Cần lắm tượng đài những người lính sinh viên bất tử

Từ năm 1970 đến năm 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học của Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu. Hơn một nửa đã hy sinh tại các mặt trận, nhưng nhiều hơn cả là hy sinh tại chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tại Thành cổ cũng có một tượng đài dành riêng cho những người lính sinh viên Hà Nội đã hy sinh trong những tháng ngày đỏ lửa đó…

Sinh viên Hà Nội lên đường nhập ngũ những năm 1970-1972

Sinh viên Hà Nội lên đường nhập ngũ những năm 1970-1972

Hơn 10.000 sinh viên lên đường nhập ngũ

Năm 1970, nhiều trường đại học (ĐH) trở về Hà Nội sau những năm tạm sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom. Thời gian này, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” và thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Từ năm 1970 đến năm 1972, hơn 10.000 sinh viên (SV) các trường ĐH ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ SV Thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Nhập ngũ đông nhất là SV các trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân). Có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài.

Đợt tuyển quân đông nhất là vào năm 1971. Hàng nghìn SV bước vào năm học mới cũng là lúc nhận được giấy báo nhập ngũ. Ngày 6/9/1971, lễ xuất quân diễn ra ngay tại sân nhiều trường ĐH, có bạn bè, thầy cô đưa tiễn.

Trong nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của anh Nguyễn Văn Thạc đã ghi lại rõ nét ngày hôm đó, ngày 6/9/1971, ba ngàn SV Hà Nội xuất quân trong ngày Hà Nội mưa trắng trời. Cùng bạn bè đứng dưới sân Trường ĐH Tổng hợp trong lễ ra quân, bài Quốc ca anh đã nghe bao lần, lá cờ Tổ quốc quá đỗi thân thuộc, nhưng chỉ khi ấy anh mới cảm nhận rõ rệt và thấm thía đó là máu của chính mình…

Toàn bộ SV nhập ngũ đợt tháng 9/1971 được đưa lên huấn luyện tại vùng đồi núi thuộc tỉnh Hà Bắc (cũ). Ở đây, họ được học về chiến thuật, chiến lược, kỹ thuật sử dụng vũ khí và tác chiến. Mỗi đêm các tân binh phải đeo đến 20kg đất đựng trong sọt tre mà đi, chạy để rèn sức dẻo dai cho chuyến hành quân bộ vào miền Nam.

Cuối đợt huấn luyện, sau khi phân loại là SV trường nào, họ được xếp vào binh chủng cho phù hợp: Bách khoa thì vào pháo binh, thông tin; Y thì vào quân y; Mỏ - địa chất vào công binh; Kinh tế, tổng hợp vào bộ binh… Nhưng phần đông SV được biên chế vào các đơn vị chiến đấu như các trung đoàn 95, 101, 18 của Sư đoàn 325; Sư đoàn 338, 308, trực tiếp tham chiến ở mặt trận Bình - Trị - Thiên.

“Hẹn trở về, Hà Nội mến yêu”

Đầu năm 1972, chuyến tàu chở bộ đội, chủ yếu là tân binh SV đi thẳng từ ga Kép (Bắc Giang) đến ga Vinh để từ đây hành quân vào chiến trường. Nhiều cựu SV kể lại, khi tàu đi qua ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay), những lá thư từ các toa được thả xuống trắng đường. Ngoài bì thư chỉ ghi vội dòng chữ “Nhờ ai nhặt được thư này chuyển đến giúp số nhà... Hẹn trở về, Hà Nội mến yêu” hay “Đi B, ngày”…

Lớp lính SV ấy có mặt trên khắp trận tuyến, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam bộ, tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, ở Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Trong hơn 10.000 SV lên đường thì hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Có người ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn như liệt sĩ Nguyễn Văn Tư (SV ĐH Bách khoa), hy sinh lúc 10h sáng 30/4/1975, cách giờ phút đất nước thống nhất chưa đầy hai tiếng. Và lời hẹn “trở về” đã có hơn một nửa mãi mãi không thực hiện được, họ đã ở lại với tuổi 20 trắng trong ở một vạt rừng, một trận chiến ác liệt nào đó…

Sau ngày thống nhất, những người lính SV lại trở về giảng đường, tiếp tục đi học. Nhiều người mang thương tật chiến tranh, di chứng của những trận sốt rét rừng. Rất nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường ĐH, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn. Một số người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Quốc Triệu - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế...

Trong một buổi gặp mặt truyền thống của SV lên đường chiến đấu tại Hà Nội, ông Ngô Quang Năng, cựu sinh viên ĐH Nông nghiệp chia sẻ: “Những SV lên đường nhập ngũ hầu hết rất giỏi mới thi đỗ vào các trường ĐH. Ngày ấy rời giảng đường, chúng tôi đều nuối tiếc. Ai chẳng muốn được đi học, được trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo. Nhưng đất nước có chiến tranh, cầm súng là bổn phận, cũng là vì danh dự của một thế hệ, một lớp người”.

Thầy Phạm Thành Hưng (bên phải) bên Tượng đài liệt sĩ Đại học Bách khoa Hà Nội

Và những ước nguyện còn đó…

Sinh thời, cố nhà giáo Hoàng Xuân Tùy - nguyên Thứ trưởng Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp, nguyên Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội từng đề cập đến việc Nhà nước cần có một hình thức động viên, khen thưởng nào đó đối với lớp SV ĐH xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Ông cũng hy vọng các trường có thể tổng hợp danh sách SV ra trận qua các năm và số liệt sĩ hy sinh thời kỳ đó.

