng ở vị trí này nữa. Thần xin từ chức”, Thiên lôi thú tội.

Hoàng Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/can-bo-yeu-kem-tu-chuc-ba-nguoi-tu-nguyen-nam-2016-3326298/