Cần làm rõ việc người lao động phản ánh Công ty SONA chậm thanh lý hợp đồng

Báo Lao động Thủ đô nhận được đơn phản ánh của một số lao động sau khi về nước từ chương trình “Thực tập sinh tại Nhật Bản”, do Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (Công ty SONA) đưa đi, đã không được thanh lý hợp đồng theo đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Theo đơn của anh Đỗ Văn Vinh (SN 1992, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội): Anh Vinh nộp hồ sơ xin đăng ký dự tuyển chương trình “Thực tập sinh tại Nhật Bản”. Ngày 11/2/2015, anh Vinh ký Hợp đồng thực tập sinh đi thực tập tại Nhật Bản với thời hạn 3 năm và xuất cảnh vào ngày 4/3/2015. Trước khi xuất cảnh, anh vinh phải nộp cho Công ty SONA tổng số tiền 170.610.000 đồng trong đó có 84 triệu đồng tiền ký quỹ, còn lại là tiền chi phí xuất cảnh. Trong thời gian thực hành kỹ năng tại Nhật Bản, anh Vinh được nghiệp đoàn thông báo rằng chi phí về đào tạo, tiền vé máy bay đã được nghiệp đoàn tài trợ và do đây là chương trình tiếp nhận thực tập sinh nên nghiệp đoàn không thu phí môi giới từ thực tập sinh.

Ba lao động phản ánh sự việc với phóng viên.

Tại nơi thực hành kỹ năng tại Nhật Bản, anh Vinh luôn cố gắng làm việc chăm chỉ và tuân thủ các quy định của nghiệp đoàn. Tuy nhiên, ngày 10/2/2017, anh Vinh vẫn phải về nước trước hạn vì nơi tiếp nhận lại cho rằng anh không cố gắng trong công việc. Từ ngày anh Vinh về nước đến nay, trong hơn 1 tháng, mặc dù anh đã nhiều lần liên hệ với Công ty SONA để hỏi ngày thực hiện thanh lý hợp đồng nhưng phía Công ty SONA đều trả lời là chờ Phòng tài chính – Kế toán tính phần lãi suất của tiền ký quỹ và hiện công ty vẫn chưa thực hiện việc thanh lý hợp đồng cho anh Vinh.

Tương tự trường hợp anh Vinh là anh Lê Anh Hà (SN 1986, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội). Anh Hà ký hợp đồng và xuất cảnh cùng ngày với anh Vinh nhưng tổng số tiền phải nộp chỉ là 86.950.000 đồng trong đó có tiền ký quỹ 55 triệu đồng và còn lại là phí môi giới xuất cảnh. Anh Vinh cũng phải về nước trước thời hạn (ngày 5/3/2017) với lý do không cố gắng trong công việc. Đến thời điểm này, anh Hà vẫn chưa được thanh lý hợp đồng, lý do cũng tương tự như trường hợp của anh Vinh.

Một lao động nữa có đơn phản ánh là anh Trần Quốc Đại (SN 1992, quê ở Mỹ Lộc, Nam Định). Anh Đại ký hợp đồng đi thực tập sinh tại Nhật Bản vào ngày 26/2/2016 và xuất cảnh vào ngày 5/3/2016 với tổng số tiền hơn 181 triệu đồng trong đó bao gồm tiền chi phí xuất cảnh, phí môi giới, phí thực hiện hợp đồng bảo lãnh. Ngày 10/3/2017, anh Đại phải về nước trước thời hạn với lý do không cố gắng trong công việc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Công ty SONA vẫn chưa thực hiện việc thanh lý hợp đồng với anh Đại...

Theo Hợp đồng thực tập sinh đi thực tập tại Nhật Bản do Công ty SONA ký với 3 lao động nêu trên, về trách nhiệm thanh lý hợp đồng nêu rõ: Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày về đến Việt Nam, phía công ty phải phối hợp với người lao động để tiến hành thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, theo cả 3 lao động, họ đã nhiều lần gọi điện, gửi đơn tới công ty đề nghị được thanh lý hợp đồng nhưng đến nay, việc thanh lý vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Phó Tổng giám đốc Công ty SONA) cho biết: Hiện, phía công ty vẫn đang chờ văn bản phía đối tác về các khoản phải khấu trừ của người lao động như tiền vé máy bay, tiền đào tạo… Đến khi nào có đầy đủ thông tin từ phía đối tác thì công ty mới có cơ sở để thanh lý hợp đồng với người lao động. Bà Nga cũng cho biết sẽ làm việc với phóng viên vào một buổi khác để làm rõ những nội dung phản ánh của người lao động liên quan đến việc thanh lý hợp đồng.

Ngoài nội dung phản ánh về việc Công ty SONA chậm thanh lý hợp đồng với người lao động, người lao động còn phản ánh việc, công ty thu phí môi giới, phí xuất cảnh không đúng quy định… Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Công ty SONA và các cơ quan chức năng để làm rõ những nội dung phản ánh của người lao động.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-lam-ro-viec-nguoi-lao-dong-phan-anh-cong-ty-sona-cham-thanh-ly-hop-dong-52236.html