Cần lắm một nghị quyết về xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng

Chiều 26-5, thảo luận tại Tổ, nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận việc xử lý nợ xấu thời gian qua của Chính phủ và ngành ngân hàng là rất tích cực. Tuy nhiên, việc xử lý nợ còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, chủ yếu tập trung ở việc thiếu khung pháp lý xử lý và các đại biểu đều đồng tình việc cần sớm ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng càng sớm càng tốt.

Xử lý nợ xấu - cần có hợp lực của các ban, ngành

Cho biết ở Việt Nam, tín dụng dư nợ trên GDP là 112%, gấp đôi gấp ba các nước ASEAN, tạo gánh nặng lớn cho các tổ chức tín dụng, còn các nước có thêm nguồn vốn từ chứng khoán. Điều này làm đẩy nợ xấu, nợ quá hạn lên rất cao. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), việc giải quyết khoản nợ xấu này cần có hợp lực của các ban, ngành, sự vào cuộc của các cơ quan từ Chính phủ và Quốc hội và phải có khung pháp lý đủ mạnh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, hiện nay, đã có quan điểm phải cho ngân hàng phá sản, nếu để nợ xấu thì ngân hàng phá sản có thể xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người có tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Việc ra Nghị quyết không chỉ bảo vệ ngân hàng mà bảo vệ cho hàng trăm nghìn người gửi tiền.

“Về mặt xã hội, nếu giải quyết được nợ xấu thì đạt được nhiều mục tiêu, thứ nhất, giảm chi phí hoạt động kinh doanh tiền tệ (có thể giảm đến 1% trong lãi suất cho vay của ngân hàng). Thứ hai, giúp người đi vay thận trọng hơn khi vay tiền, đối với ngân hàng cũng phải chú ý đến chất lượng tín dụng khi cho vay” - đại biểu Hoàng Ngân nêu rõ.

Lo lắng là tài sản thế chấp cầm cố của nợ xấu có còn không - đại biểu Hoàng Ngân cho biết, số tài sản thế chấp nợ xấu vẫn còn, và chủ yếu nằm ở các tổ chức bất động sản. Nghị quyết ra đời sẽ giúp chúng ta tháo gỡ một số tranh chấp với tài sản đang thế chấp tại ngân hàng.

Thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để điều chỉnh vấn đề trong một thời gian nhất định và trong những điều kiện nhất định. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, với nội dung như vậy thì tính khả thi không cao và có nhiều mâu thuẫn, xung đột trong các quy định, như về tài sản thế chấp và khả năng thu hồi nợ xấu qua tài sản thế chấp có, tháo gỡ hết khó khăn nhưng tài sản đâu để thu hồi, các tổ chức tín dụng đã có hành lang pháp lý tương đối ổn để thu hồi nợ nhưng tại sao không thu hồi nợ được… Do vậy, Nghị quyết phải trả lời được những câu hỏi ấy.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) ý kiến tại tổ, chiều 26-5.

Vẫn tỏ ra băn khoăn, đại biểu Quyết Tâm đặt ra hàng loạt câu hỏi đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan làm rõ khái niệm mua bán nợ xấu theo giá thị trường là như thế nào? Đấu giá thời gian qua cũng có nhiều vấn đề, có ai mua ai bán, ai định giá, ai đấu giá, có bị thao túng và có thể bị lợi dụng để hợp thức hóa các khoản nợ có sai phạm? Dự thảo còn cho phép bán với giá thấp hơn giá ghi sổ của khoản nợ, đây là một cách hợp thức hóa cho sai sót đó.

Nhấn mạnh việc ra nghị quyết xử lý nợ xấu rất tốt, tuy nhiên đại biểu Quyết Tâm vẫn lo ngại, nếu như nghị quyết bị lợi dụng, đem lại lợi ích cục bộ cho một nhóm nào đó.

Bà Quyết Tâm đồng ý đề xuất của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung nguyên tắc không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu và đây là nguyên tắc “trụ cột”. Bà cũng đồng tình với Ủy ban Pháp luật đề nghị xử lý nghiêm minh trách nhiệm đúng quy định pháp luật của các tổ chức gây ra nợ xấu, không để lọt tội, đó là niềm tin của nhân dân với Quốc hội.

Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

Cho biết, quốc tế có 5 giải pháp xác định đánh giá tài sản nợ xấu minh bạch, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng, đầu tiên cần phải có cơ chế theo lộ trình này và cần có cơ quan thẩm định độc lập khách quan để xác định nguồn gốc.

