Cần đổi mới "quan thức"

(VH)- Hội thảo “Phát triển du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng” vừa được Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT,DL) và UBND tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 14.10.2009 nhân dịp Ngày hội VH,TT,DL các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất.

Từ trước tới nay, khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được cho là vùng ấm no nhất nước, ít thiên tai, địch họa, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, có truyền thống văn nhân, kẻ sĩ. Tuy nhiên, việc giới thiệu, tôn vinh bản sắc văn hóa các tỉnh ĐBSH và liên kết phát triển du lịch trong khu vực, thể hiện sự bền vững và no ấm, độc đáo và sâu sắc của mình thì dường như ĐBSH chưa làm tốt. Thì đây sẽ là dịp để 10 tỉnh ĐBSH (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam) làm cái việc ấy. Thể hiện khát vọng của mình và những gì mình có. Với vị trí “vàng”, vùng ĐBSH có mật độ dân số cao nhất nước, có Thủ đô Hà Nội- trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học và kinh tế lớn nhất nước và là đầu mối giao thông quan trọng ở khu vực phía Bắc với sân bay quốc tế Nội Bài. Vùng cũng là nơi tập trung phần lớn các vùng kinh tế trọng điểm kinh tế xã hội phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Lãnh thổ này đồng thời còn là giao điểm của các hành lang kinh tế Vân Nam (Trung Quốc)- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh; Nam Ninh (Trung Quốc)- Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Vì thế, vùng ĐBSH có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước trong mối quan hệ với khu vực và quốc tế. Hà Nội cũng là trung tâm du lịch vùng du lịch Bắc Bộ và trục tăng trưởng du lịch Hà Nội- Hải Phòng với cửa mở ra khu vực và quốc tế vùng ven biển phía Bắc. “Vì vậy, sự phát triển du lịch của vùng ĐBSH có ý nghĩa động lực không chỉ với vùng du lịch Bắc Bộ mà còn với du lịch Việt Nam”- ông Phạm Trung Lương- Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết. ĐBSH là nôi của nền văn minh lúa nước Đất Việt với lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Nơi đây chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu là hai di sản phi vật thể được UNESCO công nhận là “Quan họ Bắc Ninh” và “Ca trù Việt Nam”. Nhiều di tích lịch sử gắn với các anh hùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, nhiều di tích gắn với sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam và các tôn giáo, tín ngưỡng khác như Đền Đinh, Đền Lê, Côn Sơn- Kiếp Bạc, Đền Trần, Chùa Dâu, Chùa Keo, Phủ Giầy... Các dòng sông lớn trong vùng, đặc biệt là hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình đã tạo nhiều cảnh quan đẹp và điều kiện thuận lợi để hình thành các tuyến du lịch đường sông. Kết hợp với văn hóa, thể thao tổ chức các kỳ lễ hội như hát quan họ, rối nước, bơi, lặn, đua thuyền... Dù là vùng đồng bằng nhưng ĐBSH có địa hình khá đa dạng với những dãy núi cao Tam Đảo, Ba Vì, địa hình karst, nhiều đảo đẹp Cát Bà, Bạch Long Vĩ, nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn Cát Bà, Xuân Thủy, Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương hình thành nên những danh thắng tiêu biểu như Tam Cốc- Bích Động, Hương Sơn, Tràng An... Hiện nay, các sản phẩm du lịch đang được khai thác chủ yếu của ĐBSH có các loại hình: biển đảo, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lễ hội, tâm linh, ẩm thực, làng nghề truyền thống, cộng đồng, sinh thái, mua sắm, nghỉ dưỡng và chữa bệnh, MICE... Tuy nhiên, cho đến giờ thì du lịch ĐBSH vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng to lớn của mình và một số địa phương trong vùng còn chưa phát triển được du lịch. Lượng khách quốc tế đến vùng ĐBSH trong suốt thời gian từ năm 2000- 2008 luôn dao động trong khoảng từ 20- 25% tổng lượng khách du lịch quốc tế đi lại giữa các địa phương trong cả nước, trong khi lượng khách du lịch nội địa dao động trong khoảng 25-30%. Theo ông Lương, “có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó nổi lên là nhận thức xã hội, đặc biệt là “quan thức” về vai trò, vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế. Tính liên kết trong phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng còn rất thấp, chưa có một chiến lược, quy hoạch tổng thể chung đối với phát triển du lịch của vùng. Năng lực quản lý còn hạn chế trong khi tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch ở nhiều địa phương trong vùng thiếu ổn định. Nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng mạnh của du lịch”. Dưới góc độ của một doanh nghiệp du lịch lâu năm, ông Lưu Nhân Vinh- GĐ Cty cổ phần Du lịch Việt Nam tại Hà Nội cho rằng: “Sản phẩm đơn điệu, không đặc trưng, dẫn đến việc khách không mấy thích thú với du lịch vùng này. Sản phẩm du lịch của một địa phương hay các địa phương lân cận hay chồng chéo, lặp đi lặp lại, rất hay xảy ra hiện tượng một nơi nào đó đang hút khách thì nơi khác nhái ngay lại ý tưởng kinh doanh, gây nhàm chán cho du khách và cạnh tranh không lành mạnh”. Ông Bùi Công Phượng, GĐ Sở VH,TT,DL Thái Bình nói: “Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân về vị trí, vai trò, triển vọng phát triển kinh tế và hiệu quả xã hội của du lịch tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động đối với phát triển du lịch”. “Xác định rõ quan điểm khu vực ĐBSH là động lực tăng trưởng du lịch của cả Bắc Bộ nên cần có những ưu tiên phát triển. Trên cơ sở đó thành lập Ban chỉ đạo du lịch của khu vực để chỉ đạo và điều phối hợp lý, nhịp nhàng, đồng thời đẩy nhanh sự liên kết hoạt động du lịch trong toàn khu vực, tạo điều kiện để từng thành viên trong khu vực phát huy hết được lợi thế riêng”- Sở VH,TT,DL Bắc Ninh đề xuất. Sau hội thảo, Ban tổ chức đề xuất ngay cho lãnh đạo Bộ những giải pháp để phát triển du lịch cho khu vực ĐBSH những năm tới. Các tỉnh cần tận dụng, kết hợp sức mạnh của các tỉnh bạn làm sức mạnh của mình và sức mạnh chung của khu vực. Xem xét cụ thể các vấn đề về quy hoạch, kiến nghị nếu cần thay đổi, bổ sung, điều chỉnh. Tổng cục Du lịch phải làm “nhạc trưởng” xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng tốt cho khu vực này...(Thứ trưởng Bộ VH,TT,DL Huỳnh Vĩnh Ái)

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/dulich/20942.vho