Cần làm gì khi phát hiện người đột quỵ não?

Khi phát hiện người nghi bị đột quỵ não, một trong những việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là gọi ngay cấp cứu 115 và gọi người hỗ trợ.

Dấu hiệu nhận biết người đột quỵ não.

ThS.BS Chu Văn Vinh – Khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đột quỵ não là bệnh hết sức nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng. Khi xảy ra đột quỵ não, việc phát hiện, cấp cứu và xử trí kịp thời đóng vai trò rất quan trọng.

Khi phát hiện người nghi bị đột quỵ não, một trong những việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là gọi ngay cấp cứu 115 và gọi người hỗ trợ.

Người nhà cần hết sức bình tĩnh thay vì hoảng loạn. Cố gắng xác định thời điểm xảy ra đột quỵ và tình trạng của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế cấp cứu và thực hiện theo hướng dẫn.

Có thể thực hiện thêm một số hành động sau:

+ Dìu người bệnh tránh để người bệnh bị ngã, chấn thương.

+ Để người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, kê cao đầu từ 20 - 30 độ, nằm nghiêng để tránh sặc khi bị nôn, lau sạch đờm dãi, nới lỏng quần áo, phụ kiện để người bệnh dễ thở.

+ Nếu người bệnh còn tỉnh, giao tiếp được hoặc khi có người hỗ trợ, hỏi thông tin về tình trạng bệnh lý, lịch sử và kết quả khám chữa bệnh, các thuốc đang sử dụng. Qua đó, có thể trao đổi khi nhân viên 115 tới hoặc với bác sĩ khi tiếp nhận người bệnh. Các thông tin này hết sức có ích cho quá trình cấp cứu và điều trị người bệnh.

+ Nếu người bệnh bị rối loạn ý thức, kiểm tra mạch của người bệnh. Nếu người bệnh bị ngưng tim thực hiện ngay hồi sức tim phổi (hô hấp nhân tạo). Có thể thông báo cho nhân viên y tế qua tổng đài cấp cứu 115 để được hướng dẫn khi không biết cách làm.

Những điều nên làm khi gặp người nghi đột quỵ não.

Bác sĩ Vinh khuyến cáo, khi phát hiện người nhà có các dấu hiệu nghi đột quỵ não, tuyệt đối không tự ý cho uống hay dùng bất kỳ loại thuốc nào. Nếu người bệnh bị chảy máu não, việc tự ý cho dùng thuốc có thể dẫn tới rối loạn đông máu, tăng kích thước khối máu tụ, dẫn tới tình trạng bệnh nặng lên, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.

Việc tự ý cho dùng thuốc có thể làm sặc vào đường hô hấp dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng do sặc, làm kéo dài thời gian cấp cứu người bệnh, hoặc gây ra chống chỉ định của các phương pháp điều trị tái thông.

Trong khi đó, hoàn toàn không có cơ sở khoa học cho thấy các biện pháp dân gian có thể giúp giảm nhẹ hay hồi phục người bệnh bị đột quỵ não. Việc chích máu hay cạo gió chỉ làm kéo dài thêm thời gian cấp cứu người bệnh đột quỵ não, có thể dẫn tới các biến chứng, nguy hiểm, chống chỉ định của việc điều trị.

Khả năng hồi phục của người bệnh đột quỵ não chủ yếu phụ thuộc vào thể bệnh, mức độ nặng của bệnh, vào việc cấp cứu và điều trị kịp thời, đúng cách cũng như quá trình tập phục hồi chức năng tích cực sau đột quỵ.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-lam-gi-khi-phat-hien-nguoi-dot-quy-nao-post682170.html