Cần có khu công nghiệp thuộc da chuyên ngành

Đó là ý kiến được đưa ra tại “Hội nghị phát triển ngành công nghiệp thuộc da Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Trong khu công nghiệp thuộc da cần có hệ thống xử lý nước thải

CôngThương - Cơ hội lớn

Tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định, ngành công nghiệp da giày và túi xách Việt Nam đang là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn, chiếm tới hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Với hơn 500 doanh nghiệp sản xuất da giày và túi xách đang hoạt động, ngành đã tạo việc làm cho hơn 600 nghìn lao động và hơn 500 nghìn lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhận định, việc Việt Nam đang tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng chính là cơ hội lớn phát triển các ngành công nghiệp da giày. Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập thương mại quốc tế sâu rộng và khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu của toàn ngành da giày đã lên đến 60%, thì đây sẽ là cánh cửa lớn cho doanh nghiệp để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, bởi xu hướng dịch chuyển các cứ điểm sản xuất, các đơn hàng của nhiều tập đoàn lớn thế giới từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam, đang ngày càng gia tăng.

Việc xây dựng khu công nghiệp là ý kiến được nhiều doanh nghiệp đưa ra với mong muốn được tập trung sản xuất, đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu và nâng cao giá trị sản phẩm, tạo hành trang vững cho hội nhập kinh tế quốc tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm thách thức, doanh nghiệp muốn tận dụng hiệu quả cao nhất từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu. Ngoài ra, ngành da giày mặc dù được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn, đơn hàng xuất khẩu sẽ gia tăng nhưng giày dép xuất khẩu vào các thị trường, nhất là EU hay Hoa Kỳ đều yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân- Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam -cho hay, ngành công nghiệp giày dép trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng từ 10- 15%. Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng đồ da tại các thị trường nhập khẩu ngày càng gia tăng. Trong đó, túi cặp làm từ da đang không ngừng phát triển, bên cạnh đó là xu thế thay thế đồ nội thất bằng gỗ sang sử dụng da thuộc đang có trào lưu tăng mạnh làm nhu cầu da thuộc thêm phát triển.

Thế nhưng hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuộc da hầu hết chỉ hoạt động nhỏ lẻ và manh mún, nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. “Nếu không được đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất da thuộc thì năng lực sản xuất da thuộc trong nước đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm xuống”, bà Xuân nhấn mạnh.

Để phát triển ngành công nghiệp này, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam đưa ra khuyến cáo, cần thực hiện nghiêm túc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp da giày đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo hướng tập trung phát triển ngành công nghiệp thuộc da với công nghệ thân thiện môi trường, phối hợp với các địa phương thiết lập khu công nghiệp chuyên ngành, tập trung các doanh nghiệp thuộc da vào một nơi để đồng bộ hệ thống xử lý nước thải chuyên ngành nhằm giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Nguyễn Hường

Trong khu công nghiệp thuộc da cần có hệ thống xử lý nước thải

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/cong-nghiep/50584/can-co-khu-cong-nghiep-thuoc-da-chuyen-nganh.htm