Cân đối các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội

Sáng 27/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm.

Đa số đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010. Các đại biểu nhận định năm 2009 là năm có nhiều biến động và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Lạm phát cao trong năm 2008 cùng với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008 đã tác động tiêu cực, sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội. Tuy nhiên, bằng việc ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách kinh tế và xã hội cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, kinh tế Việt Nam đã sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Các đại biểu tập trung đánh giá về công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định chính sách, các biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế như các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm tăng cao, lượng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện... Cần tăng cường công tác dự báo, thống kê Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và một số đại biểu khác nhận định chất lượng công tác dự báo và thống kê chưa tốt đã dẫn đến chỉ trong vòng hơn hai tháng tính từ thời điểm báo cáo Quốc hội đến hết năm tài chính, chênh lệch giữa số liệu ước thực hiện và số liệu thực hiện của một số chỉ tiêu quan trọng quá lớn. Đặc biệt là thu ngân sách nhà nước cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tới 51.690 tỷ đồng, tương đương 3% GDP, gần bằng một nửa số bội chi ngân sách của năm 2009. Mức thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 là 8,8 tỷ USD, trong khi báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội là 1,9 tỷ USD. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quyết định xử lý bù đắp bội chi và thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch cho năm sau và ảnh hưởng đến các cân đối tổng hợp khác. Nếu dự báo được sát mức thu ngân sách năm 2009 thì có thể giảm được mức bội chi ngân sách năm 2009 và năm 2010. Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng công tác dự báo đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được chú trọng đúng mức, cần tăng cường nhân lực và các điều kiện phương tiện khác để công tác dự báo phát huy hiệu quả. Đại biểu khẳng định nếu công tác dự báo được làm tốt thì chắc chắn Chính phủ không trình Quốc hội mức bội chi ngân sách cao như vậy và Quốc hội cũng không quyết định mức bội chi ngân sách ở mức cao hơn như hiện nay. Cân đối các nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội và môi trường Đại biểu Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) và một số đại biểu khác nhận xét dường như báo cáo của Chính phủ chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế mà chưa đánh giá đúng mức về các vấn đề xã hội và môi trường. Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng 8/25 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xã hội và môi trường, liên quan mật thiết đến đời sống xã hội. Đào tạo nguồn nhân lực có hai chỉ tiêu và môi trường có bốn chỉ tiêu là tốc độ tăng tuyển mới đại học, cao đẳng, tốc độ tăng tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ che phủ rừng. Đáng lưu ý nhất là tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường chỉ là 50%, thấp hơn năm 2008 (60%). Đây là những chỉ tiêu ảnh hưởng đến phát triển bền vững và chất lượng đời sống xã hội... cần quan tâm giải quyết kịp thời. Các đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân của vấn đề trên; đồng thời cần quan tâm cần đối chiếu các chỉ tiêu và nguồn lực cho cả kinh tế, xã hội và môi trường. Đại biểu Võ Tuấn Nhân đề nghị cần quan tâm xem xét, đánh giá một cách thực chất hơn về một số chỉ tiêu xã hội và môi trường như tạo việc làm, giáo dục, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Các đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận), Vi Trọng Lễ (Phú Thọ), Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) đều cho rằng chuẩn nghèo được áp dụng từ năm 2006 đến nay đã không còn phù hợp do chỉ số giá tiêu dùng ngày càng tăng cao làm ảnh hướng đến đời sống người dân, chênh lệch giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất có xu hướng ngày càng tăng, ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo còn gần nhau... Các đại biểu kiến nghị Chính phủ có biện pháp kiểm soát giá cả; sớm ban hành chuẩn nghèo mới cho giai đoạn tiếp theo; tăng cường lồng ghép, phối hợp các chương trình giảm nghèo, loại bỏ sự chồng chéo giữa các chương trình và đề án giảm nghèo./. Bích Thủy-Phúc Hằng (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/can-doi-cac-nguon-luc-phat-trien-kinh-texa-hoi/20105/46673.vnplus