Cần giải pháp hơn lời hứa

“Bốn bác sĩ ngồi một giường có chịu được không?” là câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong buổi thị sát Bệnh viện K tại Tân Triều (Hà Nội) hôm 8.12. Dư luận lại một lần nữa quan tâm đến tình trạng quá tải bệnh viện vốn là nỗi sợ hãi suốt nhiều năm qua ở nước ta, nhất là tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, nhiều ý kiến “mời” Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát thêm nhiều bệnh viện nữa!

Hình ảnh nằm ghép 2 bệnh nhân tại Bệnh viện K (Hà Nội).

Vậy thực trạng quá tải bệnh viện hiện ra sao? Lời hứa của Bệnh viện K sau câu nhắc nhở thấm thía của Bộ trưởng đã cải thiện được gì?

Quá tải nặng ở các bệnh viện chuyên khoa và tuyến cuối

Tại TPHCM, khảo sát của nhóm PV cho thấy, tình hình quá tải nặng hiện nay tập trung ở một số bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện tuyến cuối như: Ung bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Viện Tim và 2 bệnh viện đa khoa hạng 1 Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chợ Rẫy…

Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cảnh bệnh nhân nằm xếp lớp trên giường bệnh, dưới nền nhà đã không còn là một hình ảnh xa lạ. Chị Trần Thu Trang - mẹ một bệnh nhi 12 tuổi đang điều trị bệnh ung thư lympho tại khoa Nhi - cho biết: “Con tôi lâu lâu mới nhập viện để vô hóa chất. Nhưng lần nào nhập viện cũng phải nằm dưới đất. Phòng hai mươi mấy cháu mà có 8 cái giường thì phải vậy thôi. Ở đây các bà mẹ tự hiểu, thông cảm cho nhau, bé nào vào hóa chất thì nhường giường cho nằm một vài bữa”.

Theo BS Nguyễn Hoàng Minh - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu - mỗi ngày, bệnh viện phải tiếp nhận lượng bệnh nhân “khổng lồ” từ 1.700-1.800, trong đó có 60-70% là bệnh nhân từ các tỉnh xa đến và lượng bệnh nhân phải nhập viện ngày càng đông. Cơ sở vật chất của bệnh viện không thể nào theo nổi.

Còn tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, mặc dù đã gần 11 giờ trưa, nhưng Khu khám bệnh vẫn đông nghẹt bệnh nhân chờ khám và lấy thuốc. Nhiều bệnh nhân không có ghế ngồi, trong số đó có cả những bệnh nhân phải chống nạng, bệnh nhân lớn tuổi.

Theo thống kê, mỗi ngày, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM phải tiếp nhận điều trị cho khoảng 1.000 lượt khám bệnh, ngày cao điểm là thứ hai và thứ ba hằng tuần, số bệnh nhân tăng lên 1.500 bệnh nhân. BS Võ Hòa Khánh (Phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện) cho biết, có 2 vấn đề khiến bệnh nhân than phiền nhiều nhất là nạn móc túi và quá tải. Về quá tải, bệnh viện đã cố gắng tận dụng tất cả các khoảng trống để kê thêm ghế chờ cho bệnh nhân theo kiểu “chỗ nào có thể kê được đã kê cả rồi”. Tuy vậy, do quỹ đất của bệnh viện quá hạn chế trong khi lượng bệnh nhân đổ về ngày một tăng cao nên chưa thể cải thiện được tình trạng quá tải.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 là bệnh viện chuyên khoa nhi, tình hình quá tải vẫn luôn là nỗi sợ hãi của nhiều phụ huynh. Theo thống kê, Bệnh viện Nhi đồng 1 có lượt khám bệnh ngoại trú từ 4.000 - 6.000 lượt/ngày.

Hình ảnh quá tải tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM. Ảnh: K.Q

Gấp rút thêm giường bệnh và xây nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân

Trở lại Bệnh viện K Tân Triều, nơi 4 bệnh nhân phải nằm chung một giường bệnh trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Y tế. PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc bệnh viện - cho biết: Chúng tôi lập tức đưa ra các giải pháp trước mắt như mở thêm phòng điều trị ngoại trú ở các khoa quá tải, đặc biệt ở các khoa nội (phòng truyền ngồi) kết hợp với hẹn bệnh nhân truyền theo giờ để không quá tập trung vào giờ cao điểm như hiện nay (9-11h). Đồng thời, thêm phòng lấy xét nghiệm tại Khoa khám bệnh để giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Chúng tôi xây dựng thêm 500 giường bệnh theo cơ chế xã hội hóa tại Tân Triều để tiếp tục công tác giảm tải bệnh viện. Đồng thời, xây nhà lưu trú cho người bệnh và người nhà người bệnh tại cơ sở Tân Triều...

Hy vọng “lời hứa” và những biện pháp quyết liệt của GĐ Bệnh viện K sẽ khiến tình hình quá tải ở đây giảm bớt. Tuy nhiên, về lâu dài lại là câu chuyện khác. Hai năm trước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã từng chứng kiến bệnh nhi bò dưới giường bệnh ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Bộ trưởng Tiến cùng nhiều lãnh đạo tỉnh thành đã quyết tâm giảm tải bệnh viện. Nhưng đã qua nhiệm kỳ thứ 2 của mình, bà Tiến vẫn phải bức xúc như trên và cũng chưa thấy có nhiều dấu hiệu hứa hẹn việc ấy sẽ chấm dứt trong vài năm nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ đổ những lỗi ấy lên chỉ ngành y là chưa công bằng. Họ sẽ chẳng làm gì được nếu bệnh nhân vẫn đổ xô lên tuyến trên. Thực tế là hàng chục năm qua hầu như không “mọc thêm” được mấy bệnh viện công lớn ở Hà Nội và TPHCM?

Đơn cử, dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu 2 với quy mô 1.000 giường bệnh mới được khởi công vào cuối tháng 6.2016 và dự kiến đến cuối năm 2017 mới hoàn thiện và đi vào hoạt động; Dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tại huyện Bình Chánh (TPHCM) cho đến nay vẫn còn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, chưa “hẹn” ngày khởi công; Dự án xây thêm Bệnh viện Nhi đồng TP tại huyện Bình Chánh (TPHCM) cũng phải ít nhất giữa 2017 mới hoạt động.

Và nữa, nhiều ý kiến cũng cho rằng, có nên tồn tại cùng lúc cả trung tâm y tế, y tế dự phòng và cả bệnh viện quận, huyện? Mô hình này có thể phù hợp ở các địa phương khác, còn ở TPHCM và Hà Nội có thể không phù hợp và dễ dẫn tới sự lãng phí?

THÙY LINH - MINH PHẠM

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/can-giai-phap-hon-loi-hua-619474.bld