Cận kề Olympic, 'ác mộng' ùn tắc giao thông

Brasil vẫn bộn bề với nhiều nỗi lo cho kỳ Olympic 2016, đặc biệt ùn tắc giao thông.

Trước thềm Olympic, Brasil vẫn canh cánh nỗi lo hạ tầng giao thông vì phương tiện cá nhânở thành phố này rất lớn, ùn tắc xảy ra thường xuyên

Ngày mai, Olympic 2016 được tổ chức tại TP Rio de Janero chính thức khai mạc. Tuy nhiên, Brasil vẫn bộn bề với nhiều nỗi lo, đặc biệt ùn tắc giao thông là một trong những vấn nạn khiến cả người dân và khách du lịch lo lắng.

Hối hận vì giao Olympic cho Brasil

Dân số tại Rio de Janeiro ít hơn TP New York khoảng 24% nhưng lượng phương tiện cá nhân tại TP của Brasil lại cao hơn thành phố Mỹ 51%. Do đó, ngày bình thường ở Rio de Janeiro cũng thường xuyên xảy ra tắc đường chứ chưa nói khi vào mùa thế vận hội.

Theo Chỉ số Giao thông Tom Tom, khảo sát thường niên trên 295 thành phố cho thấy, Rio xếp thứ tư trong số những thành phố tắc đường nhất thế giới sau Mexico City, Bangkok và Istanbul. Giao thông trì trệ buộc nhiều người dân tại khu vực Barra da Tijuca, phía Tây Rio làm việc ở khu vực trung tâm phải mua hoặc thuê căn hộ thứ hai gần với trung tâm thành phố, tránh việc mỗi ngày tiêu tốn 3 giờ đồng hồ đi ô tô về nhà.

Ngoài thiếu hạ tầng giao thông công cộng để hạn chế xe cá nhân, Brasil còn đối mặt với tình hình bảo trì đường bộ yếu kém, thực thi luật giao thông lỏng lẻo... dẫn đến số lượng người thiệt mạng vì TNGT lên tới 46.935 người/năm (tương đương 128 người/ngày) theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015.

Nỗi lo giao thông tại Rio de Janeiro nghiêm trọng tới mức nhiều thành viên trong Ủy ban Thế Vận hội Quốc tế hối hận vì quyết định trao quyền tổ chức Olympic cho thành phố này - trao đổi với Washington Post một nguồn tin thân cận cho biết.

Đầu tư hàng tỉ USD vào hạ tầng

Kể từ năm 2009 khi được chọn làm chủ nhà Olympic , suốt 7 năm, Brasil chi hàng tỉ USD cho các hạng mục giao thông để sẵn sàng đón tiếp hơn nửa triệu lượt khách du lịch, vận động viên tới tham dự.

Trong đó, đầu tư mạnh vào 5 dự án giao thông công cộng đắt đỏ nhất với tổng trị giá (6,89 tỉ USD). “Dự án vàng” phải kể đến đường tàu số 4 (Metro Line 4) trị giá 6 tỷ USD bao gồm xây dựng và bảo trì 16km đường tàu điện ngầm nối giữa các khu vực dân cư Gavea và Barra da Tijuca, với công suất 300.000 lượt khách.

Để chủ động đối phó với nguy cơ ùn tắc, các đội bóng chuyền bãi biển, bóng chuyền trong nhà của Mỹ chọn nơi ở ngay gần các trung tâm thi đấu, sân vận động Maracanã và bãi biển Copacabana vì sợ mất “hàng giờ đồng hồ trên xe buýt” mỗi ngày chỉ để đến nơi thi.

Giám đốc Điều hành Bóng chuyền Mỹ Doug Beal

Dự án kinh phí lớn thứ hai là Porto Maravilha trị giá 2,5 tỉ USD xây dựng 70km đường bộ, 4km đường tàu điện ngầm, hứa hẹn sẽ giảm tắc đường. Tiếp đó là dự án Transolimpica trị giá 670 triệu USD xây dựng đường thu phí và hệ thống xe buýt nhanh kết nối TP Rio de Janeiro với công viên Deodoro Olympic tại phía Bắc, cắt giảm hành trình từ 1 giờ 50 phút xuống còn 40 phút, làm lợi cho 400.000 người/ngày.

Xếp thứ tư là dự án xây dựng và bảo trì đường sắt nhẹ VLT trị giá 370 triệu USD dài 26 km nối từ Sân bay Santos Dumont vào khu vực trung tâm... Dự án cuối cùng nằm trong top 5 là tuyến buýt nhanh Transoeste trị giá 310 triệu USD, chuyên chở 220.000 lượt khách/ngày, cắt giảm thời gian hành trình xuống 50%.

Bên cạnh đó, ngày 1/8, lần đầu tiên Rio de Janeiro mở các làn đường đặc biệt được gọi là Olympic trên khắp thành phố, dành riêng các phương tiện liên quan tới sự kiện thể thao này được phép di chuyển trong những ngày thường trong tuần. Ngoài ra, Rio de Janeiro cũng siết chặt các biện pháp an ninh, khi tăng mức phạt tối đa với người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông lên 460 USD (khoảng 10 triệu VND) trong khi mức lương trung bình người dân Brasil chỉ ở 270 USD.

Vẫn là ác mộng

Tuy đầu tư mạnh và gia tăng chế tài, nhưng những vấn đề liên quan tới giao thông của Rio de Janeiro trong dịp Olympic vẫn là cơn “ác mộng” khiến người dân và khách du lịch sợ hãi.

Ông Renato Heck, 50 tuổi, cư dân Rio de Janeiro, sống tại Copacabana - nơi tổ chức thi đấu bóng chuyền bãi biển và làm việc tại Barra - nơi nhiều sự kiện thể thao khác được tổ chức lo sợ giao thông ùn ứ ở cả hai đầu trên đường đi làm. “Mọi người khuyên tôi, giao thông vô cùng kinh hoàng, tốt nhất tôi nên tạm nghỉ làm. Nhưng công việc của tôi không thể dừng”, ông Heck chia sẻ.

Ngoài lo lắng hạ tầng không đáp ứng đủ nhu cầu, người dân còn lo sợ chất lượng hạ tầng giao thông yếu kém vì được xây dựng quá gấp gáp. Chẳng hạn, tuyến tàu điện mới được khánh thành đầu tháng 6 vừa rồi để phục vụ Olympic đã mất điện và quá tải trong ngày đầu tiên đi vào hoạt động, buộc hành khách phải xuống tàu đi bộ.

Một tuyến đường cao tốc dọc bờ biển mới được xây dựng lồi lõm ổ gà; rồi, đường dành cho xe đạp trên cao mới được xây dựng đã sập vào tháng 4 vừa rồi khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Sau sự việc toàn bộ con đường dài 4km, được mệnh danh là “đường dành cho xe đạp đẹp nhất hành tinh” buộc phải dừng hoạt động. Thị trưởng Rio de Janeiro - ông Eduardo Paes lên án vụ tai nạn là “không thể tha thứ” và trực tiếp chỉ đạo điều tra.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/can-ke-olympic-ac-mong-un-tac-giao-thong-d162284.html