Cần một tổ chức độc lập định giá điện

Kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân tăng 5%. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS,TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế về tác động của giá điện tăng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và việc quản lý giá điện ra sao cho hợp lý, minh bạch.

PGS, TS Ngô Trí Long

Thưa ông, việc giá điện bình quân tăng thêm 5% từ ngày 1/8/2013 có hợp lý với tình hình kinh doanh của ngành Điện?

Kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân tăng 5% so với trước. Đây là lần đầu tiên trong năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện và là lần tăng giá thứ 7 từ năm 2009 đến nay, với mức tăng bình quân 8,12%.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về điều chỉnh giá điện là theo cơ chế thị trường (tức tất cả các chi phí đầu vào phải được tính đúng, đủ và hợp lý để tạo ra giá bán điện cuối cùng), là chủ trương nhất quán những năm qua và thời gian tới. Vấn đề đặt ra là những chủ trương và nguyên tắc trên đã vận dụng một cách đầy đủ và chuẩn xác trong việc tính chi phí, giá bán điện chưa? Hay việc đầu tư ngoài ngành của EVN không hiệu quả như chứng khoán, bất động sản, viễn thông, tổn thất điện năng, những cuộc đi khảo sát nước ngoài... cũng đưa vào chi phí sản xuất, tính giá thành điện? Chi phí quản lý và vận hành các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện than, khí dầu...) đã hợp lý chưa?

Mặc dù vấn đề này đã được Bộ Tài chính thẩm định, song với một ngành có đặc điểm kinh tế kỹ thuật rất phức tạp, hoạt động theo mô hình Tập đoàn độc quyền liên kết dọc truyền thống, hạch toán toàn ngành, thì liệu một vài cán bộ chỉ có kiến thức đơn thuần kinh tế tài chính, chưa có am hiểu đầy đủ về kỹ thuật ngành Điện, liệu có thẩm định được chuẩn xác?

Doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận, có lợi nhuận doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển. Lợi nhuận thu được thông qua giá bán. Đối với doanh nghiệp độc quyền, thường lợi dụng vị thế độc quyền để định giá cao. Vậy để thẩm định giá doanh nghiệp độc quyền như điện, cần một tổ chức định giá điện độc lập có đủ năng lực và trình độ chuyên môn thực hiện, giống như cách các nước trên thế giới vẫn làm.

Theo ông, mức tăng giá này ảnh hưởng thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?

7 tháng đầu năm, kinh tế trong nước đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng chưa rõ nét, vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Điện năng là đầu vào của mọi hoạt động sản xuất kinh tế và đời sống xã hội, việc tăng giá điện 5% chắc chắn sẽ gây khó cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng cá nhân, đặc biệt đối với những lĩnh vực tiêu dùng điện năng lớn như xi măng, thép, thủy sản...

Theo tính toán của các tổ chức nghiên cứu, tăng giá điện 5% sẽ làm cho CPI trong tháng 8 tăng 0,2% và cả những tháng tiếp theo. Ngoài ra, chưa kể yếu tố tâm lý và lợi dụng việc tăng giá điện sẽ “tát nước theo mưa” để tăng giá các mặt hàng khác. Giá điện tăng sẽ làm nguồn thu ngân sách năm 2013 vốn khó khăn sẽ càng khó khăn hơn, bởi chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tăng, giá thành, giá bán hàng hóa tăng theo lại càng khó tiêu thụ...

EVN nên công khai cơ chế tính giá để người dân biết

Đã độc quyền thì không thể được phép tự tăng giá

Ngành Điện hiện đang được coi là độc quyền, thì theo ông, có nên để doanh nghiệp điện được phép tăng giá trong biên độ 5% mà không cần xin phép Chính phủ?

Trong nền kinh tế thị trường có nhiều loại thị trường cùng tồn tại: Thị trường cạnh tranh, thị trường độc quyền, thị trường vừa cạnh tranh vừa độc quyền. Tùy mỗi loại hình thị trường mà Nhà nước có những cách quản lý giá cho phù hợp.

