Cần đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ tiếp dân

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, tại Trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư đã xảy ra liên tiếp 8 vụ việc công dân có những hành vi manh động, thậm chí mang tính chất côn đồ gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và an ninh trật tự. Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân T.Ư cho biết, “căng mình” làm tốt nhiệm vụ nhưng các cán bộ làm công tác tiếp dân còn cần một sự phối hợp, chia sẻ để luôn có những kết thúc có hậu.

Trưởng Ban Tiếp Công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: PV

+ Vụ việc chị Trần Thị Thu Hiền, cán bộ Ban Tiếp công dân T.Ư bị công dân chém trọng thương dấy lên nhiều dư luận. Ông có thể nói gì về thực trạng này?

- Trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua, công dân khiếu kiện đã tập trung tại Trụ sở các cơ quan T.Ư, Trụ sở Đại sứ quán Mỹ, Vườn hoa Tây Hồ, nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.Tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư, các công dân khiếu kiện chây ỳ thường xuyên căng băng rôn, khẩu hiệu, mặc áo đồng phục, la hét, cởi quần áo gây mất an ninh trật tự tại Trụ sở.

Trước thực trạng trên, Ban Tiếp công dân T.Ư đã thực hiện biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo thông qua hệ thống loa phát thanh tại Trụ sở. Tuy nhiên, khi hệ thống loa phát thanh của Trụ sở tuyên truyền vận động thì tất cả các công dân trên kéo toàn bộ ra đường gây cản trở giao thông.Không những vậy, các công dân còn mặc áo có in chữ “Hiệp hội dân oan Việt Nam” và lôi kéo thêm nhiều công dân khiếu kiện của các địa phương tham gia, gây áp lực với các cơ quan TƯ và địa phương. Bên cạnh đó, một số công dân thường xuyên sử dụng các thiết bị di động quay camera, chụp ảnh đưa lên các trang mạng xã hội: Blog, facebook, YouTube… để thu hút sự chú ý và lôi kéo, xúi giục, kích động công dân khiếu kiện của các địa phương, xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Một số trang mạng xã hội có địa chỉ như: https://www.facebook.com/Comdanoan; https://www.facebook.com/DanOanVietNam; https://www.danluan.org... còn kêu gọi sự ủng hộ về vật chất (gạo, mì tôm, quần áo) để công dân khiếu kiện các địa phương có thể lưu lại dài ngày tại Hà Nội để khiếu kiện, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, ảnh hưởng đến hình ảnh của Đảng và Nhà nước.

+ Cụ thể, những hành vi quá khích của công dân là gì?

- Ngoài các hoạt động mang yếu tố chính trị, trong tháng 1/2016, tại Trụ sở Ban Tiếp Công dân T.Ư đã có tới 8 vụ việc công dân có những hành vi tiêu cực, manh động thậm chí mang tính chất côn đồ gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và an ninh trật tự như trường hợp nhà sư Thích Nữ Đàm Thoa (Bắc Giang) mang xăng đến Trụ sở và đe dọa tự thiêu. Lực lượng chức năng đã kịp thời lập biên bản thu giữ can xăng.

Một buổi tiếp đoàn đông người tại Trụ sở theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh: PV

Tiếp đó, ngày 12/16, công dân Hồ Thị Niên (tỉnh Nghệ An) thường xuyên đặt bàn thờ, thắp hương trước cổng Trụ sở, khi được cán bộ dân phòng phường Quang Trung nhắc nhở đã không chấp hành và có hành động lăng mạ, cắn bị thương một cán bộ.

Ngày 14/1, công dân Nguyễn Thị Hồng, trú tại xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã hô khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản” gây kích động cho nhiều công dân khiếu kiện chây ỳ, gây mất an ninh trật tự tại Trụ sở. Công an phường Quang Trung đã tạm giữ và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 18/1, một số công dân quá khích của tỉnh Bình Định đã có hành vi túm áo, ôm chân, lôi kéo cán bộ trong khuôn viên Trụ sở và kích động các công dân khác la hét, căng băng rôn, khẩu hiệu gây mất an ninh trật tự. Lực lượng chức năng đã đưa 3 công dân vi phạm về trụ sở Công an phường Quang Trung để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Ngay sau đó, 30 công dân của nhiều địa phương đã tập trung trước cổng Trụ sở Công an đòi thả người.

