Cần có cơ quan định giá đất độc lập

(HNM) - Ngày 29-11 tới, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Điều mà người dân mong muốn, luật mới phải là "cây gậy" pháp lý thay đổi toàn diện và triệt để cơ chế định giá đất thu hồi hiện nay, nhằm giảm khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này.

Còn tình trạng định giá tùy tiện

Để có cơ sở vững chắc cho nhận định trên, Tổ chức Liên minh đất đai (LanDa) đã tham vấn cộng đồng (9.492 người) về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Điểm đáng chú ý trong kết quả tham vấn (từ tháng 11-2012 đến tháng 9-2013) cho thấy, đa số người dân tại 4 tỉnh Hòa Bình, Long An, Quảng Bình, Yên Bái và bạn đọc một số báo điện tử đều cho rằng: UBND tỉnh vừa có quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có quyền định giá đất là nguyên nhân chính làm cho giá đất được quyết định thiếu khách quan.

Chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần có sự cân nhắc kỹ, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất thuộc diện phải thu hồi. Ảnh: Linh Ngọc

Điển hình tại phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình - nơi triển khai nhiều dự án, ông Võ Văn Định, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang phản ánh: Giá đền bù đất sản xuất nông nghiệp theo quy định của tỉnh là 65.000 đồng/m2 cho đất loại 1 và 55.000 đồng/m2 cho đất loại 2. Mức đền bù này quá thấp, không đủ để người dân trang trải cuộc sống, chênh lệch rất lớn so với giá trị hoa màu người dân thu được trên đất, song lại được áp dụng suốt từ năm 2009 đến nay, trong khi đó giá cả các mặt hàng thiết yếu đã tăng từ 2 đến 4 lần.

Không riêng gì tỉnh Hòa Bình, tại tỉnh Yên Bái, sự thiếu minh bạch trong định giá đất đã nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền địa phương. Ông Lưu Ngọc Minh, thôn Bản Lọng, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) phản ánh: Trong dự án mở rộng đường 32, gia đình ông và nhiều nhà khác được thông báo thu hồi đất. Giá đền bù áp dụng ban đầu là 160.000 đồng/m2 nhưng bà con không chấp thuận. Sau đó một thời gian, huyện mời các hộ dân lên giải quyết, đề xuất các mức giá mới, lần lượt là 300.000 đồng/m2, 600.000 đồng/m2, người dân vẫn không chấp thuận. Quá bức xúc vì huyện áp giá tùy tiện, người dân "kêu" lên tỉnh thì lại được huyện đề nghị mức cao hơn: 800.000 đồng/m2. Dẫu vậy, mức giá này vẫn thấp hơn giá đất thị trường (1.875.000 đồng/m2).

Phải bảo đảm hài hòa các lợi ích

Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch LanDa cho biết, kết quả khảo sát tại các địa phương đều phản ánh thực tế định giá đất chưa hợp lý chính là nguyên nhân dẫn tới những bức xúc, khiếu kiện kéo dài của người dân. Đặc biệt, việc thu hồi đất nông nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân nông thôn. Những người bị thu hồi đất, trong độ tuổi lao động còn dễ chuyển đổi nghề nghiệp, với những người qua tuổi lao động sẽ gặp khó khăn trong mưu sinh.

Trên thực tế, đã có hàng chục hội thảo của Bộ Tài nguyên - Môi trường được tổ chức nhằm tìm giải pháp tháo gỡ bất cập trên. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ nhận định, cơ chế định giá đất hiện nay có một số bất cập. Nhược điểm lớn nhất là chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định trình tự thủ tục quyết định giá đất. Chính vì vậy, mỗi địa phương cấp tỉnh lại đưa ra một quy trình riêng. Có nơi quyết định giá đất đền bù thấp để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và giảm kinh phí trong bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng cơ quan chức năng lại chưa có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất. Theo ông Đặng Hùng Võ, giá đất đền bù hợp lý cần hiểu một cách đơn giản là đem tiền đền bù mua được thửa đất với diện tích tương tự tại vị trí có điều kiện phát triển tương tự. Để bảo đảm tính chặt chẽ, pháp luật nhiều nước không dùng cụm từ "bồi thường theo giá đất phù hợp thị trường" mà dùng cụm từ "bồi thường theo giá trị tương đương".

Tại cuộc họp thu thập ý kiến các sở, ngành về những vấn đề dân sinh bức xúc và hướng kiến nghị Quốc hội chỉnh sửa, khắc phục bằng cơ chế, chính sách cụ thể do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức trước khi diễn ra kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII vài ngày, đại diện các cơ quan tham dự cũng đưa ra những nhận định tương tự. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, chỉ khi nào cơ chế đền bù đất tạo cho người dân được nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì mới đáp ứng được nguyện vọng người dân, hạn chế được khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài trong lĩnh vực này. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thiết có cơ quan định giá đất độc lập. Việc Quốc hội quyết định lùi biểu quyết Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đến 29-11-2013 là để người dân và các ban, ngành có thêm ý kiến; cơ quan soạn thảo có thêm thời gian cân nhắc thấu đáo việc chỉnh lý sao cho có lợi nhất cho người dân, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất thuộc diện phải thu hồi.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/635696/can-co-co-quan-dinh-gia-dat-doc-lap-