Cần làm rõ hơn nữa cơ chế phối hợp trong lập, xây dựng các báo cáo ngân sách

(HQ Online)- Chiều nay, 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.

Nhiều điểm mới

Thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình của dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Sau gần 14 năm, việc thực hiện Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) và phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm đã đạt được nhiều kết quả.

Quy chế này đã từng bước nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội, UBTVQH trong việc quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm; tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý tài chính – NSNN, đảm bảo được tính tập trung, thống nhất, dân chủ, công khai; tạo điều kiện cho các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội có sự phối hợp tốt hơn trong việc lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và phê chuẩn quyết toán NSNN.

Tuy nhiên, đến nay, Quy chế này đã không còn phù hợp với thực tiễn và cần thiết phải sửa đổi, đặc biệt, nhằm thống nhất với các quy định pháp luật mới như Luật NSNN năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; Luật Quản lý nợ công,…

Theo cơ quan soạn thảo, trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành với các nội dung lập dự toán NSNN, lập phương án phân bổ NSTW, lập quyết toán NSNN hàng năm, dự thảo Nghị quyết bổ sung hoặc làm rõ thêm một số nội dung, trong đó có việc lập Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.

Đây là nội dung mới theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Nội dung của Kế hoạch này gồm: Tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính - NSNN 5 năm giai đoạn trước; xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính – NSNN phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn sau; các định hướng lớn về tài chính - NSNN; huy động và phân phối các nguồn lực; cơ cấu NSNN,…

Dự thảo Nghị quyết cũng làm rõ hơn cơ chế phối hợp, tham gia giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình lập dự toán NSNN, xây dựng phương án phân bổ NSTW, tổ chức điều hành dự toán NSNN, lập báo cáo quyết toán NSNN; đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Quy định rõ quyền, trách nhiệm phối hợp

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách cũng như các ý kiến đóng góp của UBTVQH đều cơ bản đồng tình với những đề xuất của Chính phủ tại tờ trình.

Tham gia thêm một số nội dung, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết: Dự thảo Nghị quyết không quy định việc quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ là một trong những căn cứ để phân bổ NSTW hàng năm, trong khi đây là phương thức tiến bộ. Luật NSNN năm 2015 cũng đã quy định về vấn đề này và giao Chính phủ hướng dẫn. Do đó, với tính chất là một văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN và có giá trị pháp lý lâu dài, ổn định thì Nghị quyết cần quy định nội dung này.

Về sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước trong việc lập, xây dựng các báo cáo do Chính phủ trình UBTVQH và Quốc hội, theo ông Hải, dự thảo cần thể hiện rõ hơn về quyền và trách nhiệm của các cơ quan nói trên trong việc tham dự các cuộc họp có liên quan về tài chính - NSNN của Bộ Tài chính, Chính phủ, trong đó nhấn mạnh việc tham gia là quyền và trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước.

Về số lượng biểu mẫu, đa số các ý kiến tham gia đều thống nhất 60 biểu mẫu kèm theo dự thảo là phù hợp, có tính kế thừa Nghị quyết 387 hiện hành và cụ thể hóa các quy định mới của Luật NSNN năm 2015; bảo đảm sự công khai, minh bạch, rõ ràng các loại thông tin thuyết minh khá chi tiết khi trình bày báo cáo ngân sách cho các cơ quan có thẩm quyền.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh một số nội dung cơ quan soạn thảo cần tiếp thu như: bổ sung nguyên tắc, thẩm tra, quyết định đến ngân sách địa phương và cụ thể hóa chi tiết; bổ sung quy trình lập thẩm tra về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm bên cạnh Kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó làm rõ thêm trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,…

Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tài chính ngân sách chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và Ủy ban Pháp luật hoàn thiện lại dự thảo và trình, xin biểu quyết tại kỳ họp sau.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-lam-ro-hon-nua-co-che-phoi-hop-trong-lap-xay-dung-cac-bao-cao-ngan-sach.aspx