Cần kiện toàn, duy trì đội ngũ cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết

Ngày 24-8, Bộ Y tế cho biết, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) được hiệu quả, bền vững, nhất là trong tình hình dịch bệnh tiếp tục có xu hướng gia tăng, các địa phương cần kiện toàn lại và duy trì ổn định mạng lưới cộng tác viên (CTV) phòng chống SXH tại các xã, phường trọng điểm; bổ sung CTV tại những xã, phường mà dịch có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho đội ngũ CTV hằng tuần đi thăm các hộ dân tại địa bàn phụ trách để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng, chống, cách phát hiện, xử trí khi phát hiện người nghi mắc SXH; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cách xử lý các dụng cụ chứa nước, vận động người dân tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, loại trừ bọ gậy…

* Bộ Y tế có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, trong đó tập trung vệ sinh môi trường; bảo đảm tất cả các đơn vị không có bọ gậy. Phối hợp đơn vị y tế địa phương triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại cơ sở giáo dục và đào tạo, nhất là tại khu nội trú, ký túc xá, vận động cán bộ, giáo viên, công nhân, sinh viên, học sinh và người lao động loại bỏ các ổ bọ gậy, diệt muỗi, vệ sinh môi trường tại đơn vị mình và thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến cáo về dịch bệnh SXH mà cơ quan chuyên môn đề ra…

* Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 302 người mắc SXH. Mặc dù dịch bệnh SXH đang được kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Do vậy, bên cạnh việc phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Y tế tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương hướng dẫn tổ chức triển khai chiến dịch phòng, chống dịch bệnh SXH; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, máy móc, phương tiện sẵn sàng chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình huống có thể xảy ra...

Chủ động ngăn ngừa bệnh tay, chân, miệng

Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, huy động các ngành, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp ngăn ngừa hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM). Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý kịp thời không để lan rộng ra cộng đồng...

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 43 nghìn người mắc bệnh TCM, giảm 1,9% so với năm 2016. Tuy nhiên, số mắc bệnh TCM trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng và có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới do đang là mùa dịch, nhất là học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới.

Chủ động ngăn ngừa bệnh tay, chân, miệng

Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, huy động các ngành, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp ngăn ngừa hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM). Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý kịp thời không để lan rộng ra cộng đồng...

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 43 nghìn người mắc bệnh TCM, giảm 1,9% so với năm 2016. Tuy nhiên, số mắc bệnh TCM trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng và có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới do đang là mùa dịch, nhất là học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/33883102-can-kien-toan-duy-tri-doi-ngu-cong-tac-vien-phong-chong-sot-xuat-huyet.html