Gia đình tứ đại đồng đường thời nay - có tồn tại thứ 'hạnh phúc thích nghi'?

Số lượng gia đình tứ đại đồng đường còn lại đếm trên đầu ngón tay. Và cũng không thể chối bỏ những phiền toái, bất tiện, mâu thuẫn khi có quá nhiều người cùng sinh hoạt trong một không gian. Vậy, đó hạnh phúc thực sự của họ hay là thứ 'hạnhhạnh phúc thích nghi'?

Để trả lời câu hỏi cho bài viết cuối cùng của đề tài gia đình "tứ đại đồng đường" thời nay, chúng tôi gặp thêm một mô hình sống đặc biệt này của người Việt. Đó là gia đình tứ đại đồng đường của cụ Lê Tiến Bồng ở phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội). Gần 100 năm qua, dù đi đâu, các thành viên vẫn coi gia đình là bến đỗ yên bình nhất. Mỗi thành viên có ý thức tiếp thu văn hóa mới tiên tiến, duy trì văn hóa truyền thống để xây dựng nếp nhà văn minh hơn.

Tìm hiểu văn hóa qua ti vi

Nay, ông Lê Tiến Bồng và bà Nguyễn Thị Nhàn (vợ ông) chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng ông bà vẫn cầm lái con tàu hạnh phúc của gia đình tứ đại đồng đường. Cả hai đã gần 90 tuổi.

Ông Lê Tiến Bồng xuất thân là người Hà Tây (cũ), thời trai trẻ gặp gỡ và đem lòng yêu bà Nhàn khi đó là một thiếu nữ nhan sắc xuân ngời. Và rồi, tình yêu của họ cũng đâm hoa kết trái, bỏ ngoài tai những lời không hay của xóm làng ông Bồng quyết định về ở rể nhà họ Nguyễn.

Một số thành viên của gia đình ông Lê Tiến Bồng (ảnh gia đình cung cấp).

Một số thành viên của gia đình ông Lê Tiến Bồng (ảnh gia đình cung cấp).

Từ ngày "góp gạo thổi cơm chung", hai ông bà sinh sống trong ngôi nhà mái ngói ba gian của bố mẹ bà Nhàn để lại. Đến nay, tuổi thọ của ngôi nhà đã gần 90 năm và vẫn kiến cố, trời mưa không bị dột. Ông bà sinh hạ được 5 người con, 3 trai, 2 gái.

Chúng tôi tìm đến nhà bà đúng lúc ông Bồng phải đi họp ở phường. Bà Nhàn ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Theo thời gian, xã hội đổi thay, kinh tế phát triển, kèm theo đó tư tưởng văn hóa của mỗi thời một khác. Để hòa hợp văn hóa giữa các thế hệ, các thành viên ở gia đình tứ đại đồng đường này luôn lắng nghe, học hỏi, để cân bằng văn hóa.

Bà Nhàn giải thích, văn hóa ở đây là văn hóa gia đình, là cách ứng xử của các thành viên với nhau, ăn mặc, đi đứng, cách cư xử với bà con lối xóm…

Những bức ảnh gia đình từ thời xưa được các thành viên lưu giữ (ảnh gia đình cung cấp).

Thời trẻ bà Nhàn là một thanh niên năng động, tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của khu xóm. Bà kể: “Thời xưa, ban ngày chúng tôi giúp bố mẹ việc nhà, muốn tập văn nghệ thì tranh thủ buổi tối. Bố mẹ tôi nghiêm lắm, quy định cứ 9h tối con gái phải về nhà. Nếu về muộn bị coi là hư hỏng, mất nết cho dù có lí do gì đi nữa.

Nhiều khi, cả đội đang tập văn nghệ dở nhưng tôi xin về trước ánh mắt ái ngại của bao người. Dần dần họ cũng hiểu nguyên tắc của gia đình tôi mà thông cảm”.

