Căn cứ Hà Nội cấm xe máy nội đô: Chưa thỏa đáng!

Theo Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội, nếu muốn cấm xe máy hoạt động trong các quận nội thành thì phải sửa luật.

Phạm luật?

Tại hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về tăng cường quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đã đặt ra câu hỏi về căn cứ pháp lý để Hà Nội dừng lưu hành xe máy cũ nát và đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động tại các quận nội thành.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, về căn cứ cấm xe máy tại khu vực nội thành vào năm 2030, thẩm quyền tổ chức giao thông là của Chủ tịch UBND TP Hà Nội theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật giao thông đường bộ.

Cảnh ùn tắc trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Giao thông

“Việc cho đi ở tuyến phố nào, khu vực nào, đi vào thời điểm nào… là thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Nên việc chúng ta dừng hoạt động của xe máy ở trong các quận nội thành là phù hợp với quy định pháp luật, là thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND TP”, ông Viện nói.

Tuy nhiên, ngày 19/6, trao đổi với Đất Việt, LS Nguyễn Hồng Tuyến khẳng định ông không đồng tình với câu trả lời của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội và những căn cứ pháp lý mà ông Vũ Văn Viện đưa ra là chưa thỏa đáng.

Cụ thể, căn cứ Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đưa ra mới chỉ đứng ở góc độ quản lý về giao thông, còn góc độ liên quan đến quyền sở hữu thì chưa được đề cập.

"Theo dự thảo Nghị quyết, sẽ thu hồi xe máy cũ nát, xe không đảm bảo chất lượng môi trường. Tuy nhiên, nếu xe thuộc sở hữu tư nhân thì làm sao có thể thu hồi được? Căn cứ pháp lý nào để thu hồi?

Mặt khác, đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành tức là dự thảo Nghị quyết đã hạn chế một quyền trong quyền sở hữu của công dân.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu có 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Anh muốn cho tôi mua xe máy nhưng lại không cho tôi đi ra đường, như thế là hạn chế quyền sử dụng. Căn cứ pháp lý ở đâu để hạn chế?

Theo quy định của Hiến pháp, chỉ có luật mới hạn chế được quyền con người, quyền công dân, còn văn bản dưới luật không thể hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Tuy nhiên, rất tiếc vào hôm phản biện, người ta nói nội dung hội nghị chỉ xoay quanh vấn đề quản lý giao thông nên tôi không thể tranh luận thêm, đi đến tận cùng của sự việc", LS Nguyễn Hồng Tuyến nói.

Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội nhấn mạnh, nếu Hà Nội muốn cấm xe máy thì phải có một phương án thay thế cho phù hợp.

Đặc biệt, nếu muốn hạn chế quyền thì phải sửa luật.

"Chẳng hạn, trong Luật Giao thông đường bộ có thể quy định về việc thu hồi hoặc việc hạn chế quyền, còn nghị quyết của HĐND làm sao có thể quy định những nội dung đó?

Những cái gì liên quan đến quyền con người, quyền công dân phải là luật mới có thể hạn chế, còn các văn bản dưới luật theo quy định của Hiến pháp thì không được hạn chế.

Chính vì thế, để theo quy trình này phải kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Quốc hội sửa Luật Giao thông đường bộ, quy định rõ về việc thu hồi xe máy cũ nát hay cấm xe máy trong nội thành

Bên cạnh đó, phải đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật để những xe không đạt tiêu chuẩn thì thu hồi; cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi thì phải ghi trong luật, không phải trong nghị quyết", LS Nguyễn Hồng Tuyến chỉ rõ.

Giảm được 50% lượng xe máy đã là lý tưởng

Tong khi đó, đứng ở góc độ chuyên môn giao thông, GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học GTVT Hà Nội cho hay, về nguyên tắc, nếu giao thông công cộng phát triển thì sẽ hạn chế được phương tiện cá nhân.

Tuy nhiên, vấn đề của Hà Nội là giao thông công cộng không phải bao giờ cũng tiếp cận được người dân.

Mặt khác, xét về tâm lý, người dân tích cóp mãi mới mua được chiếc xe máy, giờ Hà Nội bảo cấm thì rất khó.

"HĐND TP Hà Nội đề ra mục tiêu cho mười mấy năm sau, nhưng tôi nghĩ đến năm 2030 phấn đấu giảm được một nửa số xe máy đã là thành công.

Trên thế giới không có nước nào đi 100% phương tiện giao thông công cộng. Phấn đấu được 50% đi bằng phương tiện giao thông công cộng, 50% đi phương tiện cá nhân đã là lý tưởng.

Hiện nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ vẫn sử dụng xe máy như Thái Lan, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc)...

Một số thành phố của Trung Quốc như Bắc Kinh cấm xe máy nhưng họ lại cho quá nhiều ô tô hoạt động, như vậy còn ô nhiễm, tắc đường hơn xe máy", GS.TS Bùi Xuân Cậy chỉ rõ.

Bởi vậy, vị chuyên gia về giao thông cho hay, nếu TP Hà Nội cấm hoàn toàn xe máy thì không được nhưng hạn chế thì ông ủng hộ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/can-cu-ha-noi-cam-xe-may-noi-do-chua-thoa-dang-3337669/