Cần “điểm rơi chính sách” chính xác

(ĐTCK) Cần phải có lộ trình điều chỉnh giá cụ thể, với liều lượng và thời điểm thích hợp, tránh dồn dập, gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường.

Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam ) phối hợp cùng Công ty Markit Economics vừa công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 7/2013. Theo đó, PMI toàn phần được điều chỉnh theo mùa trong tháng 7 có kết quả 48,5 điểm, tăng so với mức 46,4 điểm của tháng 6, nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, biểu thị lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm sút.

PMI tháng 7 đạt 48,5 điểm, tiếp tục nằm dưới ngưỡng 50 điểm, biểu thị lĩnh vực sản xuất giảm sút

Các dữ liệu phân tích cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới nói chung giảm do chịu ảnh hưởng bởi mức giảm số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ hai liên tiếp và ở tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm. Sự bất ổn và nhu cầu yếu của nền kinh tế Trung Quốc được cho là nguồn gốc của tình trạng trên. Sản lượng dư thừa cũng được chuyển sang thành hàng tồn kho khá lớn trong tháng 7, với lượng hàng tồn kho thành phẩm tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/2012.

“Cũng có bằng chứng cho thấy đồng đô la Mỹ mạnh lên đã làm chi phí nhập khẩu tăng, là nguyên nhân khiến các nhà sản xuất co lại hoạt động của mình”, bà Trinh Nguyên, Chuyên viên kinh tế HSBC nhận định.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, xét theo sự đóng góp vào tăng trưởng GDP, nhân tố kéo nền kinh tế tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay là khu vực dịch vụ với mức đóng góp tăng từ 2,23 điểm phần trăm trong 6 tháng đầu năm 2012 lên 2,51 điểm phần trăm trong 6 tháng đầu năm 2013, trong khi đó khu vực công nghiệp và nông lâm nghiệp có dấu hiệu suy giảm trong đóng góp vào tăng trưởng GDP. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm đạt 213.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng vào khoảng 5%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái là 6,7%. Điều này cho thấy, sự suy yếu của cầu nội địa đang tạo lực cản đáng kể cho tăng trưởng. Sản xuất của nền kinh tế vì vậy tiếp tục phải chịu sự chi phối lớn từ cầu tiêu dùng bên ngoài.

“Với kết quả GDP 6 tháng đầu năm tăng ở mức 4,9%, tương đương với cùng kỳ năm 2012 (4,93%), tăng trưởng GDP của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây, khiến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 5,5% sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có những hành động thiết thực”, TS. Hiếu nói.

Trong khi đó, Báo cáo về kinh tế vĩ mô - triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 8/2013 của HSBC nhận định, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ khó có thể vượt qua mức 2.000 USD vào cuối năm 2013. Nếu Việt Nam bỏ lỡ những cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế trong thời điểm hiện tại thì lực cản sẽ ngày càng lớn bởi dân số sẽ bắt đầu rơi vào tình trạng dân số già ngay trước khi GDP bình quân đầu người đạt mức 5.000 USD. Để đạt được tỷ lệ tăng trưởng 7% như trước đây, cần nhiều cải cách để tận dụng tiềm năng về nhân khẩu học, nguồn lực tự nhiên và địa lý.

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cũng cho rằng, công tác điều hành chính sách trong giai đoạn tới cần tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhằm củng cố niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm, cần ưu tiên hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng một cách hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho DN trong nước thông qua việc đẩy nhanh các gói chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, đồng bộ và đủ liều lượng.

Cụ thể, kịp thời điều chỉnh liều lượng các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp chính sách nhanh chóng thẩm thấu vào nền kinh tế, đảm bảo “điểm rơi chính sách” chính xác. Tránh chậm trễ trong việc điều chỉnh, tạo nên tình trạng thiếu vốn đầu tư, khiến mục tiêu tăng trưởng năm nay khó thực hiện nhưng lại tạo hệ lụy gia tăng lạm phát trong các năm sau. Bên cạnh đó, xét ở khía cạnh vĩ mô, lạm phát được kiểm soát tốt và còn dư địa nhất định cho việc tiếp tục điều chỉnh giá (giá điện, than, dịch vụ công) theo nguyên tắc thị trường và áp dụng tỷ giá linh hoạt.

“Tuy nhiên, khung thời gian từ nay cho đến cuối năm không còn nhiều, nên cần phải có lộ trình điều chỉnh cụ thể, liều lượng thích hợp và thời điểm cũng cần phải tính toán hợp lý để tránh dồn dập, gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường”, một lãnh đạo UBGS nêu quan điểm.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJGGHE/can--diem-roi-chinh-sach--chinh-xac.html