Mặc dù hồi xưa được giáo dục nghiêm khắc là vậy nhưng đến thời mình dạy con, bà biến đổi, tiếp thu cách giáo dục mới, không hà khắc về giờ giấc, luôn tạo điều kiện cho con cai giao lưu với bên ngoài.

Mấy mươi năm nuôi dạy, bà chưa bao giờ quát mắng, đánh đập mà chỉ ân cần chỉ dạy. Bà dạy con dâu nói chuyện với hàng xóm không gọi mẹ chồng là “bà ấy, bà nó” mà gọi là bà Nhàn hay bà nội nó. Bà giải thích vì xưng hô bà ấy, tạo cho người nghe cảm giác xa lạ, gọi bà nội nó nghe thân thiết hơn.

Bà Nguyễn Thị Nhàn thời trẻ (ảnh gia đình cung cấp).

Bà góp ý con cái từ cách ăn mặc. Bà kể, mỗi lần con dâu, con gái bà mặc váy ngoài việc đứng trước gương ngắm ngiá thì đều hỏi ý kiến của bà. Theo quan niệm của bà, con gái phải ăn mặc thanh lịch, hợp với hoàn cảnh.

Bản thân bà, khi đi chùa bà mặc áo dài bởi lịch sự và trang nghiêm. Bà dạy con cháu không mặc váy khi đi chùa, một là mặc quân âu kết hợp áo sơ mi hoặc mặc quần áo phật tử.

Mặc dù mỗi thời một khác nhưng ở gia đình bà không có sự mâu thuẫn về văn hóa. Kỳ lạ thay, bà Nhàn, ông Bồng am hiểu cả K-Pop, đọc vanh vách các nhân vật trong phim “Cô dâu 8 tuổi”. Bà giải thích cho chúng tôi tính nhân văn của bộ phim, điểm nào nên học, nên tránh. Qua mỗi bộ phim mình theo dõi, nhiều tình huống trong phim bà ứng dụng, lấy ví dụ để dạy bảo con cháu.

Học hỏi bà con lối xóm

Để xây dựng nế nhà văn minh mỗi thành viên trong nhà đều có ý thức tiếp thu những cái mới tiên tiến, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Nhiều khi ông Bồng bà Nhàn có những quan niệm khắt khe về cách ăn mặc, đầu tóc.

Trước kia, bà Nhàn có ý không muốn các con gái nhuộm tóc. Trước tình huống đó, các thành viên lựa lời giải thích cho bà hiểu không phải nhuộm tóc là ăn chơi, hư hỏng mà là làm đẹp. Và rồi bà cũng hiểu và nhận thấy con mình nhuộm tóc đẹp lên chứ không phải kiểu ăn chơi "nửa mùa".

Căn nhà cấp bốn của ông Lê Tiến Bồng và và Lê Thị Nhàn. Ảnh: Ngọc Thi

Còn cháu, chắt bà Nhàn cũng có cách dạy dỗ riêng, tôn trọng cách vui chơi của thế hệ trẻ. “Mỗi thời một khác, hồi xưa chúng tôi làm gì có sinh nhật, làm gì biết đến quán bar. Bây giờ, lớp trẻ thường tụ họp vui chơi ở đó. Bản thân tôi không coi điều đó là xấu nhưng luôn dặn con cháu học những cái hay, không tha hóa, không để các phần tử xấu dụ dỗ”, bà Nhàn tâm sự.

Là người lái con thuyền hạnh phúc của gia đình, bà Nhàn quan sát, học hỏi cách giáo dục con cái của bà con trong xóm. Nhận thấy cách dạy nào hiệu quả bà tiếp thu, còn những trường hợp phản tác dụng thì tránh.

Bà Lê Thị Nhàn. Ảnh: Ngọc Thi

Mỗi khi rảnh rỗi, mấy ông bà trong khu xóm ngồi lại với nhau, ngoài việc tâm tình giải sầu thì họ còn chia sẻ nhau về gia đình. Những câu chuyện mâu thuẫn giữa mẹ chồng với nàng dâu cũng được đem ra bàn luận, họ phân tích lỗi sai của từng người rồi tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Vốn nổi tiếng là gia đình chung sống hòa thuận lâu năm, nhận được sự tín nhiệm của bà con hàng xóm nên bà Nhàn luôn là người đi đầu trong việc phân tích những lỗi của hai bên. Phân tích xong bà đem ra lời khuyên để hàn gắn tình cảm.

