Cần một chương trình tổng thể giảm nghèo bền vững

Ngày 27-5, Quốc hội dành một ngày để thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2010.

Là đối tượng của rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, mặc dù trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo khá toàn diện, đời sống của đồng bào đã từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trình độ dân trí được nâng lên một cách rõ rệt. Đây là một trong những điểm sáng của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, được dư luận quốc tế và nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, các chương trình mục tiêu quốc gia chưa phát huy hết hiệu quả, còn bộc lộ nhiều bất cập. Điều đó thể hiện ở hiệu quả giảm nghèo chưa cao, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, hộ cận nghèo lớn. Hiện nay, Chính phủ đang có khoảng trên 10 chính sách liên quan, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, từ việc hỗ trợ cây con, cây giống đến giáo dục y tế v.v... Tuy nhiên, nguồn lực phân bổ cho chương trình để giảm nghèo còn phân tán, dàn trải, nhiều nội dung hỗ trợ trùng lặp do nhiều cơ quan quản lý thực hiện, tính lồng ghép không cao. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo còn manh mún và mang tính bình quân... Với cơ chế này, việc hỗ trợ như hiện nay cho các địa phương sẽ không đạt được hiệu quả như mục tiêu đưa ra, chưa tạo động lực cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Chương trình 135 đã được Chính phủ triển khai tích cực với nhiều kì vọng. Phát huy kết quả giai đoạn 1, sau 4 năm thực hiện giai đoạn 2 mới chỉ có 110 xã (chiếm 6%) cơ bản hoàn thành mục tiêu thoát khỏi diện đầu tư của chương trình. Điều đáng nói là 7/11 chỉ tiêu khó có thể đạt được ở các xã đặc biệt khó khăn khi kết thúc chương trình vào năm nay, đó là đường giao thông, trường lớp kiên cố, trạm y tế đạt chuẩn, đủ hệ thống điện, nước sinh hoạt và số hộ có nhà vệ sinh. Có 3/11 chỉ tiêu dự kiến sẽ đạt vào cuối năm 2010 song không bền vững. Ví dụ, chỉ tiêu hộ nghèo giảm dưới 30%, đến năm 2009, cả nước còn 31,2% hộ nghèo, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại rất lớn. Chỉ có 1 chỉ tiêu đạt, đó là 100% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý miễn phí. Tuy nhiên, số tuyệt đối người dân được trợ giúp pháp lý chưa cao. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, cả nước vẫn còn trên 400 ngàn hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; trên 29 ngàn hộ dân còn du canh, du cư; trên 300 ngàn hộ định cư định cư nhưng còn du canh; trên 375 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống đặc biệt khó khăn… Một điều bất cập các đại biểu chỉ ra đó là các chương trình, dự án cùng được triển khai trên một địa bàn nhưng thiếu sự phối hợp để lồng ghép với nhau nhằm đạt hiệu quả mục tiêu chung. Trong nhiều chương trình, dự án vừa qua, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành phối hợp tổ chức lồng ghép những nội dung trùng lặp, nhưng đến thời điểm này chưa có một văn bản nào của Chính phủ ban hành quy chế lồng ghép. Điều này khiến các bộ, ngành khó thực hiện. Năm 2010 cũng là năm kết thúc hầu hết các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổ chức đánh giá toàn diện, tổng thể các chương trình, và chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, trong đó cần nỗ lực khắc phục cho được những hạn chế của giai đoạn vừa qua mà Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra, đặc biệt là cần nghiên cứu tăng nguồn vốn xây dựng cơ chế vận hành, quản lý vốn có hiệu quả hơn, tăng cường phối hợp lồng ghép giữa các chương trình giảm nghèo, loại bỏ sự chồng chéo giữa các chương trình và đề án. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ nên xây dựng một chương trình giảm nghèo mang tính tổng thể, có sự kết hợp các chương trình 135, 134, chương trình đào tạo nghề... Chương trình này sẽ mang tính chiến lược lâu dài với những giải pháp đồng bộ, đảm bảo đủ các nguồn lực đầu tư để thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo một cách nhanh và bền vững, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, mang tính giải quyết tình thế, thiếu chiều sâu. Khi hợp nhất các chương trình sẽ giúp thu gọn đầu mối, khâu trung gian; tránh tình trạng nhiều bộ, ngành cùng tham gia vào một chương trình, dự án, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, phân tán nguồn lực do chi phí nhiều cho Ban quản lý dự án. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng vốn và đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn đầu tư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, vì với mức đầu tư như hiện nay thì phải đến 70 năm nữa mới thực hiện xong chương trình theo Nghị quyết của Chính phủ. Theo nhiều đại biểu, chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 đến nay không còn phù hợp. Chuẩn nghèo dựa trên nhu cầu chi tiêu cơ bản của hộ gia đình mà nhu cầu này lại phụ thuộc vào giá cả, nên khi chỉ số giá tiêu dùng tăng sẽ dẫn đến một hệ quả là làm giảm giá trị thực tế của chuẩn nghèo xuống. Chuẩn nghèo đã được áp dụng từ năm 2006, nhưng giá tiêu dùng năm 2009 đã tăng đến 53,3% so với năm 2005. Hơn nữa, gianh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo quá hẹp, khi gặp rủi ro, thiên tai thì hộ cận nghèo sẽ tái nghèo trở lại. Trong khi đó, Chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Điều này gây khó khăn trong quá trình bình xét ở cơ sở. Đặc biệt, hiện nay đang diễn ra một xu hướng tăng chênh lệch về giàu, nghèo và có sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các nhóm dân cư, chênh lệch giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất có xu hướng ngày càng tăng. Cụ thể là 8,1 lần năm 2002 lên 8,4 lần năm 2006 và tăng đến 8,9 lần vào năm 2008. Từ thực trạng trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành chuẩn nghèo mới cho giai đoạn tiếp theo hướng vào đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của con người. Vũ Tuấn

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/xa-hoi/can-mot-chuong-trinh-tong-the-giam-ngheo-ben-vung/38027.039.html