Cần giải pháp để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Làm như thế nào để khắc phục được tình trạng người lao động thờ ơ với bảo hiểm xã hội (BHXH)? Đó là vấn đề mà ngành BHXH đặc biệt quan tâm, đề ra nhiều giải pháp thu hút người lao động tham gia BHXH, nhằm bảo đảm an sinh xã hội khi nguy cơ già hóa dân số đang tới gần.

Người lao động chưa mặn mà với BHXH

Hiện nay, ở nước ta mới có hơn 13,4 triệu người (chiếm 24% lao động) tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc, trong khi, Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 21) đặt ra mục tiêu đến năm 2020, nước ta phải đạt được 50% lao động tham gia loại hình BHXH này. Tuy nhiên, nhiều chính sách ưu việt của BHXH chưa thực sự được người lao động quan tâm. Luật BHXH năm 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đây vừa là cơ hội để người lao động tham gia nhưng cũng là thách thức khó khăn đối với ngành BHXH.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, tỷ lệ người tham gia BHXH hiện chưa đạt được kỳ vọng của chính sách và so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết số 21 vẫn còn khoảng cách rất xa. Để hoàn thành mục tiêu, cần có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Phân tích nguyên nhân của vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng, do điều kiện phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua còn nhiều khó khăn, nên việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức diễn ra chậm. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp tăng mới nhiều nhưng quy mô nhỏ và siêu nhỏ, số lao động sử dụng ít. Bên cạnh đó là ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận chủ sử dụng lao động chưa tốt trong khi cơ chế kiểm soát, cưỡng chế còn nhiều bất cập. Hiện chưa quản lý tốt công tác khai báo tình hình lao động của các doanh nghiệp, dẫn đến không nắm bắt được số người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc làm cơ sở cho việc đôn đốc đăng ký tham gia.

Một nguyên nhân nữa được chỉ ra là do công tác thanh tra, kiểm tra của ngành lao động chưa được thường xuyên, liên tục vì nguồn lực cũng rất mỏng. Còn về phía cơ quan BHXH được giao nhiệm vụ thanh tra nhưng trong thời kỳ đầu thực hiện cũng chưa được nhiều, chưa cương quyết cưỡng chế các doanh nghiệp không đóng BHXH. Trong khi đó, ở một số địa phương thì chính quyền do mong thu hút đầu tư nên cũng chưa thực sự quyết liệt trong xử lý các doanh nghiệp vi phạm. Mặt khác, người lao động vì mưu sinh trước mắt nên cũng không dám đấu tranh đòi quyền lợi để tham gia BHXH.

Còn theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn, để đạt được 24% người lao động tham gia BHXH đã là cố gắng lớn của cơ quan tuyên truyền và cơ quan thực hiện chính sách. Nghị quyết số 21 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 50% số người lao động làm công hưởng lương tham gia BHXH bắt buộc, quãng đường đi còn rất ngắn mà phần việc phải làm còn rất nhiều.

Ông Vũ Quang Thọ cho hay, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mỗi năm có khoảng 600.000-700.000 người hưởng BHXH một lần. Số tăng lên và số rút ra nhận BHXH một lần đã làm cho số thực tăng không đáng kể. Lý giải nguyên nhân, theo ông Vũ Quang Thọ đó là tỷ lệ đóng. Bởi người lao động thường quan niệm tiền họ làm được là rất quan trọng, chỉ cần hơn, kém 10.000 đồng họ cũng có thể chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Vì thế theo họ, mức đóng hiện nay 22% là cao, nhưng so với nhiều nước trên thế giới thì lại không cao.

Cần biện pháp kích thích

Bàn về giải pháp để thu hút người lao động tham gia BHXH, đặc biệt là lao động hợp đồng ngắn hạn, ông Đỗ Ngọc Thọ thông tin, chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm 2018. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHXH tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, người trong hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng, người ở hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, các nhóm đối tượng khác được hỗ trợ 10%. Ông Đỗ Ngọc Thọ nhận định, nếu Nhà nước tạo được cú hích đủ mạnh để thu hút người dân tham gia BHXH (tức là sự hỗ trợ của Nhà nước lớn hơn, nhiều người tham gia hơn để sau này nhiều người có lương hưu hơn) thì sau này, Nhà nước sẽ giảm được chi phí chi cho trợ cấp người cao tuổi như hiện nay.

Một giải pháp khác được đưa ra là BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ đề án giao chỉ tiêu đối tượng cho các địa phương; phối hợp với cơ quan thuế để xác định số người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng thuế, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người sử dụng lao động thấy được trách nhiệm pháp lý trong việc bảo đảm quyền lợi tham gia BHXH cho người lao động, cũng như để người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH.

Còn ông Vũ Quang Thọ cho rằng, việc giao chỉ tiêu cho địa phương chỉ là giải pháp tình thế, mang tính chất bắt buộc, điều quan trọng là cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức được ý nghĩa của việc tham gia BHXH...

HÀ VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/can-giai-phap-de-phat-trien-doi-tuong-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-518039