Cần có sự phối hợp để ngăn chặn 'sa tặc' ở thượng nguồn sông Yên

Thượng nguồn sông Yên, đoạn giáp ranh 3 xã: Điện Tiến (TX Điện Bàn, Quảng Nam), Đại Hiệp (H. Đại Lộc, Quảng Nam) và Hòa Khương (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) lâu nay là "điểm nóng" về tình trạng khai thác cát trái phép. Mặc dù chính quyền các địa phương trên đã nhiều lần ra quân đẩy đuổi nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để vấn nạn "sa tặc". Bức xúc trước thực trạng này, nhiều người dân địa phương ra sát sông ngăn chặn thì bị những người khai thác cát đe dọa "ăn thua đủ" nên bà con đành chịu thua... Ông Bảy Xuân (Phú Mỹ, xã Đại Hiệp) phân bua: "Không chỉ người dân "bất lực" mà chính quyền cũng "bó tay". Rõ ràng việc khai thác cát trái phép là vi phạm pháp luật. Cùng một hệ thống pháp luật, một bộ máy chính quyền nhưng tại sao việc khai thác cát trái phép trên sông Túy Loan, vùng hạ nguồn sông Yên được H. Hòa Vang ngăn chặn hiệu quả"...

Được biết, hiện dọc tuyến sông này có 4 đề-pô cát, cụ thể ở xã Đại Hiệp có 2 đề-pô, Điện Tiến có 1 đề-pô, Ba-ra An Trạch (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) có 1 đề-pô. Mới đây nhất, lúc 21 giờ 45 ngày 26-2, lực lượng chức năng xã Điện Tiến (TX Điện Bàn, Quảng Nam) bắt quả tang thuyền của ông Huỳnh Văn Ngọc (trú xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc, Quảng Nam) hút khoảng 25m3 cát trái phép trên sông Yên (đoạn qua thôn Diệm Sơn, xã Điện Tiến). Ông Ngọc khai nhận, sau khi bơm cát đầy phương tiện thì chở xuống đề-pô Ba ra An Trạch (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) bán với giá 14.000 đồng/m3...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, các địa phương đều cho rằng, hệ lụy từ việc khai thác cát trái phép trên sông thời gian qua là rất rõ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, làm xâm thực đến đất sản xuất của người dân. Do địa bàn khai thác cát ở vùng giáp ranh rộng, nên cấm chỗ này thì các phương tiện vi phạm lại chạy sang chỗ khác. Mặt khác, thẩm quyền của cấp xã chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, nên không có biện pháp răn đe hiệu quả. Thiết nghĩ, để ngăn chặn vấn nạn "sa tặc" ở thượng nguồn sông Yên, chính quyền các xã nói trên cần phối hợp đồng bộ, có sự chỉ đạo trực tiếp của các ban ngành liên quan thì kết quả cao hơn. Còn cứ để cho mỗi xã tự bảo vệ tài nguyên của mình thì chẳng khác gì... "đuổi gà qua đám giỗ".

An Dương

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_162376_ca-n-co-su-pho-i-ho-p-de-ngan-cha-n-sa-ta-c-o-thuo.aspx