Cần loại bỏ tư duy nhiệm kỳ trong thu hút đầu tư

GS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có những động thái để đảm bảo không tái diễn những vụ việc tương tự vụ Formosa đầu độc biển miền Trung.

Đó là quan điểm của GS.TS Nguyễn Hữu Ninh (ảnh), Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm nghiên cứu giáo dục, môi trường và phát triển (thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam).

Với kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế khi là thành viên của Giải thưởng Nobel Hòa bình 2007 (tư cách tác giả chính chương châu Á trong Báo cáo đánh giá 3.000 trang của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc) GS Ninh cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có những động thái để đảm bảo không tái diễn những vụ việc tương tự.

Cấp thiết luật hóa “tội phạm môi trường”

Thưa giáo sư, vụ việc Formosa đầu độc biển miền Trung thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề môi trường trong thu hút đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, không thể để tình trạng cứ vi phạm rồi xử phạt, bồi thường là xong chuyện. Ông nghĩ sao?

Sự việc Formosa xả thải khiến biển miền Trung nhiễm độc là thảm họa môi trường cực kỳ nghiêm trọng, chắc chắn, Chính phủ sẽ phải rà soát những chế tài xử lý vấn đề môi trường mà chúng ta đang có hiện nay để đảm bảo không bao giờ có hiện tượng tái diễn.

Tuy nhiên, từ vụ việc này, theo quan điểm của tôi, chúng ta phải tiếp cận vấn đề môi trường là "an ninh phi truyền thống". Có nghĩa chúng ta sẽ phải điều chỉnh các bộ luật, thông tư liên quan để xem xét việc gây ô nhiễm môi trường làm phương hại đến an ninh quốc gia. Có như vậy mới có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ cả hai phía. Phía các chủ dự án cũng như phía người thi hành công vụ của chính quyền.

Thực tế chỉ ra rằng, các vụ vi phạm môi trường khó phát hiện và xử lý, truy cứu trách nhiệm là do chính sách, pháp luật của nhà nước đối với hành vi này đang còn nhiều thiếu sót. Hơn nữa, hệ thống các cơ quan công quyền chịu trách nhiệm thực thi pháp luật bảo vệ môi trường đang còn chồng chéo, chưa thống nhất.

Chính vì vậy việc luật hóa khái niệm “tội phạm môi trường” một cách hợp lý, khoa học, chính xác, sát thực tế là cấp thiết. Từ những lỗ hổng giữa thực tế về tình trạng vi phạm môi trường ngày càng tăng, trong khi có rất ít vụ, hoặc thậm chí không có vụ nào đối với một số loại vi phạm cụ thể, bị khởi tố và xử lý hình sự cho thấy sự bất cập của quy định pháp luật về tội phạm môi trường, và sự yếu kém của cơ quan thi hành pháp luật về tội phạm môi trường ở Việt Nam.

Bất cập về chủ thể vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự, bất cập về xác định hậu quả của hành vi phạm tội, về “yếu tố bắt buộc” trong truy cứu hình sự. Tội phạm môi trường ngày một gia tăng, trong khi đó, công tác truy tố, xét xử và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật môi trường còn nhiều hạn chế.

Theo các chuyên gia, thực tế, từ trước tới nay, Việt Nam mới chỉ khởi tố điều tra và đưa ra xét xử đối với các hành vi vi phạm thuộc hai tội danh: hủy hoại rừng (theo Điều 189, Bộ Luật Hình sự) và vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (theo Điều 190, Bộ Luật Hình sự). Trong khi đó, các tội danh khác, mặc dù gây thiệt hại rất lớn cho môi trường và sức khỏe, tài sản của người dân nhưng lại không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xin đừng đánh đổi môi trường

Luật hóa tội phạm môi trường là cấp thiết, nhưng đó là khi sự đã rồi. Có một thực tế trong thời gian qua là những tỉnh nghèo (như Hà Tĩnh chẳng hạn) thường mang tâm lý phải thu hút đầu tư bằng mọi giá để rồi phải trả giá đắt với vấn đề môi trường. Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu quốc tế, giáo sư có những khuyến cáo gì đối với “phong trào” này?

Đưa lên bàn cân giữa lợi ích kinh tế và môi trường, sự lựa chọn kinh tế, quá thiên về hướng phát triển kinh tế sẽ gây nên sự bất ổn và ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Chúng ta có thể thấy minh chứng của điều này khi nhìn vào quá trình phát triển của loài người.

Trong quá khứ, để phát triển kinh tế, con người đã khai thác nguyên liệu hóa thạch. Đó là nguyên nhân khiến loài người phải đối mặt với sự gia tăng của hiện tượng hiệu ứng nhà kính, sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Cái mà đang đe dọa sự phát triển bền vững cũng như tính ổn định của toàn xã hội.

Ngay ở vụ Formosa vừa qua cũng vậy, tai biến môi trường gây ra đã làm hệ sinh thái biển miền Trung bị thiệt hại nghiêm trọng, cá biển chết hàng loạt và các độc tố vẫn đang tồn tại ở môi trường và sẽ đi vào cơ thể sống. Điều này không chỉ gây nên những tác động tới sinh vật biển mà còn gây tác động tới tâm lý người mua thủy hải sản, cơ sở du lịch dịch vụ cũng như ngư dân.