Thứ nữa là việc mua lại nợ xấu của ngân hàng thông qua công ty xử lý nợ. Về giải pháp này, ông Thanh Vân cho biết, hiện nước ta có mỗi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là quá ít. Tính đến cuối năm 2016 mới xử lý hơn 50 nghìn tỷ đồng trong tổng số 611 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Giải pháp tiếp, theo đại biểu Thanh Vân là mua lại nợ xấu kèm ràng buộc cùng điều kiện ngặt nghèo gắn với cơ cấu lại ngân hàng, theo ông Thanh Vân, việc này hiệu quả chưa chuyển biến rõ nét trong tổ chức và hoạt động. Ngoài ra, còn giải pháp “bơm vốn” cứu ngân hàng để bảo đảm hoạt động lưu thông tiền tệ, thành lập công ty mua bán tài sản. Và cuối cùng là tạo ra cơ chế thỏa thuận thương lượng giữa các bên.

Tuy nhiên, vị đại diện Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội vẫn băn khoăn khi không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu là phù hợp với kế hoạch tài chính 5 năm nhưng giải pháp các nước sử dụng là có Hội cho tài chính, do vậy rất cần đến “bàn tay” nhà nước.

Ông Thanh Vân đề nghị cân nhắc việc không lấy ngân sách trả nợ xấu của các cá nhân, tổ chức mà để chính họ phải chịu.

Cho rằng việc bán nợ xấu và tài sản bảo đảm thì nợ gắn liền với tài sản bảo đảm. Khi nợ thì tài sản bảo đảm không cho phép bán tài sản bảo đảm dưới giá thị trường - ông Thanh Vân lưu ý.

Và theo thị trường phải theo giá-thị-trường. Tuy nhiên, ông Thanh Vân lo ngại sự lạm dụng trong đấu giá định giá mua bán lại, sẽ có cơ hội cho người chuộc lợi định giá thấp để ăn chênh lệch. Cho nên Chính phủ cần báo cáo Quốc hội các tình huống có thể xảy ra để ngăn chặn.

Theo đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương), chúng ta chưa tạo điều kiện để thị trường mua bán nợ xấu và tài sản bất động sản, nhiều quy định của pháp luật về xử lý tài sản còn nhiều vướng mắc, bất cập không bảo đảm quyền xử lý tài sản. Thời gian xử lý nợ và tài sản kéo dài, không hiệu quả, tuy nhiên qua các vụ việc thì thường kéo dài khoảng 2 năm mới giải quyết xong, dẫn đến mất thời gian, tốn kém về tiền án phí, lệ phí…

Khẳng định việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Quốc hội là cần thiết, đại biểu Quốc Thưởng nhấn mạnh: “Ban hành càng sớm càng tốt”.

Đồng tình việc Quốc hội kỳ họp thứ ba thông qua sẽ được áp dụng từ ngày 1-7-2017 và thời gian áp dụng trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, đại biểu Quốc Thưởng lưu ý cũng cần xem xét việc thực hiện nghị quyết diễn ra trong thời gian 5 năm đó.

Đại biểu Quốc Thưởng lo lắng về khoảng thời gian đó sẽ “nằm gối” trong giai đoạn 2 năm đầu tiên của kế hoạch kinh tế - xã hội đang thực hiện và giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, thì cần xem xét kỹ các quy định liên quan như việc miễn thuế, phí trong quá trình xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng và phải gắn trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức gây ra thực trạng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Quốc Thưởng đề nghị đối chiếu, rà soát xem có cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các phần có liên quan, thí dụ như Nghị định 69 năm 2016 của Chính phủ, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Thi hành án dân sự. Ngoài ra cần rà soát xem các văn bản dưới luật, các nghị quyết, nghị định, thông tư có liên quan.

Quy định về trách nhiệm, đại biểu Quốc Thưởng đề nghị bổ sung trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và trách nhiệm giám sát của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội. “Do các tổ chức tín dụng nằm ở địa bàn các địa phương, vì vậy cần bổ sung thêm giám sát của Hội đồng nhân dân các địa phương. Có như vậy mới có sự phối hợp chặt chẽ”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32984202-can-lam-mot-nghi-quyet-ve-xu-ly-no-xau-cho-cac-to-chuc-tin-dung.html