Nhưng đến nay ước nguyện của người thầy đối với học trò vẫn chưa làm được. Để tưởng nhớ bạn học, đồng đội, nhiều cựu SV các trường ĐH đóng góp xây nên các tượng đài, đài kỷ niệm SV lên đường bảo vệ Tổ quốc trong khuôn viên các trường: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân...

Tuy nhiên, điều đáng nói, hiện nay các thầy giáo (nay là GS, TS) cựu chiến binh và những cựu chiến binh tòng quân từ các trường ĐH đều có tâm nguyện rằng, ít nhất ở Trường ĐH Tổng hợp cũ (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐHQG Hà Nội), vừa là trường có đông SV nhập ngũ, vừa là ngôi Trường được khởi đầu từ trường ĐH Văn khoa (chuyên về các môn khoa học xã hội) do Bác Hồ đặt tên 70 năm trước nên có một góc nào đó dành riêng để tưởng nhớ những người lính SV đã ngã xuống.

Một cựu chiến binh cho biết: Đã qua 4 “đời” hiệu trưởng rồi mà Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn không theo gương ĐH Bách khoa là xây một tấm bia kỷ niệm cho các liệt sỹ / cựu chiến binh xếp bút nghiên ra trận, mặc dù trường có 2 Anh hùng Lực lượng Vũ trang là Anh hùng Liệt sĩ Trần Tiến (nhà văn Chu Cẩm Phong) và Anh hùng Liệt sĩ Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân).

PGS TS Phạm Thành Hưng, giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn bùi ngùi chỉ, trong một tấm ảnh của Khoa Toán K75 chụp khoảng 7, 8 người thì đã có 4 người hy sinh, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc. Họ đều là những SV rất giỏi thời đó.

Thầy Phạm Thành Hưng cho biết, trước đây đã vài lần đề nghị nhưng chưa thực hiện được. Nếu nói về khó khăn tài chính cũng không phải, bởi tùy hoàn cảnh có thể thực hiện được tâm nguyện đó không mấy khó khăn. Tuy nhiên, về phía nhà trường, lo lắng sợ nơi đó sẽ thành điểm mê tín, thành miếu thờ để SV thắp hương ngày tuần trong tháng (!); rồi thông tin nhà trường sẽ chuyển về Hòa Lạc nên làm sẽ lãng phí…

Song theo tâm nguyện của những người cựu chiến binh, họ cho rằng những lý do đó không mấy thuyết phục. Bởi đó không phải là miếu thờ mà cũng giống như ở ĐH Bách khoa, đó là Đài tưởng niệm, là nơi để SV dâng hoa trong lễ tốt nghiệp, là nơi để tất cả các cựu chiến binh các thế hệ tưởng nhớ về đồng đội mình. Hiện khuôn viên trường chật nên việc tìm địa điểm thích hợp đang được các thầy tính tới.

Có thể giản dị chỉ là một tảng đá có dòng chữ tưởng nhớ đặt dưới một lùm cây. Còn nếu làm được tượng đài thì những cựu chiến binh đều có chung ý tưởng là tại sân Trường ĐH Tổng hợp cũ nay là khu vườn hoa của ĐH Khoa học Tự nhiên, nơi diễn ra lễ xuất quân hơn 40 năm trước.

Muộn còn hơn không!

Thiếu vắng một tấm bia kỷ niệm nên hiện nay những cựu chiến binh mỗi dịp gặp mặt đồng đội cũ, hay một dịp nào đó vẫn thường tới Đài tưởng niệm ở ĐH Bách khoa để tưởng nhớ về một lớp SV gác bút nghiên ra trận một thời. Thầy Phạm Thành Hưng lý giải, cổng parabon là biểu tượng thứ nhất - biểu tượng hòa bình của ĐH Bách khoa. Còn cột bia kỷ niệm này là biểu tượng thứ hai.

Tháp của cột bia là chiếc mũ cối gắn quân hiệu sao vàng năm cánh, phía dưới là cuốn giáo trình đọc dở. Các thầy giáo và SV Bách khoa trai trẻ đã từng sống với những ước mơ lập nghiệp, đặt trang sách cao hơn cuộc đời và rồi họ đã gác lại tất cả để ra trận...

Tại Trường ĐH Bách khoa, thầy Nguyễn Dũng (vẫn được bạn bè gọi là Dũng đầu bạc) không lập gia đình nhưng nuôi con của một đồng đội đã hy sinh, vào những ngày tuần trong tháng đều ra đặt hoa ở Tượng đài liệt sỹ và những ngày tết thầy thường xuyên vào Thành cổ Quảng Trị để thắp một nén nhang cho đồng đội mình, chỉ để nói rằng: “Hòa bình rồi, chúng mày ơi”…

Thế nên, dành một nơi tưởng nhớ cho một thế hệ tài hoa ra trận, muộn còn hơn không là mong mỏi của những người lính SV may mắn trở về, thương nhớ khôn nguôi những người bạn của mình, và cũng là niềm tự hào, rưng rưng của những người trẻ hôm nay trước những con người đã hóa thân thành bất tử, “làm nên dáng hình Tổ quốc”.

Nguyệt Thương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/can-lam-tuong-dai-nhung-nguoi-linh-sinh-vien-bat-tu-225810.html