Cần làm rõ những bất cập trong việc hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chính sách hỗ trợ kinh phí cho những hộ dân đầu tư mua sắm máy gặt đập liên hợp, máy làm đất 4 bánh (Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND). Tuy nhiên, mới đây nhiều hộ dân ở xã Đại Hưng (H. Đại Lộc, Quảng Nam) cho rằng việc hỗ trợ còn nhiều bất cập cần làm rõ.

Máy gặt liên hợp, một trong các phương tiện được hỗ trợ theo Quyết định 33
của UBND tỉnh Quảng Nam.

Đủ điều kiện nhưng không được hỗ trợ

Ông Phan Tấn Lực (1964, trú thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng) cho biết, liên tiếp trong 2 năm 2014 và 2015, gia đình ông có mua 2 máy cày làm đất 4 bánh và 1 máy gặt liên hợp để phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đến cuối tháng 11-2016, thấy một số hộ trong xã có phương tiện như mình được nhận hỗ trợ từ 30-40 triệu đồng/máy thì ông Lực mới biết đến chính sách hỗ trợ của tỉnh. Ông Lực lên UBND xã Đại Hưng hỏi thì chính quyền xã cho hay đã thông báo về các thôn từ lâu. Tuy nhiên, khi ông Lực trực tiếp về hỏi bà Phạm Thị Đắc, Trưởng thôn Đại Mỹ thì bà Đắc xác nhận không nhận được thông báo trên của xã nên không biết để triển khai xuống các hộ dân.

Tương tự, trường hợp của ông Phan Văn Xô (1975, trú thôn Mậu Lâm, xã Đại Hưng) cũng mua 1 máy cắt lúa liên hợp, năm 2014, ông Xô mang hồ sơ đến UBND xã Đại Hưng để được hướng dẫn làm thủ tục để được hưởng chế độ hỗ trợ thì lãnh đạo xã nói cứ mang hồ sơ về, khi nào có chương trình triển khai thì sẽ thông báo đến tận gia đình. “Đến năm 2015, gia đình tôi mua thêm một máy nữa về phục vụ sản xuất và cất giữ hồ sơ chờ đợi thông báo của xã, nhưng đợi mãi vẫn không thấy. Trong khi đó, những hộ trong xã có phương tiện giống tôi đã nhận được giấy lãnh tiền hỗ trợ mỗi hộ 40 triệu đồng. Mới đây tôi lên xã hỏi thì họ mới đưa ra Thông báo số 4 ngày 5-5-2015 cho rằng đã gửi thông báo này xuống các thôn rồi. Do các thôn không thông báo nên gia đình tôi không biết. Tuy nhiên, làm việc với ông Bùi Văn Phúc – nguyên Trưởng thôn Mậu Lâm (thời điểm tháng 5-2015), ông Phúc khẳng định không nhận được thông báo của UBND xã Đại Hưng gửi xuống”, ông Xô trình bày.

Còn trường hợp gia đình ông Nguyễn Đình Cưng (1970, trú thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng) mua máy gặt liên hợp với số tiền 600 triệu đồng từ tháng 7-2015. “Trường hợp của tôi chính quyền xã cho rằng máy này mua sau khi có thông báo của xã nên gia đình tôi không được nhận hỗ trợ. Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn ở thôn 14 của xã Đại Lãnh mua máy gặt sau tôi nhưng vẫn nhận được số tiền hỗ trợ trong đợt này”, ông Cưng nói.

Thông báo số 4 của UBND xã Đại Hưng và đơn yêu cầu làm rõ việc “ém” thông tin của các hộ dân.

Có dấu hiệu “ém” thông tin

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng Hà Xuân Minh cho rằng, phản ánh của người dân không chính xác. “Dự án hỗ trợ này đã ngừng rồi, nhưng sau đó có thêm kinh phí nên huyện có công văn gửi về với nội dung chỉ xét hồ sơ những trường hợp tồn đọng tại xã qua các năm còn lại. Đối với 3 trường hợp trên do không có hồ sơ tại xã nên không được xét. Không có hồ sơ là do mua phương tiện sau hoặc không nghe thông tin chủ trương hỗ trợ trên. Trước đây việc xét hồ sơ rất kỹ, có mời đại diện ban dân chính các thôn tham dự...”(?!).

Tuy nhiên theo tìm hiểu của P.V, liên quan đến Quyết định số 33, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục ban hành Quyết định số 3840/QĐ-UBND ngày 31-10-2016 về việc cấp kinh phí hơn 14 tỷ đồng bổ sung cho các địa phương để thanh toán kinh phí hỗ trợ mua máy thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, H. Đại Lộc được cấp 3,7 tỷ đồng; H. Thăng Bình 3,2 tỷ đồng; TX Điện Bàn 2,1 tỷ đồng; H. Duy Xuyên 1,8 tỷ đồng; H. Phú Ninh 1,2 tỷ đồng; H. Núi Thành 1 tỷ đồng… “Số tiền từ nguồn sự nghiệp kinh tế năm 2015 chuyển sang năm 2016 để hỗ trợ cho các đối tượng đã mua máy phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp trước ngày 31-12-2015 có đầy đủ hồ sơ, thủ tục nhưng chưa được hỗ trợ”, nội dung Quyết định số 3840 nêu rõ.

Như vậy có thể thấy, theo Quyết định số 3840, tất cả những đối tượng đã mua máy phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp trước ngày 31-12-2015 có đủ hồ sơ, thủ tục đều được hỗ trợ. Riêng 3 hộ dân trên không được hỗ trợ là do không có hồ sơ ở xã vì họ không nhận được thông báo của chính quyền cơ sở. Theo như ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, trao đổi với P.V vào chiều 7-12: “Do trước đây nguồn kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 33 rất ít, trong khi đó hồ sơ xét duyệt người dân gửi lên thì nhiều. Chính vì lẽ đó nên có thể xảy ra những bất cập”. Thiết nghĩ, các ngành chức năng xác minh làm rõ những “bất cập” đã xảy ra như đã phản ánh là do đâu?... Từ đó đem lại quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh việc khiếu kiện kéo dài, gây phức tạp tình hình tại địa phương.

Bão Bình

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_158846_ca-n-la-m-ro-nhu-ng-ba-t-ca-p-trong-vie-c-ho-tro-c.aspx