CẦN NGHIÊN CỨU KỊP THỜI CÁC CHÍNH SÁCH ĐỂ THU HÚT DÒNG VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI FDI

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận và sẽ thông qua nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Việc Việt Nam chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia mà còn tạo lòng tin với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để tiếp tục thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì cần cải cách chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là đối với dự án quy mô lớn, trong lĩnh vực công nghệ cao.

Mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách năm 2024

Việc xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm mục đích chính là xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024 (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT)). Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây được cho là bước đi cần thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng đầu tư nước ngoài.

Khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu (Ảnh minh họa)

Khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu (Ảnh minh họa)

Hiện nay, có 619 tập đoàn đa quốc gia (khoảng 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam) có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu EUR trở lên, trong đó có 438 tập đoàn có một công ty thành viên tại Việt Nam và 181 tập đoàn có nhiều công ty thành viên tại Việt Nam (576 công ty thành viên) sẽ chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Theo tính toán sơ bộ của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ có thể được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.600 tỷ đồng.Trong đó, riêng số thuế chênh lệch phải nộp ở Hàn Quốc năm 2024 lên tới hơn 10.700 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, nếu Việt Nam giành quyền chủ động đánh thuế thông qua QDMTT, thì Việt Nam sẽ có cơ hội thu khoản thuế chênh lệch hơn 14.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính cho biết, với 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) từ năm 2024 thì số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung Việt Nam có thể thu được nếu áp dụng quy định IIR năm 2024 dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024, sẽ ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam, thay vì nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ. Cùng với đó phải có kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong luật để áp dụng cho năm tài chính 2025.

Cơ hội mới cho Việt Nam

Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI, là điểm đến hấp dẫn đối với FDI toàn cầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó, số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9/2023, có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với hơn 38.300 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD. Hiện Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN, với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI

Các tổ chức và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như AusCham, AmCham, Euro Cham đều cho rằng, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, Chính phủ cần có những điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép, đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế, cấp giấy phép lao động, cũng như lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh. Điều này sẽ giúp thu hút đầu tư FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn và chip.

Thảo luận về vấn đề này tại Quốc hội, đại biểu Quốc hội đều có chung quan điểm về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, nhưng chủ động giành quyền đánh thuế, phải làm thể nào không được ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và cũng là điều được đa số chuyên gia nhắc tới lâu nay. Các chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều cho rằng, vấn đề cần tập trung giải quyết hiện nay cùng với việc thực thi QDMTT là cần nghiên cứu để đưa các các chính sách ưu đãi đầu tư mới, nhất là đối với dự án quy mô lớn, trong lĩnh vực công nghệ cao. Điều này giúp tăng tính hấp dẫn đầu tư tại Việt Nam, thu hút ‘đại bàng’ vào Việt Nam, trong đó, hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang đươc nhiều quốc gia áp dụng. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang được giao xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

TS.Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS.Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo TS.Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình quan điểm, Chính phủ cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi, làm cơ sở xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh toàn cảnh về tác động của chính sách mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp. Khi các chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng, chúng ta phải thu hút đầu tư bằng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và ít rủi ro, coi đây là biện pháp thu hút đầu tư quan trọng nhất, hiệu quả nhất để ứng phó với thách thức từ chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.Thuế tối thiểu toàn cầu đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít thách thức vì đây là chính sách mới. Chủ động tham gia vào “cuộc chơi” sẽ là cách tốt nhất để Việt Nam không bị bỏ lại phía sau.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh, hiện một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật… đã tích cực chuẩn bị từ rất sớm để áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu và có chính sách phù hợp, đặc biệt tại các địa phương có nhiều các công ty đa quốc gia, để kịp thời ứng phó những tác động của chính sách khi có hiệu lực, hay việc chuẩn mực hóa báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). “Chúng ta phải nghiên cứu và có quy định để đồng bộ với hệ thống tài chính quốc tế”, quy định về tờ khai thuế, thời hạn kê khai…

Đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, cần sớm có chính sách bổ trợ khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư. Tham khảo kinh nghiệm các nước trong khu vực như Ấn độ, Thái Lan, họ có chính sách bổ trợ thông qua ưu đãi hạ tầng, đào tạo nhân sự, hoặc bổ sung vào phí nghiên cứu R&D. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu để có chính sách vừa đảm bảo được chính sách thuế tối thiểu toàn cầu của OECD vừa đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài FDI, cần phải tính toán để đảm bảo hệ thống chính sách với các Luật Thuế thu nhập bổ sung, đảm bảo quyền lợi của đất nước và tuân thủ chính sách chung của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Cùng chung quan tâm, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh, khi thực hiện đánh thuế tối thiểu toàn cầu, môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam sẽ thay đổi. Nếu trước đây chúng ta đã áp dụng nhiều hình thức để thu hút đầu tư trong đó có chính sách thuế. Nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cơ bản ưu đãi thuế trong thu hút đầu tư không còn nữa. Vậy rất cần chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định OEDC cũng như điều kiện của Việt Nam để giữ chân các nhà đầu tư mà Chính phủ đã có những cam kết về ưu đãi khi họ đầu tư vào Việt Nam.Trong đó, chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư cần đảm bảo điều kiện không chỉ thu hút doanh nghiệp nước ngoài, mà các doanh nghiệp trong nước khi đầu tư ra nước ngoài có đủ năng lực, trình độ khoa học công nghệ cũng sẽ phải được hưởng chính sách này.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa đảm bảo quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Cúc cũng đưa ra khuyến nghị, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp một phần cho doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, qua đó giảm thiểu, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các chi phí ngầm mà các doanh nghiệp đang gánh chịu. Ngoài ra, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo thông thoáng, rõ ràng minh bạch, thống nhất, dễ hiểu, dễ làm… giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là sẽ tập trung tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học…, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ thông qua đội ngũ trí thức, gắn nghiên cứu với thử nghiệm, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Đây là vấn đề đặt ra cấp thiết và cần làm ngay để Việt Nam tận dụng được cơ hội trong sân chơi toàn cầu.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82093