Ngày 19/1, công dân Đỗ Văn Tiếp (Lào Cai) khiếu kiện liên quan đến chính sách, chế độ thương binh, đã được cán bộ tiếp nhưng công dân không đồng ý, đứng trước sân Trụ sở hô “Đả đảo Đảng Cộng sản Việt Nam”, kích động các công dân khiếu kiện chây ỳ hò theo.

Ngày 21/1, công dân Nguyễn Thị Luyến (Kon Tum) đã có hành vi lăng mạ, nhổ nước bọt vào mặt cán bộ thường trực tiếp công dân; Công an phường Quang Trung đã lập biên bản và tạm giữ để xử lý.

Cũng ngày 21/1, công dân Nguyễn Xuân Thái của tỉnh Nam Định la hét và mang theo chai xăng 500ml với ý định tự thiêu trong sân Trụ sở. Các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, tịch thu chai xăng và nhắc nhở, cảnh cáo về hành vi trên của công dân.

Đặc biệt nghiêm trọng là vào hồi 10 giờ 23 ngày 28/1, công dân Phạm Thị Thuận (Thanh Hóa) sau khi vào Phòng Luật sư để được tư vấn đã sang Phòng Đăng ký đầu vào xin nước uống rồi bất ngờ rút dao được giấu sẵn trong người chém vào mặt chịTrần Thị Thu Hiền, thanh tra viên Phòng Tiếp dân 1 khi đang làm nhiệm vụ. Chị Hiền đã bị thương nặng, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103 như Báo Thanh tra đã thông tin.

Sự việc xảy ra đã làm xáo trộn mọi hoạt động của Ban, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý của các cán bộ làm công tác tiếp công dân. Những ngày qua, các cán bộ của Ban luôn trong tình trạng lo lắng bởi vẫn còn có những lời đe dọa.

Đoàn công dân đông người tỉnh Bình Phước trình bày ý kiến. Ảnh: PV

+ Ban Tiếp Công dân có biện pháp gì để nhằm hạn chế tình trạng trên thưa ông?

- Trước tình hình trên, Ban Tiếp công dân T.Ư báo cáo và đề xuất lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư cung cấp thông tin về công tác tiếp công dân của địa phương, đồng thời thường xuyên, kịp thời liên hệ với Trụ sở Tiếp công dân T.Ư để có biện pháp cần thiết xử lý kịp thời các đoàn công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp. Đặc biệt chú ý đến các đối tượng khiếu kiện có tiền án, tiền sự để Trụ sở có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tránh diễn biến phức tạp có thể xảy ra; tổ chức hội nghị giữa Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, Công an quận Hà Đông để xây dựng phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho cán bộ, công chức và người lao động tại Trụ sở; chỉ đạo Văn phòng Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban Tiếp công dân T.Ư tiến hành khảo sát, lắp đặt trang thiết bị nhằm bảo đảm an toàn cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân tại Trụ sở như bình cứu hỏa, vách kính bảo vệ, tủ đựng đồ cho công dân…

Bên cạnh đó, Ban Tiếp Công dân T.Ư cũng đã có văn bản gửi Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự cho Ban Tiếp Công dân.

Ngoài những biện pháp trên, lãnh đạo Ban cũng luôn động viên từng cán bộ, công chức của Ban nâng cao tinh thần cảnh giác cao độ, chủ động nắm bắt các diễn biến và các thông tin của công dân để thường xuyên báo cáo và kịp thời xử lý sự cố (nếu có).

Qua Báo Thanh tra, tôi cũng xin cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Lãnh đạo Thanh tra các tỉnh, thành phố và Trưởng Ban Tiếp công dân địa phương đã quan tâm, chia sẻ và động viên tinh thần các cán bộ Ban Tiếp công dân T.Ư. Đồng thời, đánh giá cao việc lãnh đạo Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, Ban Tiếp công dân tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Như Thanh đã kịp thời có mặt chia sẻ với Ban Tiếp công dân và động viên đối với cán bộ Trần Thị Thu Hiền cũng như thông tin thêm những nội dung liên quan đến công dân Phạm Thị Thuận.

Công an quận Hà Đông vừa ra quyết định khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ để điều tra vụ một cán bộ của Ban Tiếp công dân T.Ư bị người khiếu kiện chém trọng thương ngay tại Trụ sở (số 1 Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông).

Thúy Nhài - Phương Hiếu

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/can-dam-bao-an-toan-tinh-mang-cho-can-bo-tiep-dan_t114c1144n99745