Dù vậy, bà vẫn khiêm tốn cho biết: “Chính nghe những câu chuyện nhà của bà con lối xóm giúp tôi học được nhiều điều. Tôi tránh những sai lầm trong cách dạy dỗ con cái của họ, tìm ra những phương pháp phù hợp hơn. Để nói hạnh phúc thì tôi không dám khẳng định nhưng về cơ bản chúng tôi không có cãi vã”.

Bà bảo, nhiều người khuyên nên cho con cái ra ở riêng cho đỡ chật chội nhưng cứ nghĩ thời các cụ sống được thì không lẽ nào mình lại không. Hơn nữa, các thành viên trước giờ đã quen với không gian sinh hoạt này nên không thấy vấn đề gì..

Chiếc quạt cổ có tuổi thọ mấy chục năm hiện vẫn được gia đình sử dụng. Ảnh: Ngọc Thi

Đến nay, gia đình tứ đại đồng đường có gần 20 thành viên, về thành tích học tập thì không được coi là xuất chúng nhưng văn hóa ứng xử của họ với nhau, với bà con hàng xóm khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.

Hạnh phúc thích nghi?

Gia đình là môi trường sống đầu tiên của mỗi người, ngày xưa để tạo dựng một gia đình ông cha ta tạo ra nhiều quy chuẩn. Bàn về mô hình gia đình tứ đại đồng đường, PGS.TS Phạm Ngọc Trung –Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: “Sự chuyển đổi của gia đình từ truyền thống sang hiện đại là tất yếu. Về cơ bản, ở thành phố lớn, nhà cửa diện tích có hạn nên mô hình gia đình tứ đại đồng đường không còn phù hợp.

Cuộc sống chật chội từ chỗ ăn, chỗ ngủ đem lại khổ sở cho các thành viên. Có thể họ từ trước đến nay đều sống vậy nên thành thói quen. Bản thân tôi nhìn vào thấy rất bất tiện.Tôi cho rằng là thứ "hạnh phúc thích ngh"i chứ không phải hạnh phúc thật sự, để hòa thuận các thành viên phải rất cố gắng dung hòa. Ở quê đất đai, nhà cửa rộng rãi thì nên duy trì mô hình này”.

Tuy nhiên, bản thân mỗi gia đình Việt hiện đại không nên lãng quên những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống. Mỗi người nên ý thức việc xây dựng gia đình hiện đại trong truyền thống.

“Những ai không nhận thức được các giá trị của gia đình truyền thống thì chắc chắn hạnh phúc khó có thể lưu lại trong gia đình của họ. Chúng ta phải cố gắng hài hòa cả hai”, ông cho hay.

Không đồng ý với quan điểm này, một nhà nghiên cứu văn hóa (xin giấu tên) cho rằng "hạnh phúc thật sự" tồn tại thực sự trong không ít gia đình tứ đại đồng đường. Nhiều trường hợp chấp nhận sống chung không vì khó khăn kinh tế, nên khó gọi đó là thứ "hạnh phúc thích nghi". Tuy nhiên, nhìn tổng thể, chuyên gia này phản đối việc duy trì việc sống chung quá nhiều người dưới một mái nhà.

"Quyền riêng tư, không gian sống riêng, môi trường tự lập là các giá trị căn bản của con người văn minh, hiện đại. Điều đó khó tồn tại ở những căn phòng chật hẹp, nơi mà người này nghe được tiếng thở trên giường ngủ người khác, tiếng nước trong nhà vệ sinh người khác, dù họ có là ruột thịt", ông nhận định.

Ngọc Thi/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/gia-dinh-tu-dai-dong-duong-thoi-nay-co-ton-tai-thu-hanh-phuc-thich-nghi-20160420104436283.htm