Cần kinh phí hỗ trợ, thúc đẩy triển khai đầu tư dự án ĐHQG Hà Nội

Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc hoàn thành sẽ thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội phù hợp với định hướng chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên đến thời điểm này, dự án đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và công tác tái định cư.

Các nhà thầu tích cực triển khai công việc.

Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về quy hoạch ĐHQG Hà Nội, Dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc chậm tiến độ, chưa đạt được mục tiêu theo quy hoạch do nguyên nhân chưa bố trí đủ kinh phí đầu tư xây dựng, chưa giải quyết dứt điểm việc đền bù, giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Hoàng Hữu Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (BQLDA ĐTXD ĐHQGHN) tại Hòa Lạc cho biết: Hiện nay, công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành nhưng do thiếu kinh phí thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành dự án.

Cụ thể: Theo Đề án quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nhu cầu vốn giai đoạn 1 của Dự án là: 7.278 tỷ đồng. Từ khi Đề án quy hoạch tổng thể được phê duyệt đến nay, tổng số vốn kế hoạch được giao là: 906,617 tỷ đồng.

Trong đó: Vốn kế hoạch năm 2014: 125,227 tỷ đồng (bao gồm 50 tỷ đồng từ nguồn NSNN TW; 75,227 tỷ đồng từ nguồn theo Quyết định số 216/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Vốn kế hoạch năm 2015: 320 tỷ đồng; Vốn kế hoạch năm 2016: 340 tỷ đồng; Vốn kế hoạch năm 2017: 121,39 tỷ đồng.

Giai đoạn trung hạn 2016-2020, Dự án được bố trí tổng số vốn là 743,42 tỷ đồng. Như vậy, vốn cấp cho Dự án giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu vốn giai đoạn 1 của Dự án, điều này gây khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ, khối lượng và không hiệu quả trong đầu tư.

Theo ông Thắng, cái khó nhất hiện nay là phải có nguồn vốn nhà nước để làm cơ sở hạ tầng thiết yếu, ví dụ hạ tầng tương đối đồng bộ; hai là một số công trình giảng đường, thư viện rồi chỗ làm việc của các thầy cô giáo, chỗ ở cho sinh viên để từ đó các trường khai thác các nguồn vốn khác bổ sung vào thì nó mới thu hút được các nguồn vốn hợp pháp và nguồn vốn xã hội hóa.

“Hiện nay Ban cũng rất tích cực xử lý những tồn tại cũ ví dụ như chi phí xây dựng dở dang, chi phí trả cho người bán trước theo kết luận thanh tra. Hiện nay công việc cũng đang tiến triển tốt, được gần 50%, xử lý những tồn tại cũ, những cái đạt được kết quả tốt, tiếp tục những cái đấy thì đang kết toán và cũng được 5% các gói thầu đã và đang làm chuẩn bị, chuyển sang vốn cho đại học quốc gia khấu hao quy định, cũng xác định được cái tồn tại cũ sau khi quyết toán, xác định được để đưa vào bàn giao thì đấy là cái mà trước bao nhiêu năm cũng không làm được vì khó khăn là hồ sơ không đầy đủ rồi các công trình đang dở dang chưa xong, làm xong sau đó lại kiểm toán. Như vậy, vốn hiện nay không còn chỉ tập trung từ 2017-2020 thì đây là cái khó khăn nhất”, ông Thắng chia sẻ.

Để đảm bảo mục tiêu triển khai đẩy nhanh xây dựng dự án ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc, theo ông Thắng, cần phải bổ sung, tăng thêm vốn hàng năm trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 và có 1 gói kinh phí để hỗ trợ, thúc đẩy triển khai đầu tư dự án bằng nguồn vốn Nhà nước (Nguồn vốn WB hoặc từ nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa doanh nghiệp) để triển khai công tác GPMB, Tái định cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản, thiết yếu và điều đó sẽ thúc đẩy việc huy động, thu hút các nguồn vốn xã hội hóa, liên doanh, liên kết đầu tư.

Trong quá trình triển khải dự án, được sự quan tâm chỉ đạo đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, bộ, ngành liên quan và địa phương, đặc biệt là nỗ lực quyết liệt của BQLDA ĐTXD ĐHQGHN, đến nay việc triển khai thực hiện dự án và đã đạt được những kết quả khả quan.

Cụ thể: Hoàn thành lập, điều chỉnh QHCT 1/500 các dự án thành phần: ĐTXD khu Tái định cư (QG-HN01), ĐTXD hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung (QG-HN02), ĐTXD Trung tâm giáo dục Quốc phòng (QG-HN04), ĐTXD Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (QG-HN07)...

Về công tác GPMB: Trên cơ sở những cơ chế đặc thù được áp dụng, công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB đã đạt được những kết quả cơ bản: Tổng diện tích cần bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 1.113,7ha (bao gồm 1.000 ha đất triển khai dự án và 113,7ha đất triển khai xây dựng khu Tái định cư). Đã kiểm đếm bồi thường GPMB đến nay là 818,24/1.113,7ha (đạt 73,47%).

Về việc thực hiện đầu tư: Đã thi công xong, nghiệm thu, bàn giao cho ĐHQGHN đưa vào sử dụng các công trình, hạng mục công trình thuộc khu nhà công vụ (QG-HN06), khu KTX số 4 (QG-HN05) ngày 21/11/2014 và được ĐHQGHN đánh giá cao về hiệu quả sử dụng; Đã hoàn thành công trình tuyến đường 11, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 12/2016; Đã hoàn thành nút giao thông đối ngoại số 4; Thi công các tuyến đường số 1, 3, 4, 5 đạt từ 70% - 90% khối lượng công việc của hợp đồng; Thi công các tuyến đường số 6, 9, 12, công trình kè hồ, mương tuyến 1, 3, 8, 9, công trình Trạm biến áp 110 kV, đường dây 110 kV đấu nối và các xuất tuyến cáp giai đoạn 1 đạt từ 30% - 50% khối lượng công việc của hợp đồng...

Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, trong thời gian tới, BQLDA rất mong muốn tiếp tục sự quan tâm chỉ đạo đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, bộ, ngành liên quan và địa phương bổ sung, tăng nguồn vốn cho việc đẩy nhanh thực hiện dự án, đảm bảo chiến lược phát triển khoa học giáo dục và công nghệ, với phương châm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Quốc Bình

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/can-kinh-phi-ho-tro-thuc-day-trien-khai-dau-tu-du-an-dhqg-ha-noi.html