Thực tế, để tạo ra kinh tế theo các nhà kinh tế học cần sự tham gia của hệ thống phân cấp của vốn như sau. Đầu tiên là vốn tự nhiên – đó là phần tự nhiên bị tác động bao gồm: nước, không khí, động thực vật, địa chất, đất... Vốn tự nhiên góp phần bởi các dịch vụ sinh thái, cái mà con người dựa vào và là bản chất của mọi loại sản xuất.

Sau đó, đấy là vốn con người, liên quan tới những lợi ích mà con người nhận và sự thoải mái của chúng ta, sức khỏe của chúng ta, ý tưởng, động lực và sự sáng tạo của chúng ta - tất cả đều là thành phần quan trọng để sản xuất và làm việc. Tiếp theo là vốn xã hội, loại vốn này đóng vai trò ít hơn các thành phần khác, tuy nhiên nó lại có nhiều ảnh hưởng hơn bởi nó tác động thể chế để quyết định các khả năng của con người bao gồm học vấn, luật pháp và xa hơn nữa, là sự quan tâm đến sức khỏe, sự đa dạng của gia đình, cộng đồng, các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng...

Là một chuyên gia nghiên cứu quốc tế, giáo sư có kiến giải gì với các thảm họa môi trường?

Như tôi đã nói, luật hóa về tội phạm môi trường ở nhiều nước như Trung Quốc hay Ấn Độ cũng là một cách để học hỏi, bên cạnh việc yêu cầu bồi thường thông qua việc kiện bên gây ô nhiễm và có thể đóng cửa cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Sự hạ thấp giá trị vốn tài nguyên, sự thoải mái khi sử dụng nước, đất, dịch vụ sinh thái... trong các chương trình tăng trưởng kinh tế, thông thường các nhà quản lý khuyến khích mở rộng tối đa tiêu thụ tài nguyên trong thời gian ngắn. Nhưng trong thời gian dài, hệ quả không thể tránh khỏi là sự suy giảm nguồn tài nguyên trên hành tinh, khiến sự tăng trưởng bền vững của chính chúng ta trở nên khó khăn và làm cho xã hội trở nên rắc rối vì hàng tỉ người không thể tiếp cận các nguồn tài nguyên cơ bản – thứ mà vốn là đặc quyền của mỗi người.

Điều đáng buồn là nhiều nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) – những nước mà gần đây được đề cập tới như là các “thị trường mới nổi”, các “công xưởng mới” đang sẵn sàng đánh đổi nguồn vốn thứ nhất “vốn tự nhiên, vốn tài nguyên” của mình để lấy sự phát triển kinh tế.

Cần có sự giám sát của cộng đồng

Nhân nói đến "tư duy nhiệm kỳ" và "chi phí lợi ích của người dân", có vẻ như hai vế này hơi khập khiễng, thực tế chỉ ra rằng, đa phần các dự án đầu tư, người dân không có quyền lựa chọn, thưa giáo sư?

Vấn đề về tư duy nhiệm kỳ đã được chính phủ, quốc hội, các phương tiện truyền thông, các chuyên gia phản biện nhắc đến trong nhiều năm qua. Về mặt tích cực, các dự án đầu tư mang lại diện mạo mới cho phát triển địa phương, tạo công ăn việc làm và tăng thu cho ngân sách. Nhưng tuổi thọ một dự án kéo dài đến 50-70 năm đi qua hơn 10 nhiệm kỳ công quyền thì biết bao vấn đề nảy sinh từ quyết định ban đầu chấp nhận dự án.

Tư duy nhiệm kỳ và tại sao xảy ra thì các kênh truyền thông khác nhau đã nói nhiều, tôi không nhắc lại ở đây, nhưng một điều chắc chắn là sau thảm họa môi trường mang tên Formosa tại Việt Nam, cần loại bỏ hoàn toàn tư duy nhiệm kỳ trong việc thu hút đầu tư vào các địa phương.

Thực tế yêu cầu về đánh giá tác động môi trường và đánh giá môi trường chiến lược đã được ban hành ở Việt Nam trong Luật Môi trường. Việc chỉ ra các tác động tích cực và tiêu cực có thể có cũng như cách quản lý các tác động tiêu cực của dự án được quy định trong đánh giá tác động môi trường. Trong đó có phần yêu cầu lấy ý kiến của cộng đồng địa phương về việc thực hiện dự án, sau khi đã cho địa phương biết được về dự án cũng như các yếu tố liên quan khác.

Tại Việt Nam bước này là một trong những bước vẫn chưa được nghiêm túc thực hiện. Ở nhiều vùng, đôi khi người dân chỉ biết có dự án sắp về địa phương mà không hề được cung cấp thêm các thông tin liên quan đến các tác động của dự án cũng như việc lấy ý kiến cộng đồng, họ chỉ lấy ý kiến của các cán bộ ủy ban mà thôi.

Để xử lý vụ ô nhiễm môi trường phần lớn các nước đều thành lập hội đồng đánh giá với sự tham gia của cơ quan chức năng, các nhà khoa học, đại diện địa phương. Bên cạnh đó, các buổi tham vấn với chuyên gia và cộng đồng với sự tham gia của cả bên gây ô nhiễm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ liên tục được mở để có thể thống nhất về hoạt động cũng như mức độ bồi thường, cách thức bồi thường.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/can-loai-bo-tu-duy-nhiem-ky-trong-thu-hut-dau-tu-post169089.html