Cần khách quan trong việc đánh giá, xếp loại thi đua giáo viên

Ở một số nơi thực hiện việc đánh giá, xếp loại thi đua cho giáo viên không đúng theo mục tiêu và nguyên tắc của Luật thi đua, khen thưởng, dẫn đến có những trường hợp khiếu nại

Ảnh minh họa (internet)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi đua, khen thưởng( Luật số: 39/2013/QH13 ngày 16.11.2013) của Quốc hội có ghi: Mục tiêu của thi đua: “ Nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Còn nguyên tắc của thi đua: “Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời”.

Thế nhưng, ở một số nơi thực hiện việc đánh giá, xếp loại thi đua cho giáo viên không đúng theo mục tiêu và nguyên tắc của Luật thi đua, khen thưởng, dẫn đến có những trường hợp khiếu nại như:

Trong bài viết: “ Cắt thi đua vì khiếu nại đất đai”, có đoạn: “ Ông Hoàng Minh Đề (chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa) trả lời: “ Chúng tôi xác nhận có việc hội đồng thi đua khen thưởng huyện cắt danh hiệu thi đua của cô giáo..." ( Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 01.8.2015).

Hoặc trong bài viết: “TP. Hưng Yên: Nhà giáo mất thi đua khen thưởng chỉ vì khiếu nại công văn điều động? ”, có đoạn: “ Trong năm học 2014 – 2015 tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực học tập chuyên môn. Ngày 18.5.2015, trường THCS Hiến Nam có tiến hành họp xét quá trình phấn đấu, đánh giá thành tích của các cán bộ, giáo viên của trường, và tôi đã được hội đồng bình xét là Lao động tiên tiến…Tuy nhiên, căn cứ theo quyết định số 224/QĐ – CTUBND về việc công nhận danh hiệu lao động tiên tiến năm học 2014 – 2015 thì tôi lại không có tên nằm trong danh sách được khen thưởng của quyết định này” ( Báo Doanh nghiệp Việt Nam số ra ngày 18.9.2015).

Vì sao đánh giá, xếp loại thi đua giáo viên không đúng với mục tiêu và nguyên tắc của Luật thi đua, khen thưởng ?

Có sự bất cập trong quy trình xét thi đua, khen thưởng, đó là : Cá nhân tự nhận xét, Tổ chuyên môn thông qua nhận xét của cá nhân và xếp loại; Hội đồng thi đua, khen thưởng nhà trường căn cứ vào xếp loại của Tổ chuyên môn bỏ phiếu công nhận; Hội đồng thi đua, khen thưởng cấp trên phê duyệt theo đề nghị Hội đồng thi đua, khen thưởng cơ sở.

Theo quy trình này, do tình cảm, nể nang, khỏa lấp khuyết điểm cho nhau , chạy theo thành tích ở Tổ chuyên môn và Hội đồng thi đua, khen thưởng cơ sở, nên dẫn đến việc công nhận danh hiệu thi đua không đúng với tiêu chuẩn đã quy định.

Thực tế này đúng như đánh giá trong Chỉ thị số: 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ chính trị : “ Nhiều nơi việc khen thưởng còn thiếu chính xác, chưa kịp thời”.

Có cán bộ, giáo viên, nhân viên khi đánh giá thi đua, họ tự nhận xét chung chung về nhiệm vụ được giao: Mặt nào cũng tốt, mặt nào cũng hoàn thành; còn những sai sót, khuyết điểm họ không nêu cụ thể, họ để cho tập thể nhận xét; nếu tập thể không phát hiện hoặc không ai có ý kiến, họ sẽ được hưởng lợi.

Có cán bộ, giáo viên, nhân viên tỏ ra an phận: Họ muốn yên ổn để dạy học ( dạy thêm), không dám phê phán sai trái của của đồng nghiệp, của hiệu trưởng; họ sợ hiệu trưởng sẽ “ chiếu cố”, rồi họ sợ đồng nghiệp không ai chơi nếu phê phán hiệu trưởng.

Cho nên, khi nhận xét đánh giá đồng nghiệp ở Tổ chuyên môn, họ thường có ý kiến: “Đồng ý với tự nhận xét của cá nhân, đề nghị Hội đồng thi đua, khen thưởng nhà trường xếp loại”.

Có hiệu trưởng không dự sinh hoạt định kỳ theo quy định ở Tổ chuyên môn, với nhiều lý do, nên không tham gia đánh giá xếp loại thi đua ở Tổ ; không có ai trong trường và thanh tra giáo dục cấp trên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ và hồ sơ sổ sách của hiệu trưởng.

Thế nên, chỉ có Hội đồng thi đua, khen thưởng nhà trường bỏ phiếu xếp loại thi đua hiệu trưởng, trong khi Hội đồng thi đua, khen thưởng nhà trường, đa số thành viên do hiệu trường bổ nhiệm (Chủ tịch Công đoàn của đơn vị cũng do hiệu trưởng đề xuất), nên ý kiến nhận xét đánh giá của họ thường không trái với tự nhận xét của hiệu trưởng, họ không để mất long, mất mặt hiệu trưởng.

Có hiệu trưởng là chủ tịch Hội đồng thi đua, khen thưởng nhà trường nhận thức chưa đầy đủ về mục đích của thi đua, nên vận dụng tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua một cách máy móc hoặc theo cảm tính, cảm tình riêng dẫn đến việc đánh giá xếp loại thi đua không khách quan.

Để danh hiệu thi đua giáo viên được đánh giá đúng theo mục tiêu và nguyên tắc của Luật thi đua, khen thưởng, thiết nghĩ, trước hết các thành viên của Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp, nhất là người đứng đầu và chủ tịch Công đoàn phải trung thực, phải có cái tâm trong sáng để có được sự công bằng và khách quan khi xem xét đánh giá thi đua giáo viên; mặt khác Hội đồng thi đua, khen thưởng không tùy tiện vận dụng hoặc chiếu cố cho bất kỳ ai, phải căn cứ vào quy định về tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua của cấp trên và quy định của đơn vị đã được Hội nghị cán bộ- công chức đầu năm học thông qua để xét công nhận.

Hội đồng thi đua, khen thưởng cấp trên cần thẩm định kết quả xét chọn các danh hiệu thi đua ở các cơ sở trường học; ban hành quy định xử lý trách nhiệm, xử phạt hành chính, hủy bỏ các danh hiệu thi đua theo điều 96 của Luật thi đua khen thưởng, đó là: “ Người nào gian dối trong việc kê khai thành tích để được khen thưởng thì bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng đã nhận; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” ).

Tôi tin rằng, khi xét công nhận các danh hiệu thi đua được công bằng, khách quan và đúng thực chất sẽ là động lực để cán bộ, giáo viên, nhân viên ra sức hoàn thành thành tốt nhiệm vụ được giao, bởi lẽ người thầy sau những nổ lực cống hiến, họ cũng mơ ước được ngành GD&ĐT ghi nhận thành tích của họ qua các danh hiệu thi đua.

Đừng để động lực phấn đấu của họ mất đi vì đánh giá, xếp loại không công bằng; hãy làm đúng với mục đích và nguyên tắc của Luật thi đua, khen thưởng, để họ an tâm thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Trần Vũ Thị trấn Lộc Thành, Tỉnh Tây Ninh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/can-khach-quan-trong-viec-danh-gia-xep-loai-thi-dua-giao-vien-570757.bld