Về nguyên tắc quản lý giá, Nhà nước không bao giờ cho phép doanh nghiệp có tính độc quyền cao như ngành điện được phép tự quyết định tăng giá dù bất cứ biên độ nào, trong khoảng thời gian nào, để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Như vậy, việc quy định cho phép khi giá đầu vào tăng 5%, doanh nghiệp điện có quyền tăng giá điện là không phù hợp với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, tạo kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng tăng giá trong biên độ cho phép. Từ trước đến nay, doanh nghiệp điện chỉ tăng giá mà chưa bao giờ tính đến các yếu tố giảm giá điện như mùa và công suất, sản lượng tăng thêm đối với nhà máy thủy điện, giảm tổn thất điện năng và những khoản chi phí bất hợp lý khác.

Theo lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt, sau năm 2022, Việt Nam mới chính thức có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Vậy trong giai đoạn ngành Điện còn độc quyền, thì nên có chính sách quản lý giá điện như thế nào, thưa ông?

Theo lộ trình mà Chính phủ phê duyệt, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được thực hiện sau năm 2020. Trên lộ trình đó, giá điện sẽ dần được vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để thị trường điện hoạt động theo đúng lộ trình, cần phải chuẩn bị, tạo dựng rất nhiều các điều kiện.

Trong giai đoạn điện còn độc quyền, cơ quan quản lý cần kiểm soát hoạt động của ngành Điện bằng cơ chế kiểm soát giá, điều tiết lợi nhuận, tạo môi trường cạnh tranh nhanh để tiến tới thị trường điện cạnh tranh sớm hơn. Nhà nước cần phải quyết định giá bán lẻ điện, phải có chính sách điều tiết giá điện để góp phần tái cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh thực chất của các doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu. Giá bán lẻ điện phải bù đắp được chi phí hợp lý của doanh nghiệp điện và tạo lợi nhuận hợp lý để doanh nghiệp tái sản xuất. Nếu định giá quá thấp, doanh nghiệp điện lỗ, Nhà nước lại phải bù lỗ, tiền này thực chất là tiền thuế của dân; còn không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, sẽ dẫn đến tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu. Nếu định giá quá cao, sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng, làm mất khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ các chi phí đầu vào để giảm áp lực tăng giá điện.

Cần xem xét lại mức lương ngành điện

Ngành Điện liên tục kêu lỗ nhưng mức lương trung bình của cán bộ, công nhân viên trong ngành này vẫn rất cao so với nhiều ngành nghề khác. Ông có ý kiến gì về mâu thuẫn này?

Điều này là hoàn toàn bất hợp lý. Bởi tiền lương và thu nhập của người lao động trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh phụ thuộc vào năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị đó. Việc làm này là trái với nguyên tắc phân phối theo lao động của một nền kinh tế phát triển. Mức lương cao cũng là một trong những nguyên nhân bất hợp lý làm cho chi phí sản xuất, kinh doanh của ngành Điện cao. Chính điều này cũng là nguyên nhân gây lỗ của ngành Điện. Cần phải xem xét lại khoản chi phí về tiền lương này và nếu bất hợp lý yêu cầu xuất toán.

Cảm ơn ông!

* Khi việc tăng giá điện là khó tránh khỏi, cũng nên tăng giá điện sản xuất trước điện sinh hoạt, nhằm loại thải dần thói quen tận dụng công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng của không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cần giải quyết sự chồng chéo giữa nhiệm vụ kinh doanh và công ích, nếu không tách bạch được, thì có thể dùng một quỹ công ích độc lập để bù đắp theo kênh riêng.

* Giá điện nên thuộc một đơn vị, tổ chức định giá có đủ trình độ, năng lực và uy tín thực hiện. Trong bối cảnh chưa có đơn vị trong nước đủ khả năng đảm đương, có thể thuê công ty nước ngoài thực hiện việc định giá điện. EVN cũng nên công khai cơ chế tính giá, các thông tin chi tiết về các khoản chi phí và giá thành của toàn ngành điện để cơ quan chức năng, các chuyên gia, người tiêu dùng biết, theo dõi. Việc tăng giá điện phải có lộ trình rõ ràng, từng bước và gắn với tăng chất lượng điện.

An Na (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/thoi-su-xa-hoi/chinh-tri/201308/can-mot-to-chuc-doc-lap-dinh-gia-dien-328633/