Cần giám định y khoa xác định mức độ khuyết tật

(VOV) - Ngoài phương pháp quan sát trực tiếp, việc khám bệnh cụ thể, giám định y khoa sẽ xác định rõ mức độ dạng tật của người khuyết tật

Chiều 28/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Người khuyết tật. Quan tâm, chăm sóc và tạo sự bình đẳng trong đối xử đối với những người khuyết tật là một chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, cần có một bộ Luật cụ thể, chi tiết để đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật. Dự thảo Luật Người khuyết tật sau khi tiếp thu ý kiến, chỉnh lý của các cơ quan bao gồm 10 chương, 54 điều, trong đó đã bổ sung thêm một chương mới đó là Chương II: Xác nhận khuyết tật gồm 6 điều quy định về trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, phương pháp, thủ tục xác định mức độ khuyết tật, việc xác định lại mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về mức độ của người khuyết tật, đảm bảo quyền và lợi ích của người khuyết tật. Cần có thêm mức độ khuyết tật trung bình Xác định mức độ khuyết tật liên quan đến chế độ đãi ngộ, các khoản phụ cập của Nhà nước đối với người khuyết tật. Trong dự thảo Luật Người khuyết tật chia mức độ xác định khuyết tật làm 3 loại: Người khuyết tật đặc biệt nặng; Người khuyết tật nặng và Người khuyết tật nhẹ. Tuy nhiên, trong thực tế, có những người khuyết tật không phải là nặng mà cũng không phải nhẹ thì không biết là đưa vào diện nào. Đó là băn khoăn của đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (đoàn Cần Thơ). Theo đại biểu Lệ Phi, trong dự thảo Luật cần bổ sung thêm mức độ Người khuyết tật trung bình. Các mức độ về khuyết tật nên được ghi rõ ràng, chi tiết là bao nhiều phần trăm (%). Cũng theo đại biểu Lệ Phi, tiêu chí xác định mức độ khuyết tật chỉ căn cứ vào “mức độ suy giảm về thể chất, thần kinh, trí tuệ hay giác quan” là chưa đầy đủ, cần bổ sung các tiêu chí mang tính chất xã hội như mức độ vận động, thực hiện các hành vi bảo đảm sinh hoạt, lao động của người khuyết tật. Nếu xác định mức độ khuyết tật theo phương pháp quan sát trực tiếp là không thể chính xác mà cần phải thăm khám cụ thể, giám định y khoa. Chia sẻ với quan điểm trên, đại biểu Lê Thị Mai (đoàn Hải Phòng), Võ Thị Dễ (đoàn Long An) nêu ý kiến: Để xác định mức độ khuyết tật, ngoài việc giao cho UBND xã xác định mức độ khuyết tật cần giao thêm cho các cơ quan y tế, Hội đồng y khoa cấp huyện trở lên và Sở Lao động-Thương binh xã hội. Nhiều cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật thì mới rõ ràng, khách quan, tránh tình trạng “chạy” chứng nhận để được hưởng trợ cấp, ưu đãi của Nhà nước. “Đối với những người khuyết tật là thương, bệnh binh cũng cần được quy định rõ mức độ” – đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Liêu (đoàn Ninh Thuận). Theo đại biểu Nguyễn Đình Liêu, việc xác định mức độ khuyết tật đối với thương, bệnh binh cũng cần có một hội đồng giám định xem xét kỹ lưỡng. Khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật Trong dự thảo Luật Người khuyết tật có nhấn mạnh đến việc Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 50% lao động là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Dễ (đoàn Long An) cho rằng, để khuyến khích càng nhiều doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc thì trong dự thảo Luật nên sửa là cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 30% lao động là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp... Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang) cho rằng, trong Luật cần quy định các doanh nghiệp cần có trách nhiệm tuyển lao động là người khuyết tật. Nếu doanh nghiệp nào không tuyển đủ số lượng lao động là người khuyết tật theo quy định thì phải nộp tiền vào Quỹ Hỗ trợ người khuyết tật. “Ngoài việc hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, cần có chính sách hỗ trợ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật vào học tập, lao động ở các cơ sở giáo dục, trung tâm dạy nghề...” - đại biểu Trương Thị Mai (đoàn Bình Phước) nêu ý kiến như vậy và cho rằng, người khuyết tật cũng cần được đối xử bình đẳng và hưởng các quyền lợi như những người bình thường khác như được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế đặc biệt, được tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình phục hồi chức năng lao động. Các công trình xây dựng, phương tiện giao thông công cộng phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu, thuận lợi cho người khuyết tật. Ngày mai (29/5), Quốc hội nghỉ. Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục làm việc, nghe báo cáo về dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi)./. Bích Lan-Thanh Hà

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/can-giam-dinh-y-khoa-xac-dinh-muc-do-khuyet-tat/20105/145105.vov